Hạn chế tái nghèo để giảm nghèo bền vững

Thứ Bảy, 31/12/2016, 18:03 [GMT+7]

Điện Biên TV - Một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững được tỉnh xác định là: Hạn chế tái nghèo. Giải pháp này cũng đã được xây dựng tại Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Để hạn chế tái nghèo, đòi hỏi sự linh hoạt, tâm huyết từ công tác chỉ đạo đến triển khai thực hiện và sự nỗ lực từ chính các hộ nghèo. Huyện Mường Ảng cũng là địa phương có tỷ lệ tái nghèo cao nên huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp để hạn chế tái nghèo.

Trước mắt, huyện Mường Ảng xác định: Phải làm cho người dân dần từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Để làm được việc này, cùng với tuyên truyền, vận động là hành động. Hành động bằng việc kiên quyết cắt bỏ chính sách hỗ trợ giảm nghèo khi hộ nghèo và người nghèo không chấp hành các điều kiện Nhà nước nêu ra và không có ý thức thoát nghèo. Đặt ra các điều kiện cần thiết với người nghèo và hộ nghèo khi hỗ trợ giảm nghèo; đồng thời hạn chế việc cho không. Bởi qua việc thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2011 - 2016 đã cho thấy: Việc cho không làm cho người dân ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo, mà cứ muốn nghèo để hưởng trợ cấp.   

d
Trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn huyện Mường Ảng đã được hỗ trợ trên 5 nghìn con giống gia súc

 

 
Bà Tô Thị Hạnh, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng cho biết: “Khi điều tra rà soát hộ nghèo, vẫn còn một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy trong quá trình điều tra, chúng tôi đi kiểm tra thực tế có một số hộ gia đình thuộc diện không nghèo hoặc thuộc diện cận nghèo nhưng đi gặp gia đình để điều tra thì họ đã thoát nghèo, tuy nhiên họ vẫn còn muốn xin ở lại hộ nghèo, không muốn thoát. Chúng tôi cũng cương quyết khi chấm theo bộ quy trình của tỉnh, nếu ở mức cận nghèo thì chúng tôi cũng xác định hộ đấy là cận nghèo hoặc thoát nghèo. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con nắm được quy trình rà soát và chấm điểm của nghèo đa chiều.”

Cùng với việc cắt bỏ hình thức cho không, huyện Mường Ảng tiếp tục duy trì các giải pháp giảm nghèo đã đem lại hiệu quả. Đặc biệt là việc đầu tư các công trình phúc lợi như: kiên cố hóa đường dân sinh, kênh mương, điện, nước sinh hoạt… hỗ trợ người nghèo về nhà ở và hỗ trợ trong sản xuất. Đơn cử như việc hỗ trợ giống vật nuôi và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn huyện Mường Ảng đã được hỗ trợ trên 5 nghìn con giống gia súc, gồm trâu, bò, dê, lợn và hàng nghìn con gia cầm, trong đó hiệu quả rõ hơn cả là việc hỗ trợ giống trâu, bò. Toàn bộ trâu, bò giống đã hỗ trợ đều phát triển tốt và đã sinh sản, tạo thu nhập đáng kể, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Cùng với thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng thu nhập, huyện Mường Ảng cũng đang dần hình thành các hình thức, việc làm nhất định để người nghèo được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về: y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở và thông tin. Đó là những yếu tố sẽ giúp các hộ nghèo có điều kiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.

Tuy nhiên, để những ý tưởng, dự định hay những cách làm đó mang lại hiệu quả thực chất thì không chỉ đòi hỏi những chủ trương đúng đắn, chính sách hợp lý, trách nhiệm của người thực thi mà người nghèo cũng cần chủ động hơn trong thực hiện quyết tâm giảm nghèo. Trước mắt, người nghèo, hộ nghèo phải xác định được: mình đã có những gì, cần thêm những gì và khả năng phát huy các điều kiện khi được hỗ trợ giảm nghèo ra sao. Đó là những yếu tố cơ bản để đảm bảo tính khả thi khi hỗ trợ giảm nghèo mà huyện Mường Ảng đang hướng đến nhằm hạn chế tái nghèo để giảm nghèo bền vững./.

 

Lê Dung - Duy Hải
 

.