Phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội

Thứ Ba, 25/10/2016, 18:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với lực lượng đông đảo chiếm tới gần 50% tổng dân số, những năm qua, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua. Nhờ đó, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, nghị quyết, hệ thống pháp luật, chính sách về phụ nữ ngày càng được hoàn thiện mà điển hình là sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Cộng với đó là việc kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phát huy vai trò, nâng cao vị thế phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. Tại tỉnh Điện Biên, nhờ sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhất là sự tuyên truyền tích cực, chủ động, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình cũng như là xã hội.

x
Không chỉ là người giữ “lửa” tổ ấm gia đình, phụ nữ trong xã hội hiện nay còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Trong ảnh: Hội viên phụ nữ thuộc Hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên dệt hoa văn khăn quàng cổ.

 

Đánh giá về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay, bà Lò Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho rằng: Phụ nữ trong xã hội hiện nay đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là người giữ “lửa” trong việc xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nổi bật như trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ được tham gia ban hành các quyết định, xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới; được cử đại diện xứng đáng trong các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội. Hiện tỉnh có một nữ lãnh đạo cấp tỉnh; 8 nữ lãnh đạo cấp huyện; 25 nữ lãnh đạo cấp sở, ban, ngành; hàng trăm nữ lãnh đạo cấp phòng, ban thuộc các huyện và các sở, ban, ngành. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh chiếm 50%; đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm hơn 29%...

Trong lĩnh vực kinh tế - lao động với lực lượng đông đảo, phụ nữ đã tham gia vào hầu hết các ngành nghề, công việc; tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Mặt khác, phụ nữ có những đóng góp quan trọng trong phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính như: Tham gia các công ty thương mại, dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ xã hội, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bưu chính, viễn thông, ngân hàng… Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu ngân sách trên địa bàn. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trình độ học vấn của nữ giới ngày càng cao. Tỷ lệ học sinh nữ đến trường học tập được nâng cao, phụ nữ dưới 40 tuổi cơ bản được xóa mù chữ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức nữ luôn được các sở, ngành, huyện, thị quan tâm góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức viên chức phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước. Số nữ tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân tăng theo từng năm, nhiều học sinh, sinh viên nữ đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia.

Đáng chú ý, trong xây dựng gia đình, phụ nữ tiếp tục có những đóng góp to lớn, góp phần giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội và gia đình, vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ tổ ấm gia đình trong thời kỳ kinh tế thị trường, chủ động xây dựng gia đình theo chuẩn mực no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình.

Đặc biệt, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015; đến nay, có trên 70% phụ nữ, 95% cán bộ, công chức, viên chức, hội viên phụ nữ được tiếp cận tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Thông qua tuyên truyền, giáo dục đã giúp phụ nữ nhận thức thái độ, hành vi trong việc giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đó là “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, đồng thời lên án các hành vi sai trái, lệch chuẩn. Hiện tại, Hội LHPN tỉnh đang triển khai dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” thuộc Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020” với mục tiêu nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác gia đình; nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị các mối quan hệ trong gia đình; xây dựng các mô hình hỗ trợ hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc…

Những kết quả nổi bật trên đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình cũng như trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Người phụ nữ ngày càng năng động, tự tin tham gia vào mọi phong trào, hoạt động. Qua đó, chứng tỏ vai trò, vị thế quan trọng của mình trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

 

Đức Linh


 

.