Nước mắm nhiễm asen: Người tiêu dùng không nên quá lo lắng

Thứ Bảy, 22/10/2016, 23:32 [GMT+7]

Asen phát hiện trong nước mắm là asen hữu cơ không độc hại với sức khỏe người tiêu dùng, nước mắm vẫn an toàn, người tiêu dùng không nên quá lo lắng.

Mới đây, sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc, nhiều người tiêu dùng cảm thấy hoang mang vì hơn 100 mẫu được khảo sát đều chứa thành phần asen, một độc tố gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.

Trước nhiều thông tin mập mờ, chưa rõ ràng, các chuyên gia trong ngành thực phẩm trấn an người tiêu dùng, các tiểu thương không nên quá lo lắng bởi đây là những thông tin chưa chính xác, độ tin cậy chưa cao.

Mặc dù ngay sau khi công bố kết quả khảo sát, đại diện của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng giải thích, asen phát hiện trong nước mắm là asen hữu cơ không độc hại với sức khỏe người tiêu dùng, nước mắm vẫn an toàn, người tiêu dùng không nên quá lo lắng.

Kết quả công bố vừa qua của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng đã không thuyết phục người tiêu dùng, doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành thực phẩm. Bởi xét về nguyên tắc, nước mắm đạm càng cao thì thạch tín càng nhiều là do làm từ tinh chất cốt cá mà trong cá có asen hữu cơ và bản chất asen hữu cơ không gây độc hại cho người sử dụng.

Do đó, việc thông tin 67% nước mắm chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng không đúng bản chất sẽ khiến người tiêu dùng lo lắng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong thiên nhiên, asen được tồn tại ở hai dạng đó là asen vô cơ và asen hữu cơ.

Trong đó, asen vô cơ tồn tại ở trạng thái nguyên tử và là chất rất độc, chỉ cần một lượng nhỏ là gây ra ngộ độc cấp tính nguy hiểm, có thể làm chết người.

Nếu mỗi ngày, một lượng nhỏ asen theo thức ăn vào cơ thể, tuy không gây ra ngộ độc cấp tính nhưng sẽ gây ra ngộ độc trường diễn rồi sinh bệnh. Trong khi đó, asen hữu cơ là asen đã tham gia phản ứng với các chất hữu cơ để tạo thành nhiều loại hợp chất khác nhau và tồn tại trong cơ thể nhiều loại hải sản, có tính độc rất thấp, không làm tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Từ những phân tích đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, khi công bố, cơ quan chức năng cần thông tin minh bạch và khoa học hơn, có trách nhiệm hơn; Cơ quan quản lý kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất cần sớm công bố kết quả kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo uy tín của doanh nghiệp và quyền lợi cho người tiêu dùng.

“Lẽ ra, Hội chỉ phân tích asen vô cơ, không cần phân tích asen hữu cơ nhưng lại cứ đưa vào để hàm lượng cao lên, trong khi đó bất cứ chuyên gia thủy sản nào cũng đều hiểu rằng, asen hữu cơ đương nhiên có trong thủy sản và hàm lượng thường lớn, không gây độc…

Vô hình chung họ đã cộng một chất không an toàn với một chất an toàn vào với nhau để nâng mức không an toàn lên rất cao và làm cho người tiêu dùng kinh hãi, gây nên tác hại rất lớn”- PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh bày tỏ.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc Vinastas đưa ra số liệu khảo sát liên quan đến chất lượng nước mắm ở Việt Nam là kết quả đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả khảo sát chưa được giám định, kiểm định. Chỉ khi cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế lấy mẫu mắm kiểu tra về hàm lượng đạm có các chất gây hại cho sức khỏe là kim loại nặng, vi sinh thì khi đó kết quả công bố mới đáng tin cậy.

Trước những thông tin nhiễu loạn gây hoang mang trong dư luận, các chuyên gia trong ngành thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng không nên quá lo lắng, bởi đây mới chỉ là kết quả khảo sát chứ chưa phải là kết quả kiểm nghiệm chính thức của Bộ Y tế.

Để xác định nước mắm có bảo đảm hay không cần phải lập Hội đồng khoa học phân tích, đánh giá, công bố rộng rãi cho người tiêu dùng biết, nếu chỉ theo kết quả của Vinastas sẽ ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống có uy tín trên thị trường.../.

 

Theo VOV

.