Thủ tướng: Rút ra bài học gì từ vụ 10 quân nhân hy sinh?

Thứ Năm, 30/06/2016, 18:20 [GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến vụ 2 máy bay SU30 và CASA-212 gặp nạn khiến 10 người hy sinh và bài học cần rút ra là gì?
 
Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra chiều nay (30/6), Thủ tướng đã nhắc đến vụ 2 máy bay SU30 và CASA-212 gặp nạn khiến 10 người hy sinh, sau vụ việc này chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm gì?

Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến phá rừng ở Tây Nguyên. Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết và văn bản pháp luật thời gian qua.
 

1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và từng địa phương phải làm gì để chấn chỉnh kỷ cương, pháp luật chứ không thể lộn xộn trong điều hành quản lý.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ và các địa phương tập trung dành thời gian đánh giá thêm về những kết quả đã đạt được, những nguyên nhân, yếu kém, giải pháp nào thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP những tháng đầu năm chỉ đạt 5,52% GDP thấp hơn cùng kỳ. Hạn hán ở ĐBSCL đã làm mất đi 1,3 triệu tấn thóc. “Vậy những nguyên nhân chủ quan nào từ chỉ đạo vĩ mô. Đặc biệt giải pháp từ địa phương cần được đưa ra trong thời gian tới để kinh tế tăng trưởng đạt 6,67% như chỉ tiêu của Quốc hội đã thông qua”- Thủ tướng nói.

Ngay sau phát biểu của Thủ tướng, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng. Báo cáo nêu rõ, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước giảm 0,18%. Tình hình rét hại và băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất của ngành.

Hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng trưởng âm được nhận định là để lại hậu quả nặng nề cho các mùa vụ sau.

Trong tình hình đó, lĩnh vực an sinh xã hội và phúc lợi xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Nhiều biện pháp hỗ trợ, giải quyết một phần khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển được quan tâm như cấp gạo gừ nguồn dự trữ nhà nước, cấp nước sinh hoạt và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Điểm hạn chế trong lĩnh vực xã hội là tình trạng xả thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Nhiều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt xảy ra khá phổ biến, trong thời gian dài nhưng chậm được khắc phục. Đời sống người dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn./.

 

Theo VOV

.