Tượng đài người anh hùng trong lòng dân nơi biên cương Tổ quốc

Chủ Nhật, 14/02/2016, 08:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những ngày cuối năm, cùng Đoàn công tác, lần thứ ba tôi có dịp trở lại Leng Su Sìn. Bên dòng Păng Pơi, người Leng Su Sìn ngày ngày vẫn hát bài hát “Dòng Păng Pơi vẫn hát ”, trong đó có đoạn: A cồ ơi, a nhí ơi (anh trai ơi, em gái ơi), ai đưa bản ta về bên dòng suối, ai đưa bản ta thoát khỏi đói nghèo, ai mang cho ta cây lúa chắc bông nặng hạt. Anh Thọ đó, người bộ đội công an". Câu hát - hay đó là tiếng lòng của đồng bào Hà Nhì với Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Thọ - Tấm gương dũng cảm, tận tụy hy sinh vì cuộc sống yên bình của đồng bào các dân tộc, vì sự nghiệp bảo vệ biên cương thân yêu của Tổ quốc.

f
Công trình Tượng đài Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Thọ đang được khẩn trương hoàn thành.

 

Chân dung...

Trao đổi với Đại tá, Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên - Lê Đức Nghĩa cho biết: Anh Trần Văn Thọ sinh năm 1935, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nhập ngũ năm 1952. Từ 1952 -1954, đơn vị anh hoạt động ở vùng cao, biên giới thuộc các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp, hiểm nguy. Hoà bình lập lại 1954 - 1958, đơn vị của anh tiếp tục làm nhiệm vụ tiễu phỉ, giúp dân ổn định đời sống ở vùng cao, biên giới ở Bát Xát, Sa Pa, Dào San, Mường Hum... Năm 1958, đơn vị anh chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Đồn 5 Leng Su Sìn - Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn 405 xã Leng Su Sìn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên). Leng Su Sìn xã ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Cùng với sự gương mẫu, bằng công tác tuyên truyền, giáo dục, anh chăm lo đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và cùng địa phương thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Mường Tè (Lai Châu) lúc bấy giờ. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, anh  kiên trì vận động, hướng dẫn đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu: Cai nghiện thuốc phiện, không du canh du cư, xuống vùng thấp cư trú theo từng bản, để làm ruộng nước. Anh bỏ tiền mua dao phát, lưỡi cày, giống lúa từ miền xuôi, vùng thấp mang lên; hướng dẫn bà con đóng cày bừa, gieo mạ, làm phân bón, cách chăm sóc lúa ruộng. Anh cùng đơn vị dành một phần gạo, quần áo, thuốc men giúp các hộ gia đình nghèo trong xã. Hàng ngày, giúp nhân dân sản xuất, tắm rửa, cắt tóc, dạy xóa nạn mù chữ cho trẻ em và người lớn.

9 năm vững vàng, vượt mọi hiểm nguy, gian khó, Trần Văn Thọ nêu gương sáng về tinh thần "Trung với Đảng, hiếu với dân". Do sốt rét và làm việc quá sức, anh bị ốm nặng. Khi anh em đến cáng đưa về tới đơn vị, thì anh Thọ đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội và niềm tiếc thương của đồng bào Hà Nhì, ngày 8/8/1961, khi anh mới 26 tuổi. Năm 1967, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 118/LCT truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và năm 2008 Thủ tướng Chính phủ, ký Quyết định số 984/QĐ - TTg tặng Bằng Tổ quốc ghi công.

... và Tượng đài người anh hùng giữa lòng dân nơi biên cương Tổ quốc

Với đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn" và "Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ"; thực hiện sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên triển khai xây dựng Tượng đài Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Thọ và Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ. Công trình tọa lạc trên đỉnh núi Leng Su Sìn - nơi đây đồng bào Hà Nhì gọi là “Hòn ngọc giữa miệng Rồng”, thuộc xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Với diện tích 1.200m2 công trình gồm: Tượng đài Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Thọ; bức phù điêu; nhà tưởng niệm. Tượng đài là hợp khối được đúc bằng đá tự nhiên, cao 6,5m, nặng 36 tấn với chân dung liệt sỹ Trần Văn Thọ và 3 nhân vật đại diện cho nhân dân các dân tộc vùng biên giới. Khởi công ngày 20/8/2015 do Công ty Cổ phần Linh Thông - Hà Nội đảm nhiệm. Hiện nay, đơn vị thi công, Đồn Biên phòng và nhân dân Leng Su Sìn khẩn trương hoàn thiện để hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 57 năm ngày thành lập BĐBP Việt Nam (3/3/1959 - 3/3/2016).

c
                       Tượng đài Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Thọ

 

Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn - Sừng Sừng Khai, xúc động chia sẻ với chúng tôi: 55 năm, sau ngày anh ra đi, người già, người trẻ nơi đây vẫn kể chuyện về anh. Coi anh như Thành Hoàng, như người ruột thịt trong gia đình, lập miếu thờ. Ở vùng đất biên viễn này mỗi ngọn núi, mỗi cánh đồng, sông, suối, dốc đèo ghi dấu chân người anh hùng và mang tên "ông Thọ".

Tại Đồn Leng Su Sìn, dãy nhà hai tầng khang trang, vừa hoàn thành trước Tết Bính Thân; bức tượng của anh Thọ được đặt trang trọng trong hội trường như nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị suốt đời phấn đấu, học tập tấm gương "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thọ. Thiếu tá Đồn trưởng Lã Quý Nhất nói với tôi rằng: "Mỗi lần đi làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ trong Đồn, bao giờ cũng thắp cho anh một nén hương thơm. Thầm mong anh tiếp thêm sức mạnh cho người lính biên phòng, vượt  mọi gian khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Tại thành phố Điện Biên Phủ, trên đường vào Trụ sở Thành ủy, UBND thành phố, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Công an tỉnh một con đường nhựa rộng, phẳng được mang tên anh -  Đường Trần Văn Thọ.   

Người lính Biên phòng - Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Thọ, người con ưu tú của Trấn Yên (Yên Bái), đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Anh là người đầu tiên của BĐBP được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Anh xứng đáng là niềm tự hào của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 405 Leng Su Sìn anh hùng. Anh là Tượng đài tinh thần và Tượng đài thực thể sống mãi giữa lòng dân nơi ngã ba biên cương thân yêu của Tổ quốc./.

 

Đỗ Quang Khải
                       
 

.