Tả Kố Khừ đổi thay giữa miền biên ải

Chủ Nhật, 19/07/2015, 08:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bản Tả Kố Khừ thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, là xã có ngã ba biên giới Việt Nam tiếp giáp với hai nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Trước đây, người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do giao thông đi lại cách trở, trình độ dân trí không đồng đều, sản xuất và phong tục tập quán rất lạc hậu khiến tỷ lệ đói nghèo luôn ở mức cao. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngày nay người dân nơi đại ngàn ngã ba miền biên ải này, đang nỗ lực vươn lên, dần thoát khỏi đói nghèo, đoàn kết cùng xây đựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia.

c
100% đường nội bản đã trải bê tông với chiều dài hơn 1.000m, phục vụ thuận lợi cho bà con đi lại trong các mùa.

 

Vượt qua hơn 250 trăm cây số đường dốc ngoằn ngoèo, vực sâu hun hút, chúng tôi đã có mặt ở xã Sín Thầu, xã biên giới xa nhất của tỉnh Điện Biên, nơi mà một con gà gáy ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc cùng nghe. Qua dòng Mo Phí với cây cầu bê tông vững chắc mang tên Tả Kố Khừ, chúng tôi đến điểm bản Tả Kố Khừ (theo tiếng Hà Nhì tức là Vùng đất rộng nằm ở ngã ba, có đường đi tắt lớn). Bản duy nhất chỉ có dân tộc Hà Nhì sinh sống. Xưa kia, vùng đất này chỉ biết đến với những khó khăn, của cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu trường kỳ đeo đẳng. Giờ đây, khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những con đường bê tông được trải đến tận các hộ gia đình và những căn nhà mái tôn, mái ngói đỏ tươi, đường vào bản môi trường phong quang, sạch sẽ… cho thấy một cuộc sống tiến bộ, ấm no, hạnh phúc nơi đây.

Nếu như những năm trước, việc đi lại, trao đổi hàng hóa của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa thì nay tuyến đường huyết mạch 4H nối liền giữa tỉnh Điện Biên – huyện Mường Nhé – xã Sín thầu – lối mở A Pa Chải đã hoàn thành, tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân rất thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất nâng cao mức sống của nhân dân. Nếu như trước kia người dân nơi đây tăng gia, sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp, nông sản làm ra chủ yếu là phục vụ tiêu dùng ngay tại chỗ thì ngày nay một số mặt hàng đã trở thành hàng hoá như: Trâu, bò, cá, gà, lợn, dê... Do làm tốt quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, xây dựng chuồng trại, thay đổi tập quán chăn nuôi, đến nay bản có tổng đàn gia súc, gia cầm lên tới hơn 1.885 con; riêng đàn trâu, bò có 555 con, bình quân mỗi hộ có từ 3 đến 5 đầu gia súc, nguồn thu từ chăn nuôi hàng năm mang lại giá trị kinh tế không nhỏ, sản phẩm của bà con đã có thể cung cấp ra thị trường ngoài huyện, góp phần tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Bí thư Chi bộ bản Tả Kố Khừ - Pờ Dần Sơn cho biết: “Chi bộ Tả Kố Khừ có 6 đảng viên, bản có 106 hộ với 486 nhân khẩu. Với vai trò là hạt nhân lãnh đạo Chi bộ đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của các cấp uỷ đảng, nhất là tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ xã Sín Thầu về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Tả Kố Khừ đã thực sự “thay da, đổi thịt” vươn lên trở thành một trong những điểm bản tiến bộ nhất của xã Sín Thầu. Để có cuộc sống mới đang từng ngày khởi sắc là do đồng bào Hà Nhì biết phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó với bộ đội biên phòng, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, thông qua nguồn lực từ các chương trình, dự án được thực hiện có hiệu quả như: Chương trình 134, 135, 167, 30a dành cho những xã vùng cao đặc biệt khó khăn và đặc biệt là Đề án 79 sắp xếp ổn định dân cư, đồng thời là sự nỗ lực đóng góp của mỗi người dân để xây dựng bản. Hiện bản không có người nghiện, không có phá rừng, không có di cư.”

c
Con em dân tộc Hà Nhì xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) trong niềm vui cắp sách tới trường.

 

Điều làm chúng tôi ấn tượng nhất đó là, bà con nơi đây đã có nếp sống sinh hoạt văn minh, cả bản mọi nơi đều được dọn dẹp sạch sẽ, các nếp nhà được lợp mái tôn vững chãi, chuồng gia súc, công trình vệ sinh làm xa nơi ở, trâu bò được nuôi nhốt có chuồng trại để chống rét và đề phòng dịch bệnh; trẻ em đã có áo ấm, chăn ấm khi mùa đông về, nhiều hộ gia đình có vườn rau, ao cá phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Trưởng bản Tả Kố Khừ - ông Khoàng Cà Chừ phấn khởi nói: “Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, chính quyền xã sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của bà con, do vậy bản đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, dân chủ, biết khơi dậy sự làm chủ trong nhân dân, tranh thủ được các nguồn lực để xây dựng cuộc sống mới. Nếu như trước kia là bản "bốn không" (không điện, đường, trường, trạm), đến nay bản đã trải bê tông 100% đường nội bản với chiều dài hơn 1.000m phục vụ thuận lợi cho bà con đi lại trong các mùa, 100% các hộ trong bản có điện lưới quốc gia và người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu; trên 80% dân số có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hầu hết người dân đều có máy thu hình và được xem truyền hình, tỷ lệ hộ nghèo của bản là 26,4%, hằng năm giảm từ 3 đến 5% hộ nghèo.”

Mặc dù vẫn khó khăn, còn thiếu thốn nhưng các em trong độ tuổi đều được huy động đến trường, người Hà Nhì hiếu học nên rất ít có hiện tượng các em học sinh bỏ học giữa chừng. Khắc phục những khó khăn các thầy giáo, cô giáo còn rất trẻ từ các tỉnh miền xuôi lên đây cắm bản, động viên các em đến trường, dạy chữ cho trẻ em, thắp lên hy vọng vượt khó, thoát nghèo ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, nhiều gia đình Hà Nhì bố mẹ không biết chữ nhưng cũng cố gắng cho con đi học, với niềm tin ước mơ về tương lai tươi sáng. Để phát huy tinh thần hiếu học, cũng cần phải kể đến dòng họ Pờ nổi danh vùng ngã ba biên giới, với những người con ưu tú như Pờ Xì Tài, Pờ Dần Sinh, Pờ Diệp Sàng... dòng họ Pờ được xem như là những hạt giống đầu tiên gieo mầm cho sự cuộc sống nơi đây, để ngày nay có những đổi thay cho vùng đất này.

Bà Pờ Mỳ Ly, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé cho biết: “Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, từ khi có đường giao thông thuận lợi, nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé nói chung trong đó có bà con dân tộc Hà Nhì bản Tả Kố Khừ đã không còn phải đi lại khó khăn nữa, người dân trong bản đã mua xe máy để đi lại, mang hàng hóa nông sản do mình tự sản xuất ra ngoài huyện, ngoài tỉnh để bán, nhiều hộ còn mua máy móc xay xát để phục vụ bà con ngay tại bản. Ngoài ra, cũng có nhiều người ở ngoài huyện, tỉnh còn vào tận bản để thu mua các sản phẩm do người dân làm ra như: Trâu, bò, cá, gà, lợn, dê... đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập”.

Tả Kố Khừ đang đổi thay từng ngày, sự thay đổi rõ nét nhất là đồng bào đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó có nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên trở thành những hộ khá, hộ giàu, những phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang đã được thay đổi, người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, tham gia giữ rừng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia, cùng xây dựng quê hương nơi ngã ba biên giới ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

 

Khánh Toàn
                                                                           Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên


 

.