Kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo ở Luân Giói

Chủ Nhật, 19/07/2015, 08:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nằm cách trung tâm huyện Điện Biên Đông 40km, Luân Giói là xã có nhiều yếu tố bất lợi về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, năng lực đầu tư có hạn của người dân… nên tỷ lệ hộ nghèo của Luân Giói những năm trước đây luôn ở mức cao. Nhưng hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm xuống mức 43,13%. Đây được xem là một thành công lớn trong thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Luân Giói, đồng thời là bài học kinh nghiệm cho một số địa phương khác trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo bắt đầu từ chăn nuôi đàn gia súc.

c c
Với 2 mô hình nuôi bò và dê sinh sản giá trị ban đầu trị giá 240 triệu đồng đến nay tăng lên trên 2,6 tỷ đồng và có 226 hộ được hưởng lợi từ dự án.

 

Luân Giói là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Điện Biên Đông với gần 1.110 hộ dân là dân tộc Thái phân bổ tại 19 thôn bản. Luân Giói có địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông giữa các bản đi lại khó khăn, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu làm nương rẫy, trồng lúa nước, đất đai bạc màu, thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài. Thêm vào đó, trình độ dân trí không đồng đều, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi mới được đầu tư nên còn hạn chế. Bên cạnh đó, Luân Giói cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế như xã có đường nhựa chạy dọc tuyến liên huyện tới xã khác nên rất thuận lợi cho vận chuyển giao thông đường bộ. Nhìn chung, kinh tế toàn xã trong thời gian qua có biến chuyển tương đối mạnh mẽ và đạt được những thành tựu nhất định về sự phát triển kinh tế. Diện tích đất canh tác luân canh liên tục tăng nhưng không làm ảnh hưởng đến diện tích đất rừng và đất trong quy hoạch khác. Việc thực hiện các chương trình dự án đạt kết quả khả quan, cơ sở hạ tầng dần được đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Ngoài Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 theo nguồn vốn Ngân hàng Thế giới WB, Luân Giói còn triển khai thực hiện các mô hình xoá đói giảm nghèo khác, tập trung vào các mô hình chuyển đổi tập quán chăn nuôi, phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Mô hình chuyển đổi tập quán chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bò, dê sinh sản được đầu tư với tổng trị giá 300 triệu đồng, mua 40 con bò và 92 con dê cho người dân nuôi theo hình thức luân chuyển. Trước khi tiến hành luân chuyển vật nuôi cho các hộ tiếp theo, Ban quản lý dự án phối hợp với UBND xã Luân Giói tiến hành thống kê số bò, dê đã đẻ đủ điều kiện luân chuyển. Nhờ đó, mô hình nuôi bò sinh sản với số lượng ban đầu 40 con trị giá trên 185 triệu đồng; sau 3 lần luân chuyển đã nâng tổng số đàn lên 111 con, trong đó có 78 con được sinh ra từ bò mẹ và 95 hộ được hưởng lợi từ dự án, ước tính tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Với mô hình nuôi dê sinh sản, từ khi thực hiện dự án đến nay đã luân chuyển được 3 lần và 131 hộ được hưởng lợi từ dự án. Từ số vốn ban đầu là 54 triệu đồng đầu tư mua 92 con dê mẹ sinh sản, đến nay đã sinh sản được 343 dê con và 70 con dê mẹ nâng tổng số đàn lên 413 con; tổng giá trị ước tính trên 1,6 tỷ đồng. Sau một thời gian thực hiện dự án xây dựng mô hình xóa đói giảm nghèo xã Luân Giói, đàn bò, đàn dê đã tăng nhanh về số lượng, giá trị. Với hai mô hình giá trị ban đầu trị giá 240 triệu đồng đến nay tăng lên trên 2,6 tỷ đồng và có 226 hộ được hưởng lợi từ dự án. Bằng cách làm cụ thể thiết thực, đây là dự án có hiệu quả kinh tế cao, nhanh tạo ra sản phẩm hàng hoá nâng cao đời sống cho nhân dân và góp phần đẩy nhanh tốc độ xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới Luân Giói.

Ông Lò Văn Cu, Chủ tịch UBND xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông cho biết: "Xã Luân Giói là xã thuần nông, trước đây việc canh tác, phát triển kinh tế rất lạc hậu. Sau khi được Đảng và Nhà nước quan tâm tới chính sách hộ nghèo và quan tâm đầu tư các chương trình, dự án (135, 134, 167, WB...), đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 30CP bộ mặt của xã đã có nhiều thay đổi. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực đề ra các giải pháp giúp bà con xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; đồng thời giao cho các ban, ngành thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và phải đạt được nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra hàng năm."

x
Xã Luân Giói phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất từ 5 - 6%

 

Từ các mô hình xóa đói giảm nghèo bắt nguồn từ chăn nuôi này, nhiều hộ nghèo trong xã đã có điều kiện tiếp cận trực tiếp với các nguồn lực hỗ trợ như kinh phí, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi... đặc biệt là đã tạo được sự tham gia của người dân, huy động thêm được nguồn lực tại chỗ, giúp cho cán bộ cấp xã và người dân tại địa bàn triển khai mô hình bước đầu đã có sự chuyển biến về nhận thức và năng lực tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, kỹ năng tổ chức thực hiện dự án trong việc phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hoá, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, bỏ thêm vốn đầu tư, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với điều kiện của hộ và của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ vươn lên khá giàu. Cơ cấu sản xuất trên địa bàn có sự chuyển dịch về mùa vụ, cây trồng vật nuôi, sản xuất hàng hóa tạo giá trị cao hơn trước khi chưa có dự án xóa đói giảm nghèo can thiệp. Dự án đã tác động đến nhận thức và kiến thức sản xuất của người dân hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp là bà con có vốn từ việc bán sản phẩm qua các chu kỳ đầu để tái đầu tư cho những chu kỳ tiếp theo. Từ đó, đem lại lợi ích không nhỏ trong vấn đề an ninh lương thực và thực phẩm không phải cứu đói, bây giờ bà con đã có sản phẩm và của cải dự trữ.

Nhìn chung, các mô hình xóa đói giảm nghèo đã thực hiện trên địa bàn xã Luân Giói đều có khả năng nhân rộng, hàng năm số hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo đều tăng. Từ việc nghiên cứu, thực hiện thí điểm các mô hình xóa đói giảm nghèo có thể tổng kết rút ra một số kinh nghiệm như các mô hình đều đặt lợi ích của người nghèo lên hàng đầu, nhiều vấn đề có liên quan thuộc lợi ích của người nghèo và những mong muốn của họ đã được quan tâm giải quyết, thông qua các quyền mà người nghèo được hưởng khi tham gia dự án, đó là: được tham gia dự án, các mô hình đều được xây dựng trên cơ sở sự họp bàn thống nhất của đại diện tất cả các hộ nghèo, các hộ nghèo đều được cùng tham gia trong quá trình khảo sát, bàn bạc xác định các tiềm năng thế mạnh của địa phương, một số vấn đề quan trọng đã được giao cho chính người nghèo tự quyết định... Từ đó, giúp cho họ mạnh dạn hơn, tự tin hơn và cảm thấy mình được làm chủ quá trình sản xuất, khơi dậy được tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm đối với những quyết định của bản thân. Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ xây dựng củng cố chuồng trại chăn nuôi để chuyển đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt hoặc che chắn phòng chống mưa, rét; được tham gia tập huấn khuyến nông, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, tham gia các buổi đối thoại với với các đối tượng khác nhằm trao đổi những kinh nghiệm làm ăn, cách làm hay của các hộ khá giàu, những hộ làm ăn hiệu quả được khen thưởng, tôn vinh, ghi nhận và động viên khích lệ kịp thời. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tại chỗ được chú ý khai thác đã phát huy hiệu quả tích cực.

Trong quá trình thực hiện dự án, các bộ phận phân cấp và phân công công việc cụ thể đã hoàn thành vai trò của mình từ những bước đầu bỡ ngỡ mới tiếp cận dự án, sau thời gian truyền thông về nội dung và thực hiện dự án cũng như các buổi tập huấn học hỏi để nâng cao tăng cường năng lực… chất lượng công việc các bộ phận được vận hành một cách có hiệu quả, đó là hướng đi và cách làm phù hợp để phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tiếp theo. Ông Lò Văn Cu, Chủ tịch UBND xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông cho biết thêm: "Xã Luân Giói phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất từ 5 - 6%. Xã phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống còn 36,4%. Để làm được như vậy thì chúng tôi sẽ tăng cường vận động bà con nhân dân tự tham gia học hỏi các mô hình thực tế để áp vào trong chính gia đình mình, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Ngoài ra, xã cũng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con nông dân thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất."

Xóa đói giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu mà Luân Giói đạt được trong thời gian qua đã tạo bước ngoặt mới trong xóa đói giảm nghèo trên địa bàn và là nền tảng vững chắc để xã Luân Giói nói riêng và huyện Điện Biên Đông nói chung thực hiện những giải pháp xóa đói giảm nghèo cho giai đoạn tiếp theo./.

 

Lường Hương – Ngọc Bích

 

.