Đầu tư giảm nghèo cần tập trung cho những mục tiêu cụ thể

Thứ Hai, 20/07/2015, 16:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chính sách dân tộc được các bộ, ngành địa phương thực hiện trong những năm gần đây đạt được những kết quả khá tốt, đem lại sự đổi thay trên nhiều lĩnh vực cho các địa bàn vùng dân tộc miền núi. Tuy nhiên hiện nay, ở khu vực này tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, tập quán sinh hoạt và tư duy sản xuất của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Việc triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc còn chồng chéo và dàn trải, chưa phát huy được hiệu quả.

Xã Pá Khoang nằm trong 19 xã khó khăn của huyện Điện Biên. Năm 2012, khi mới chia tách từ xã Mường Phăng, Pa Khoang có trên 50% hộ nghèo ; trên 90% hộ dân là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ sản xuất hạn chế ; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đều thiếu thốn. Để xã thoát khỏi tình trạng khó khăn, các cơ quan, ban ngành từ cấp tỉnh tới cấp huyện, đã tập trung triển khai nhiều chương trình chính sách hỗ trợ đồng bào trong xã. Qua 3 năm thực hiện các chính sách giảm nghèo, số hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 23%. Tuy nhiên người dân Pá Khoang đã thực sự thoát nghèo bền vững hay chưa, điều này chính quyền địa phuwong còn chưa dám khẳng định.

d
Hiện nay xã Pá Khoang, có 21 bản, 945 hộ dân với gần 4.400 nhân khẩu, toàn xã có 216 hộ nghèo và 329 hộ cận nghèo. Hàng năm xã vẫn còn hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh thiếu đói giáp hạt cần Nhà nước hỗ trợ

Theo UBND xã Pá Khoang, hiện nay xã có 21 bản, 945 hộ dân với gần 4.400 nhân khẩu, toàn xã có 216 hộ nghèo và 329 hộ cận nghèo. Hàng năm xã vẫn còn hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh thiếu đói giáp hạt cần Nhà nước hỗ trợ. Tìm hiểu nguyên do của tình trạng này, chúng tôi được biết, do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, sản nhỏ lẻ, manh mún và một bộ phận người dân chưa có ý thức thoát nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo trong xã vẫn còn cao, số hộ cận nghèo có nguy cơ trở thành hộ nghèo khá lớn.

Bản Co Cượm, xã Pá Khoang có trên 50 hộ dân, là đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Khơ Mú. Trước đây họ sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, đời sống rất khó khăn. Những năm gần đây có các chính sáchkhuyến khích của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ khai hoang ruộng bậc thang, cấy lúa 2 vụ, người dân ở đây đã chuyển đổi sản xuất, từ canh tác nương rẫy sang trồng lúa nước, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thẻ cá. Bản cũng được đầu tư công trình nước sinh hoạt, được hỗ trợ giống cây trồng để đồng bào có hướng tăng gia sản xuất. Không ít hộ trong bản đã thay đổi được tư duy, tích cực vươn lên thoát nghèo.

Ông Quàng Văn Song, dân tộc Khơ Mú vốn là hộ nghèo, được tiếp cận với phương pháp trồng trọt, chăn nuôi tiến bộ, trong năm năm gần đây, kinh tế gia đình đã có nhiều thay đổi. Bỏ canh tác nương rẫy chọc lỗ tra hạt truyền thống, ông chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ trên 4.000 m2 ruộng bậc thang. Ngoài ra ông còn nuôi cá để tăng gia. Tuy chưa giàu có, nhưng gia đình ông đã thoát khỏi đói nghèo, không cần đến nguồn hỗ trợ cứu đói của Nhà nước. Đã thoát khỏi danh sách hộ đói nghèo, nhưng theo ông Quàng Văn Song, hiện nay ông cũng như hầu hết bà con trong bản, trong xã vẫn còn khó khăn trong phát triển kinh tế. Thực tế đất sản xuất của bà con dân bản rất có hạn, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư, vì vậy ruộng hai vụ của bà con thường xuyên bị mất mùa, nhất là những năm mùa khô kéo dài, nguồn nước khô kiệt, trong khi kinh tế các hộ gia đình chỉ trông vào ruộng, ao và đánh bắt tự nhiên trên hồ Pá Khoang.

d
Chương trình 135 và các chương trình chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc xã vùng sâu, vùng xa khó khăn, đã mang lại một số đổi thay trên các khu vực này.Tuy nhiên đầu tư, hỗ trợ dàn trải, nguồn kinh phí về địa phương bị chia nhỏ, không đủ để đầu tư cho các hạng mục cần thiết như đường dân sinh, công trình thủy lợi, công trình nước sạch

Ngoài các hộ dân tộc Khơ Mú sống ở dưới chân núi, bản Co Cượm có 12 hộ dân tộc Mông sống ở cụm bản trên cao. Vốn di cư từ địa bàn khó khăn của huyện Mường Ảng về đây, từ những năm 1992 - 1993, các hộ dân này sống chủ yếu dựa vào đốt rừng làm nương. Đời sống của họ vô cùng thiếu thốn. Anh Cứ A Di, một trong số 12 hộ sống ở cụm bản này đưa chúng tôi đi thăm một giếng đất, nơi trước đây cả bản vẫn thường lấy nước uống và nước sinh hoạt.

Anh Cứ A Di – Bản Co Cượm – xã Pá Khoang – huyện Điện Biên cho biết: Sống trên cao, khó khăn nhất là nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Đến nước uống trước đây dân bản còn phải trông cả vào giếng, nước sản xuất vì vậy càng thiếu thốn. Người Mông sống trên núi cao, vì vậy phải phá được nhiều rừng, mở được nhiều nương mới mong no đủ. Tuy nhiên những năm gần đây, được chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành các cấp hỗ trợ, người Mông ở đây không còn phá rừng làm nương như xưa nữa. Mọi người tập trung sản xuất ổn định trên diện tích đất sản xuất đã có, kết hợp với chăn nuôi gia súc để nâng cao thu nhập cho gia đình. Gần đây chương trình 135 có hỗ trợ  một số cây trồng mới để cải thiện kinh tế, tuy nhiên số cây trồng được hỗ trợ không nhiều, lại phân tán cho nhiều hộ gia đình nên người dân chưa thấy được hiệu quả từ mô hình này.

Từ Pá Khoang nhìn rộng ra toàn tỉnh chúng ta có thể thấy, chương trình 135 và các chương trình chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc xã vùng sâu, vùng xa khó khăn, đã mang lại một số đổi thay trên các khu vực này. Đổi thay quan trọng đầu tiên có thể thấy là nhận thức của người dân về xóa đói giảm nghèo, về vận dụng các biện pháp canh tác tiến bộ như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước. Đời sống kinh tế của các hộ dân vì vậy cũng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên đầu tư, hỗ trợ dàn trải, nguồn kinh phí về địa phương bị chia nhỏ, không đủ để đầu tư cho các hạng mục cần thiết như đường dân sinh, công trình thủy lợi, công trình nước sạch và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế quy mô, có khả năng phát triển lâu dài. Ta có thể lấy ví dụ từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo bò giống, lợn giống, hay cây ăn quả ở bản Co Cượm xã Pá Khoang. Đây là những hỗ trợ rất thiết thực. Nhưng để hộ nghèo vươn lên từ một con bò giống, một con lợn giống, hay vài cây ăn quả, không phải chuyện một sớm, một chiều.

Ông Lò Văn Dên – Trưởng bản Co Cượm – xã Pá Khoang – huyện Điện Biên cho hay: Ở bản có 2 dân tộc Mông và Khơ Mú chủ yếu làm nương rẫy, đất sản xuất của bà con dân bản rất có hạn, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư, vì vậy ruộng hai vụ của bà con thường xuyên bị mất mùa cuộc sống của bà con nơi đây rất khó khăn

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Chính phủ trong những năm gần đây được thực hiện ở nhiều vùng trên cả nước, hiệu quả xã hội chúng ta có thể thấy, nhưng hiệu quả kinh tế thì còn hạn chế. Đồng bào dân tộc vẫn còn nghèo, điều kiện sản xuất trên các khu vực này vẫn chưa có nhiều thay đổi. Thực tế này đòi hỏi mỗi địa phương cần đánh giá kỹ hơn hiệu quả của việc thực hiện các chính sách dân tộc. Trong quá trình thực hiện cũng cần tập trung vào từng mục tiêu cụ thể, tránh dàn trải và chạy theo tiến độ, khiến đầu tư, hỗ trợ kém hiệu quả.

Được biết chủ trương của Nhà nước trong năm năm tới đây, sẽ tiếp tục đầu tư khoảng trên 42 nghìn tỷ đồng, cho các dự án: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo ; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững ; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động ; hỗ trợ giảm nghèo về thông tin cơ sở và hỗ trợ truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Đây là cơ hội để các huyện, xã nghèo thực hiện tốt hơn các mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.

 


    Minh Giang – Anh Tuấn      

.