Chính sách hỗ trợ tiền điện

Giúp người nghèo vơi bớt khó khăn

Thứ Tư, 01/07/2015, 18:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Để giúp người nghèo, hộ gia đình chính sách bớt khó khăn, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ tiền điện cho người dân. Mặc dù số tiền chỉ 46 nghìn đồng/tháng nhưng với hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là ở nơi vùng sâu, xa thì đây thực là “món quà” lớn, biết bao ý nghĩa.

“Một nghìn… cũng quý”

Với nhiều người dân ở vùng sâu, xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, 50 hay 100 nghìn đồng dù không phải là quá to nhưng để làm ra được số tiền đó không hề đơn giản, nhất là ở những nơi điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, đất đai khan hiếm. Chính vì vậy, từ năm 2011 chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo được triển khai rộng rãi tại các huyện, thị, thành phố. Đặc biệt, từ năm 2015 chính sách hỗ trợ mở rộng đối tượng thụ hưởng là hộ gia đình chính sách. Tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện chi trả đầy đủ, đúng đối tượng, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, giúp người nghèo, hộ nghèo, gia đình chính sách vơi bớt khó khăn, có niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Tính đến nay, toàn tỉnh có 46.539 hộ nghèo, hộ chính sách được thụ hưởng.

c
 Ông Lò Văn Lói (ngoài cùng bên trái) phấn khởi vì được hỗ trợ tiền điện hàng tháng.

 

Chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Lói, bản Na Su, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông vào một buổi chiều tháng 6, thời tiết oi bức. Đây là một trong những hộ nghèo nhất ở bản Na Su. Tuổi già cộng với bệnh cao huyết áp đã làm cho cuộc sống gia đình ông vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Vì nghèo khó nên gia đình ông luôn ý thức việc dùng điện thật tiết kiệm, dè xẻn, làm sao vừa đủ mức hỗ trợ của Nhà nước. Ông Lói tâm sự: “Mỗi quý gia đình nhận được 138 nghìn đồng tiền điện, nên ưu tiên cho các cháu học bài chứ không đun nấu, không dùng quạt. Với hoàn cảnh như gia đình chúng tôi thì số tiền trên thực sự đỡ một khoản chi phí, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Kể cả hỗ trợ dù chỉ là một nghìn đồng cũng là quý lắm rồi”. Cùng chung niềm vui, anh Tráng A Chỉnh, bản Phìn Hồ A, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, vừa được nhận số tiền điện hỗ trợ phấn khởi: “Đây là lần đầu gia đình tôi được nhận hỗ trợ tiền điện. Số tiền tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những người nghèo chúng tôi, phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt của gia đình”.

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù chính sách hỗ trợ tiền điện cho người nghèo được cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc và người dân đồng thuận hưởng ứng, song thực tế triển khai còn gặp khó khăn, nhất là ở tuyến cơ sở. Theo ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông, huyện Mường Chà: “Theo quy định một quý sẽ cấp tiền điện hỗ trợ cho người nghèo một lần. Đối với những người ở gần trung tâm xã, giao thông thuận tiện việc đi lại dễ dàng nên công tác chi trả tương đối thuận lợi, nhưng với các bản xa trung tâm thì việc đi lại khá vất vả, thậm chí cả ngày mới đến được trung tâm xã để lấy số tiền 46 nghìn đồng/tháng”.

Điển hình bản Thẩm Phẩng, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) là một trong những bản cách xa trung tâm xã và khó khăn nhất. Đường sá đi lại chưa có, người dân muốn ra được trung tâm xã phải ven theo sườn núi, có khi mất cả ngày mới đến nơi. Anh Chá A Dua, Trưởng bản Thẩm Phẩng cho biết, cả bản 64 hộ, 330 nhân khẩu thì có tới 47 hộ nghèo (chiếm 74%). Do vậy số hộ được nhận hỗ trợ tiền điện cũng rất lớn. Chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ tiền điện, giúp người dân bớt nỗi lo về kinh tế. Thế nhưng do đường đi lại quá xa nên khó khăn trong việc nhận tiền. Anh Vàng A Sơ, bản Thẩm Phẩng tâm sự: “Với chúng tôi số tiền 138 nghìn đồng/quý không phải là quá lớn, nhưng rất quan trọng. Song nếu như đi lấy thì về đến nhà cũng hết, thậm chí “âm”. Bởi đơn giản từ nhà ra đến trung tâm xã mất nửa ngày và về mất nửa ngày, song chưa chắc đã đem được 138 nghìn đồng về đến nhà bởi trừ tiền ăn trưa, xăng xe đi lại cũng vừa hết, nên nhiều khi không muốn đi lấy hoặc chỉ khi có việc đi ngang qua xã thì mới ghé vào lấy, bình thường thì không ai đi lấy cả. Thế nhưng không phải lúc nào đi ngang qua cũng gặp được cán bộ phụ trách, nên có khi cả năm mới đến lấy được. Nhờ người lấy hộ thì cán bộ xã không cho bởi phải có giấy ủy quyền và chữ ký rắc rối lắm”.

Ông Phạm Quang Hùng, Phó Trưởng phòng Chính sách thương binh liệt sỹ (Sở Lao động, Thương binh và xã hội) đánh giá: Chính sách hỗ trợ tiền điện cho người nghèo, thuộc diện chính sách không chỉ giúp họ có khoản trang trải trong sinh hoạt hàng ngày mà còn có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn. Đồng thời, để chính sách hỗ trợ tiền điện cho người dân có hiệu quả hơn, số tiền nhanh chóng đến tay người dân thì cần có cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế địa bàn. Ví dụ ở bản Thẩm Phẩng, xã Nặm Lịch, thay bằng việc cả 47 hộ dân đi lấy tiền thì có thể giao cho trưởng bản đến ký, lấy hộ cho cả bản và ngược lại cũng phải có chế độ cho người đi lấy chi trả thay. Như vậy, tính về mặt lợi ích vừa đảm bảo chế độ hỗ trợ, vừa tiết kiệm được thời gian cho người dân./.

 

Văn Tâm
 

.