Ngày mới Nậm Kè

Thứ Bảy, 25/10/2014, 08:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đồng bào dân tộc Cống chuyển đến định cư tại bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Qua thời gian, cuộc sống định cư đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc Cống tỉnh Điện Biên đã mở ra cơ hội giúp đồng bào đẩy nhanh việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé hiện là nơi cư trú của 67 hộ gia đình, trong đó có 53 hộ đồng bào dân tộc Cống. Theo như lời kể mang tính dã sử của những người cao tuổi của bản, khi xưa đồng bào Cống trên bước đường thiên di đã đi thành nhiều nhóm khác nhau, nhóm đi trước dùng bột cá khô nghiền nhỏ để đánh dấu đường cho nhóm đi sau nhưng không may bột cá bị kiến ăn hết nên nhóm đi sau chỉ đến được khu vực gần suối Nậm Kè và dựng lán, làm nhà ở đây. Ông Hù Văn Bua vẫn nhớ như in về những lần chuyển bản và cuộc sống cơ cực khi xưa. Theo ông kể lại thì, cuộc sống khi ấy dựa hoàn toàn vào nương rẫy nên năm này qua năm khác người dân trong bản phải chuyển đến nơi ở mới, đốt những vạt nương mới. Sau cùng, bản chuyển về định cư tại nơi ở hiện nay từ năm 1958. Cuộc sống định cư đã góp phần cải thiện, nâng cao dần cuộc sống của đồng bào Cống so với cuộc sống du cư trước đây.
    
Ban đầu chỉ có 3 hộ gia đình chuyển về định cư, sau đó thấy điều kiện sinh hoạt thuận lợi các hộ khác cũng về theo, số hộ của bản tăng lên 14. Và giờ đây sau hơn 50 năm định cư đã tăng lên 53 hộ với trên 300 nhân khẩu. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cuộc sống của đồng bào miền núi nói chung và cuộc sống của đồng bào Cống tại bản Nậm Kè nói riêng từng bước có những đổi thay. Những chính sách ưu tiên, những chương trình, dự án như: Chương trình 30a, Chương trình 134, 135, 167... không những góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà các mặt về y tế, giáo dục cũng được quan tâm và cải thiện đáng kể. Ông Hù Văn Thơi, một người con của dân tộc Cống bản Nậm Kè hiện đang giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Kè, cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bản đã có cầu qua suối, điểm trường được xây dựng kiên cố, khang trang, 100% các hộ gia đình trong bản có điện thắp sáng, đời sống tinh thần, vật chất của người dân từng bước được nâng lên.

v
Con em bản Nậm Kè nói chung, con em người Cống tại bản nói riêng đã được học hành đầy đủ.


Nói về sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào Cống bản Nậm Kè trước hết phải kể đến việc phát triển lúa ruộng. Theo số liệu thống kê, quỹ đất phát triển sản xuất nông nghiệp của bản khá lớn, với gần 180 ha. Tuy nhiên, do thiếu nước sản xuất nên đến nay dù đã được đầu tư công trình thủy lợi, kênh mương dẫn nước nhưng diện tích khai hoang lúa ruộng của bản mới đạt khoảng 30 ha, trung bình mỗi hộ được 5000 m2; diện tích nương rẫy dao động trong khoảng 15 – 20 ha tùy điều kiện thời tiết mỗi năm. Mặc dù đất sản xuất vẫn còn hạn chế nhưng với sự tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào Cống trong bản Nậm Kè đã dần chuyển từ sản xuất trên nương xuống khai hoang, canh tác ruộng nước. Đồng thời, bà con đã đưa những giống mới năng suất cao cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên năng suất, sản lượng lúa ruộng được nâng lên đáng kể. Năng suất lúa bình quân đã đạt khoảng 40 tạ/ha. Nhờ năng suất ổn định nên từ chỗ có từ 80 – 90% số hộ trong bản bị thiếu đói mùa giáp hạt, đến nay các hộ gia đình trong bản không những đảm bảo được lương thực mà nhiều hộ còn thừa thóc lúa, bán trang trải cho cuộc sống gia đình.

Anh Hù Văn Hà, người dân bản Nậm Kè, chia sẻ: "So với trước đây thì nay việc làm nông nghiệp đã đỡ vất vả hơn rất nhiều, năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao nên dân bản mình đã có của ăn, của để và dư thừa để bán lấy tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành đầy đủ".
    
Ngoài bước tiến mới trong phát triển lúa ruộng phải kể đến quyết tâm thoát nghèo của các hộ gia đình trong bản. Gia đình anh Lò Văn Chung, chị Hù Thị Quyết mới tách hộ năm 2013 và trở thành hộ nghèo mới nhất của bản. Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của hộ gia đình 4 khẩu mới tách. Diện tích đất sản xuất ít nhưng vụ đầu tiên nhờ chăm chỉ cày cấy, gia đình anh chị cũng thu được gần 30 bao thóc. Gia đình anh cũng trồng thêm ngô, sắn để đảm bảo lương thực. Gia đình anh cũng mong muốn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ giống năng suất cao để phát triển sản xuất. Dù còn nhiều khó khăn nhưng anh tin tưởng cuộc sống của gia đình sẽ nhanh chóng được cải thiện và sớm thoát khỏi diện hộ nghèo.

v
Ngày càng có nhiều hơn những ngôi nhà mới của đồng bào người Cống được dựng lên, góp phần làm khang trang bộ mặt một bản đồng bào dân tộc nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

 

Nhờ sự cố gắng nỗ lực vươn lên bằng chính sức lực của mình như gia đình anh Chung, chị Quyết nên số hộ nghèo của bản Nậm Kè nhanh chóng giảm xuống. Bởi thực tế cho thấy, số hộ nghèo trong bản ngoài những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như tàn tật, gia đình neo đơn thì hầu hết các hộ nghèo đều rơi vào các hộ mới tách. Chính vì vậy, sớm ổn định sản xuất cho các hộ này là yếu tố quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trong bản. Nhờ xóa nghèo đúng hướng nên năm 2011 số hộ nghèo của bản lên tới 35 hộ thì, năm 2014 này bản chỉ còn 19 hộ nghèo trong đó có 16 hộ gia đình dân tộc Cống. Cuộc sống ổn định, khấm khá hơn cho phép các hộ gia đình trong bản có điều kiện dựng nhà mới khang trang, to đẹp hơn. Với đồng bào người Cống dựng nhà là một công việc rất hệ trọng. Trước đây, cuộc sống khó khăn nên không phải hộ nào cũng có điều kiện để dựng một căn nhà vững chãi, thường phải mất 4 – 5 năm để chuẩn bị vật liệu dựng nhà. Nay, cuộc sống khấm khá, no đủ hơn nhiều hộ chỉ mất 1 – 2 năm là đủ điều kiện dựng nhà mới. Trong mấy năm qua, năm nào bản Nậm Kè cũng có 5 – 6 căn nhà mới khang trang mọc lên thay thế cho những căn nhà cũ.

Có thể nói, cuộc sống đồng bào Cống bản Nậm Kè đã có nhiều khởi sắc trên mọi mặt. Tuy nhiên, để  tiếp tục xây dựng, phát triển cộng đồng dân tộc Cống hòa nhập với các dân tộc anh em trên địa bàn xã Nậm Kè xây dựng quê hương vững mạnh, giàu đẹp. Ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương thì sự tự lực vươn lên của chính đồng bào giữ vai trò tiên quyết. Để làm được điều đó, song song với công tác tuyên truyền, vận động cần có sự tham gia của đội ngũ đảng viên bằng những việc làm cụ thể. Điều này đã được Đảng bộ xã và chi bộ bản xác định rõ và có kế hoạch hành động cụ thể. Hiện nay, chi bộ bản có 17 đảng viên, trong đó người dân tộc Cống là 13 đảng viên. Ông Hù Văn Thương, Bí thư Chi bộ bản Nậm Kè, cho biết: Chi bộ luôn xác định, đảng viên phải là những người đi đầu, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình văn hóa, vận động con cháu đến trường, đến lớp đầy đủ. Đặc biệt, chi bộ có nhiều thuận lợi khi có các đảng viên là cán bộ xã cùng sinh hoạt, nhờ vậy chất lượng sinh hoạt cũng như chất lượng đảng viên trong chi bộ không ngừng được nâng lên. Các đảng viên luôn thể hiện được vai trò gương mẫu trong mọi mặt đời sống sinh hoạt của bản cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo.
    
Cuộc sống ở Nậm Kè nay đã khác xưa, đời sống của bà con đang đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, cộng đồng dân tộc Cống nơi đây vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là việc xây dựng các công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất lúa ruộng; các vấn đề về nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng chăm sóc y tế, bảo tồn lưu giữ truyền thống văn hóa... Chính vì vậy, trong thời gian tới, đồng bào Cống bản Nậm Kè vẫn cần sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án; đặc biệt là việc các cấp, các ngành quan tâm đẩy nhanh các nội dung hỗ trợ thuộc Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên. Có như vậy, đồng bào Cống nơi đây mới thực sự có điều kiện thuận lợi tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

 

Chu Linh – Ngọc Bích

.