Gian nan Tả Cố Ki

Thứ Tư, 23/07/2014, 09:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nếu như Mường Nhé là huyện xa xôi nhất tỉnh thì Sín Thầu lại là xã xa nhất huyện và bản xa, khó khăn nhất xã Sín Thầu hiện nay là Tả Cố Ki. Có lẽ, ít ai có thể hình dung hết được cuộc sống của bà con ở miền gian khó này ra sao.

cs cs
Hành trình của phóng viên khi đến bản Tả Cố Ki, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé

Sau hành trình gần 1 ngày đường, bản Tả Cố Ki cũng đã hiện ra trước mắt. Những tưởng thấy bản là đến bản. Nhưng thực tế, để chính thức đặt chân tới Tả Cố Ki, còn mất thêm khoảng nửa giờ đi bộ. Có lẽ, việc đi lại là nỗi gian truân nhất trong đời sống của bà con nơi đây. Bởi con đường khoảng 5km nối từ tuyến đường đi lối mở A Pa Chải đến bản hiện chỉ là đường đất, nắng thì bụi, mưa lại lầy lội cộng thêm các con suối chặn ngang đường chưa có cầu bắc qua. Yếu tố này khiến bà con nơi đây cơ bản vẫn sống cuộc sống tự cung, tự cấp.

Bà Lỳ Lỳ De, bản Tả Cố Ki, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé chia sẻ: "Chúng tôi chuyển lên đây ở lâu rồi nhưng vẫn còn khó khăn lắm. Làm gì ra cũng không bán được, vì đường đi khó, không chở các thứ đi bán được, cũng chẳng có ai vào mua. Nước dùng cũng phải tự đi mắc ở rất xa. Chúng tôi cũng chưa biết cách trồng trọt, chăn nuôi kiểu gì cho được nhiều, cho không bị dịch bệnh..."

cs
Tả Cố Ki là bản xa và khó khăn nhất của xã Sín Thầu

Nếu bà con có sản xuất ra được nhiều nông sản thì cũng rất khó tiêu thụ. Do đó, bà con chỉ sản xuất cầm chừng, đủ để duy trì cuộc sống của hơn 20 hộ, gần 100 nhân khẩu nơi đây.

Bản Tả Cố Ki được thành lập trên cơ sở thực hiện di giãn dân theo Chương trình 120 của Chính phủ về: "Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa". Nhưng đã gần chục năm nay, các công trình xây dựng cơ bản như: Điện, đường, lớp học, nước sinh hoạt theo Chương trình 120 vẫn chưa được đầu tư. Điều này có nghĩa, đã gần chục năm mà Dựa án di giãn dân theo Chương trình 120 ở Tả Cố Ki vẫn chưa hoàn thành. Những khó khăn ở Tả Cố Ki  không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế mà đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng không có điều kiện để phát triển, nhất là đối với trẻ em nơi đây, kể cả những cháu từ 3 tuổi cũng phải đi học cách nhà hơn chục cây số. Với Tả Cố Ki, hiện khó khăn đang chồng chất khó khăn.

cs cs
Giao thông đi lại khó khăn nên bà con nơi đây cơ bản vẫn sống cuộc sống tự cung, tự cấp

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Đất đai ở đây tương đối màu mỡ, tuy nhiên do việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như là tư duy trong canh tác vẫn còn hạn chế, nên điều kiện bà con còn nhiều khó khăn. Thêm vào nữa là giao thông đi vào bản Tả Cố Ki rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa... Mong rằng, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bà con nhân dân trong bản được cải thiện đời sống.

Chưa biết đến khi nào, các công trình phúc lợi mới được xây dựng ở Tả Cố Ki? Điều này đồng nghĩa với việc chưa biết bao giờ bà con nơi đây mới bớt gian nan? Chỉ biết rằng, người sinh mà đất không sinh, trong khi đó hiện cả bản chỉ có khoảng 5ha ruộng và hơn 2ha nương. Đất mỗi năm lại thêm bạc màu, dù bà con có giỏi xoay sở đến mấy thì cũng chỉ duy trì được cuộc sống và rất khó có thể phát triển được./.

 

Lê Dung - Chí Công
 

.