Thấp thỏm lo âu vì lở đất

Thứ Hai, 21/04/2014, 16:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dọc bờ suối Huổi Luông, thôn Bản Hột (xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa) cuộc sống dù lam lũ, thiếu thốn, song chưa khi nào người dân nơi đây muốn chuyển đi nơi khác vì “ở đâu âu đấy”, sống mãi thành quen. Tuy nhiên, cuối năm 2013, sau trận mưa lớn kèm lũ quét bất ngờ ào ào qua bản cuốn theo tài sản, hoa màu khiến người dân một phen khiếp sợ. Từ đó, bà con luôn sống trong tâm trạng phấp phỏng lo âu trước nguy cơ sạt lở đất nơi đầu nguồn suối Huổi Luông, nhất là khi mùa mưa đang đến rất gần…

Bàng hoàng lũ dữ

Trong ngôi nhà sàn cũ mèm nằm sát ven suối Huổi Luông, chị Quàng Thị Phên, người dân thôn Bản Hột ánh mắt còn hoảng hốt khi kể cho chúng tôi nghe chuyện trận lũ dữ bất ngờ quét qua bản hơn nửa năm về trước. “Mưa bắt đầu từ chiều 4/9/2013 và càng nặng hạt vào giữa đêm, đến khoảng 2 giờ sáng ngày hôm sau kèm theo mưa lớn, gió rít từng hồi là âm thanh ào ào - nước từ đầu nguồn suối Huổi Luông đổ về. Đang ngủ, chị Phên bừng tỉnh, vùng dậy vội đánh thức chồng và hai con chạy về phía núi cao. Rọi ánh đèn pin xuống gầm sàn thì nước đã mấp mé nền nhà. Anh chị dắt được 2 chiếc xe máy gửi nhờ nhà hàng xóm phía trên, quay về thì nước ngập tới lưng sàn. Lợn, gà, vịt đã bị cuốn trôi. Chị Phên buồn rầu bảo, 3 con lợn nuôi đã gần được ba chục cân mỗi con, hơn 70 con gà, vịt sắp đến ngày bán trong chốc lát đã bị lũ cuốn trôi, thiệt hại gần chục triệu đồng. Sát ngôi nhà chị Phên là gia đình ông Lò Văn Lung cùng chung cảnh ngộ. Ngoài số gia cầm nuôi bị lũ cuốn, gần 20 bao thóc của gia đình ông Lung để dưới gầm sàn bị ngâm trong nước, bụng thì đói, thóc đành để làm thức ăn cho lợn!

v
Một góc khu dân cư ven suối Huổi Luông - vùng nguy cơ cao.



Khu vực đầu nguồn suối Huổi Luông là dãy núi Pom Pu Bay, cách khu dân cư khoảng 500m, với nhiều khối đất lớn chấp chới như muốn sạt xuống bất cứ lúc nào. Ngoài ra còn nhiều vết nứt 30 – 40cm chạy theo sườn núi. Nếu mưa lớn kéo dài 2 - 3 ngày liên tiếp, ai dám bảo đảm cả tảng đất lớn như quả đồi ấy không sạt xuống khu vực dân cư. Với khối lượng đất lớn như vậy khi đã sạt lở, quá nửa số nhà dọc ven suối sẽ bị lấp vùi!

Mong sớm được hỗ trợ để di dời
    
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng thôn Bản Hột, cho biết: Sau khi xảy ra lũ quét thiệt hại tài sản, ao cá, hoa màu của người dân, bà con đã nhiều lần khiến nghị với chính quyền địa phương các cấp sớm hỗ trợ cho bà con di chuyển đến nơi ở mới, phòng tránh rủi ro do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, đến nay bà con vẫn chưa được hỗ trợ để di chuyển. Vấn đề càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi mùa mưa đã tới gần. Trước tình hình đó, gia đình ông Hùng và 5 hộ thuộc khu vực nguy cơ cao đã tự nguyện di chuyển đến nơi ở mới Pu Dao - cách khu vực nguy cơ bị lũ quét sạt lở đất hơn 1 cây số. Ông Hùng bảo, mình là trưởng thôn phải gương mẫu thực hiện trước. Tuy nhiên trong số 54 hộ sinh sống khu vực nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất thì có tới gần một nửa số hộ nghèo. Dù rất muốn di chuyển, nhưng chưa được hỗ trợ thì bà con “lực bất tòng tâm”. Chị Quàng Thị Phên chia sẻ: Biết rằng hiểm họa ngay trước mắt, dù rất muốn chuyển nhưng còn 2 đứa con đang học lớp 11 và lớp 12, bao khoản phải trang trải lo toan. Nhất là lo cho đứa con lớn chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Giờ chỉ biết trông vào Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí thì chúng tôi mới có thể di chuyển đến nơi ở mới. Còn vợ chồng ông Lung ở với mẹ già gần 90 tuổi đau yếu liên miên, các con đã dựng vợ gả chồng nhưng cuộc sống khéo co kéo cũng chỉ đủ ăn, không thiếu đói đã là quá may nên muốn cũng chẳng thể giúp. Dù chẳng thể yên tâm khi hằng ngày nhìn thấy cả tảng đất lớn cứ dần nứt dài nhưng vẫn đành ở và đợi Nhà nước hỗ trợ!

v
Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn kiểm tra hiện trường và thăm hỏi người dân sống ven suối Huổi Luông - khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.


Ông Hùng bảo: Quá lo lắng trước nguy cơ lũ quét, sạt lở đất xảy ra bất cứ lúc nào, những ngày gần đây bà con sống khu vực hai ven suối ngày nào cũng đến hỏi khi nào Nhà nước hỗ trợ để di chuyển nhà. Tôi cũng chỉ biết vận động các hộ nếu có điều kiện thì chuyển trước, sau này tỉnh, Nhà nước sẽ quan tâm có chính sách hỗ trợ sau. Tuyên truyền cho bà con là vậy, nhưng sống với bà con bao năm qua tôi hiểu hơn ai hết, cuộc sống khó khăn, việc kiếm đủ ăn qua ngày đã là khó chứ nói gì đến việc tự di dời nhà đến nơi ở mới. Đầu tháng 4 vừa qua, HĐND huyện tiếp xúc cử tri tại xã Mường Đun, vấn đề bức xúc nhất, nhân dân kiến nghị nhiều nhất với đại biểu hội đồng đó là sớm hỗ trợ kinh phí để bà con di dời khỏi vùng nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất, ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất.
    
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Mùa Ngọc Tú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, cho biết: Ngay sau khi lũ quét xảy ra ở khu vực thôn Bản Hột (xã Mường Đun), đoàn công tác của huyện xuống kiểm tra hiện trường, động viên nhân dân khắc phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Qua rà soát có 54 hộ sống khu vực nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất. Trước thực trạng trên tỉnh đã giao cho huyện lập Đề án di dời 54 hộ trong vùng nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở khu vực thôn Bản Hột. Huyện đã hoàn thành việc lập Đề án chuyển Sở Kế hoạch – Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét. Tuy nhiên, đến thời điểm này do chưa được phê duyệt đề án nêu trên nên huyện cũng chưa có cơ sở, cũng như không có kinh phí để hỗ trợ người dân di chuyển; cải tạo, san ủi mặt bằng nơi ở mới để cho người dân di dời… 54 hộ dân này nếu tự nguyện di dời sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ tiền di chuyển đến nơi ở mới theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên gới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Người dân sẽ được tạm ứng trước 10 triệu đồng/hộ trước khi di chuyển. Sau khi nghiệm thu, di chuyển hết sẽ được hỗ trợ nốt số tiền còn lại. Tuy nhiên, đó chỉ là trên… lý thuyết, còn hiện chưa có văn bản hướng dẫn nên không thể thực hiện dù lãnh đạo huyện cũng rất lo lắng.
   

 

Minh Thùy

.