Mường Phăng hào hùng, khởi sắc đi tới tương lai

Thứ Hai, 21/04/2014, 16:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hạ tuần tháng 4 cuối mùa hoa ban nở, cùng đoàn Cựu chiến binh huyện Ứng Hòa (Hà Nội), chúng tôi lên với Mường Phăng. Từ dốc Nà Nhạn nơi tượng đài Chiến sĩ kéo pháo sừng sững giữa đất trời, vượt cung đường nhựa vài chục km mềm như dải lụa quanh co dưới tán rừng rậm đưa chúng tôi về với Mường Phăng - nơi mà cách đây 60 năm về trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn đặt và xây dựng làm trung tâm căn cứ đầu não của quân đội ta - Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.  

Mường Phăng hào hùng trong lịch sử...
      
Ngồi trên xe sau gần nửa giờ đồng hồ, chúng tôi tiếp tục đi bộ dọc theo con đường nhựa để lên Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai bên đường là những nếp nhà sàn lợp ngói đỏ, lợp tôn xinh sắn của đồng bào dân tộc Thái ở bản Phăng 1, Phăng 2, bản Bánh, Khẩu Cắm, bản Xôm, Đông Mệt, Co Cượm... Xa xa là những cánh đồng lúa xanh tốt đang thì con gái. Ngắm nhìn khung cảnh yên bình thơ mộng hôm nay ở nơi đây, có ai biết xưa kia là vùng đất heo hút, "thâm sơn cùng cốc" chưa đến chục hộ gia đình. Và cũng chính ở nơi đây 60 năm về trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn quân lên đây xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Leo dốc, đi dưới những tán rừng đại ngàn, nữ thuyết minh viên Tổ quản lý bảo vệ khu di tích Mường Phăng - Cà Thị Minh dẫn chúng tôi lên Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Sở chỉ huy là lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa.

b
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Mường Phăng vào năm 2004 (Ảnh: VOV).


Bước vào lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lòng tôi bồi hồi khôn xiết, bởi từ chiếc lán đơn sơ này, Đại tướng, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những phương án tác chiến mang tính lịch sử quyết định cho chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ. Xúc động, nghẹn ngào khi chiếc lán vẫn còn nguyên vẹn mà Đại tướng kính yêu của chúng ta đã "đi xa".

Chị Minh kể lại cho tôi nghe những mẩu chuyện vô cùng xúc động. 10 năm về trước, ngày 17/4/2004, trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng trở về với Mường Phăng, trong buổi gặp gỡ ân tình ấy Đại tướng chậm rãi nói:“Tôi tuổi cao sức yếu rồi nên đây có lẽ là lần cuối cùng thăm Mường Phăng”. Đại tướng nói đến đây thì lòng mọi người se lại và có ai ngờ đó cũng là lần gặp cuối cùng của Đại tướng với đất và người Mường Phăng. Ngày 6/10/2013, khi đặt hoa tưởng niệm tại lán Đại tướng, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên đã nghẹn ngào: "Bác ơi, sang năm kỷ niệm 60 năm chiến thắng chúng cháu mong Bác thăm lại Mường Phăng một lần nữa, nhưng giờ thì không còn cơ hội nữa rồi, chúng cháu không được thấy Bác nữa rồi, chúng cháu đau lòng lắm”.
     
Tại Sở chỉ huy chúng tôi chứng kiến đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Hầm của Ban cố vấn Trung Quốc, Nhà hội trường... Phải nói rằng đây là khu rừng cổ thụ đẹp nhất, bà con Mường Phăng thường gọi là “Rừng Đại tướng”. Tên gọi thân thương ấy đã đi vào lịch sử dân tộc cùng với những chiến công lừng lẫy đã trở thành huyền thoại. Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh núi Pú Huốt (núi Sừng Trời). Pú Huốt nhìn từ xa giống như chiếc sừng trâu cong, nhọn cắm lên trời, đây là đỉnh cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng. Đỉnh Pú Huốt được Đại tướng chọn đặt đài quan sát. Từ đài quan sát ta nhìn thấy toàn bộ thung  lũng Mường Thanh với các cứ điểm đồi Him Lam, đồi Độc Lập, D1, C1, A1, cầu Mường Thanh và hầm Đờ - Cát.

 ... vững vàng, khởi sắc đi tới tương lai
       
Tham quan xong di tích, chúng tôi trở lại trung tâm xã. Thị tứ Mường Phăng bình yên giữa lưng chừng núi. Cạnh tháp truyền hình cao vút là dãy nhà hai tầng khang trang bề thế, đó là Trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã. Liền kề với đó là dãy nhà Trạm y t;, 3 ngôi trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu. Hai bên đường vào chợ trung tâm cùng với những nếp nhà sàn xinh sắn của đồng bào dân tộc Thái là đủ các mặt hàng, từ cao cấp như đồ điện tử, hàng dân dụng, nhà hàng ăn uống, giải khát, hàng chục quầy bán hàng lưu niệm, thảo dược được hái từ trên rừng: mật ong, nấm hương, hạt dẻ, rượu sâu chít, rượu ngâm táo Mèo, khăn Piêu, vòng bạc, áo quần thổ cẩm.... nghĩa là đủ phục vụ nhu cầu du khách tham quan.

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Lò Văn Thanh, anh cho biết: Tháng 7/2013, sau khi được chia tách thành hai đơn vị hành chính là xã Mường Phăng và xã Pa Khoang, thì Mường Phăng hiện nay với diện tích hơn 3.400 ha, dân số hơn một ngàn hộ gần 5.000 khẩu, gồm ba dân tộc Kinh, Thái và Mông. Để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, kiên trì, bền bỉ nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nơi đây đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chuyển từ nhận thức thành hành động cụ thể trong xóa đói giảm nghèo, trước hết chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 200 đảng viên ở 26 thôn bản đi đầu tuyên truyền vận động và gương mẫu thực hiện mở hướng thoát nghèo, vươn lên no ấm giàu có, họ là tấm gương cụ thể, thiết thực để dân bản làm theo. Hiện toàn xã đã sử dụng 100% giống mới trong sản xuất nông nghiệp: IR64, tẻ thơm, khang dân, nghi hương; trồng tre bát độ, bưởi Diễn, đào Pháp, hồng không hạt.. Tận dụng các bãi chăn thả và diện tích ao ruộng để chăn nuôi trâu bò, dê, ngan Pháp; đào ao nuôi cá... những sản vật này đã trở thành hàng hoá tăng thu nhập cho người dân.

v
Giờ học ngoại khóa của cô và trò Trường Tiểu học Mường Phăng.


Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã sử dụng có hiệu quả đồng vốn vay từ chương trình 120, 134, 186, 135 và các chương trình dự án phối hợp khác để mở lối thoát nghèo, xây dựng cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm, tấm lợp. Toàn xã đã có 50 trang trại vừa và nhỏ thu nhập từ 50 - 200 triệu đông/năm. Mường Phăng được tỉnh được chọn là một trong những xã dự án quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020. Với diện tích gần 200 ha đất nương, gần 600 ha lúa hai vụ, lương thực bình quân đạt gần 380 kg/người/năm. Đại đa số người dân đã đủ ăn, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm đáng kể. Xã tiếp tục sản xuất giống lúa cho gạo ngon, giống ngô đảm bảo cho các huyện trong tỉnh, trồng hoa ly, hoa hồng, hoa anh đào của Nhật Bản ... Ðây là những tín hiệu vui trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế ở Mường Phăng.

Cùng với bước chuyển mình về đời sống kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, điều làm chúng tôi tâm đắc nhất là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được cấp ủy, chính quyền xã Mường Phăng triển khai đồng bộ, nhân dân đồng tình hưởng ứng, thật sự đem lại hiệu quả. Hiện xã đã có 9 thôn, bản và hơn 900 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Điểm nổi bật cùng với việc phát huy tiềm năng du lịch lịch sử, Mường Phăng đã khôi phục các lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đó là: Hạn khuống, xên bản, xên mường, cầu mưa, gầu tào cùng các điệu múa nón, múa sạp và các trò chơi dân gian tó má lẹ, tung còn, kéo co, đẩy gậy... Hết thảy các thôn bản đều có các đội văn nghệ, biểu diễn phục vụ cho nhân dân tại cơ sở.
 
Chặng đường phía trước chưa phải đã hết khó khăn thách thức nhưng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Mường Phăng sẽ mãi mãi đi suốt cùng chiều dài lịch sử của dân tộc, bởi Mường Phăng giàu văn hóa, nồng ấm tình người, vững vàng và ngày càng khởi sắc đi tới tương lai.
                                   
 

Đỗ Quang Khải

.