"Cây đinh" nơi biên giới

Thứ Hai, 30/12/2013, 14:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Về Sín Thầu (Mường Nhé), hỏi Pờ Á Sinh ai cũng biết, bởi ông là một già bản uy tín mẫu mực. Nước da bánh mật, thân hình chắc đậm, 65 tuổi vẫn xốc vác trong công việc, đến với đồng bào trong xã để tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào Hà Nhì.

"Điểm tựa" an ninh nơi biên cương Tổ quốc.

b
Già bản Pờ Á Sinh.

Sinh ra và lớn lên ở bản Tả Ko Khừ, ông thân thuộc từng con suối và cánh rừng nguyên sinh. Nắm chắc lịch sử đường biên, vị trí, dấu hiệu và cách xác định đường biên cột mốc, từ đó ông vận động đồng bào nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát hiện kịp thời những thay đổi của đường biên, mốc giới để báo cáo với Đồn Biên phòng và chính quyền xã có biện pháp kịp thời xử lý.

Ông cùng cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể xã Sín Thầu đến thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải, cùng leo lên cột mốc số 0 trên đỉnh núi Khoan La San cao 1.862m - điểm cực Tây của Tổ quốc. Pờ Á Sinh gương mẫu cùng già bản, người có uy tín tuyên truyền đồng bào trong xã đoàn kết quân dân, cung cấp thông tin và sát cánh cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên, mốc giới, phòng chống tội phạm ma tuý. Với uy tín của mình ông thuyết phục giáo dục, vận động các dòng họ trong dân tộc Hà Nhì nêu cao cảnh giác chống lại âm mưu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây mất đoàn kết, chia rẽ dân tộc.  Bằng hành động cụ thể, ông nói cho dân nghe, làm cho dân tin.

Khẳng định vai trò, uy tín của ông, Thượng tá Lê Văn Thinh - Chính trị viên Đồn A Pa Chải cho biết: Ông Sinh luôn luôn gương mẫu đi đầu vận động nhân dân thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn bản ở khu vực biên giới. Đồn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ 15 cột mốc, 36 km đường biên trên 2 tuyến Việt -Trung, Việt - Lào có sự đóng góp quan trọng của già bản Pờ Á Sinh, bởi ông là điểm tựa vững vàng an ninh nơi biên giới.  

Trao, truyền văn hoá cho thế hệ trẻ.

Chẳng những gương mẫu đi đầu trong phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự thôn bản. Ông Sinh tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ, tu sửa trường lớp và cho con cháu đến tuổi đi học. Ông cho biết, dòng họ Pờ đã có trên 10 người có trình độ đại học hiện tham gia công tác từ xã đến tỉnh. Để xây dựng thôn bản văn hoá, ông đến từng nhà, kiên trì vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Để bảo tồn phong tục tập quán, đời sống văn hóa của dân tộc Hà Nhì, ông bền bỉ trao, truyền cho thế hệ trẻ: Trường ca Đất Hà Nhì (Hà Nhì mí chạ); hướng dẫn nhạc cụ Kèn lá (Á Pạ pô), Đàn môi (Lạ tỳ), Đàn tính, Trống (Hừ từ tỳ), Chiêng (Pi luy), Sáo chít (Mó đu), Sáo sậy (Mé đu), Kèn rơm (Am ma); dạy các điệu múa: Lên nương, dệt vải, đợi mưa, vào mùa, trông trăng, giã bạn...
 
Làm theo lời Bác Hồ dạy, Pờ Á Sinh gương mẫu đi đầu vận động nhân dân giữ vững bình yên biên cương , xây dựng khối đoàn kết dân tộc, giữ dìn phát huy văn hoá của dân tộc. Sự đổi thay ở Sín Thầu hôm nay có một phần chung tay góp sức của Pờ Á Sinh. Đồng bào Hà nhì nơi đây tặng ông cái tên thân thương trìu mến: Pờ Á Sinh - "cây đinh" nơi biên giới.

                                 

Đỗ Quang Khải

.