Tỏa sáng tấm gương "Bộ đội Cụ Hồ"

Thứ Sáu, 01/11/2013, 14:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hội Cựu chiến binh huyện Mường Chà luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội là không ngừng đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thiết thực, động viên cựu chiến binh nêu cao ý chí, tự lực tự cường, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Đây là nguồn động lực có tính chất quyết định cho hoạt động của hội nhằm thu hút hội viên gắn bó với hội. Từ phong trào này mà cuộc sống của hội viên cựu chiến binh ngày càng ổn định và không ngừng được nâng lên.

ds
Ao cá của gia đình cựu chiến binh Lý A Pháng, xã Sa Lông, huyện Mường Chà

Theo sự hướng dẫn của cán bộ Hội CCB huyện, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế trang trại của cựu chiến binh Lý A Pháng ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà đúng vào lúc ông vừa mới đi kiểm tra đàn trâu, bò ở trên nương về. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nương của trang trại, cựu chiến binh Lý A Pháng cho biết: "Ông tham gia quân ngũ từ năm 1967 đến năm 1970 bị thương và được chuyển ngành về công tác tại Huyện đoàn Mường Chà. Sau khi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác, đến năm 2010 ông được nghỉ hưu và bắt đầu làm trang trại theo mô hình: Vườn, ao, chuồng và chăn nuôi gia súc. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, ông đào 2 ao cá có diện tích trên 1.000m2, mua 6 con trâu và bò để sinh sản, đồng thời khai hoang được 1 ha ruộng nước."  Qua thực tiễn lao động sản xuất và cung cách tính toán làm ăn của gia đình đã đem lại hiệu quả thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Từ thành công của mô hình kinh tế gia đình mình, ông Lý A Pháng càng có thêm điều kiện để chia sẻ, giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh trong chi hội học tập và làm theo.

Ở địa bàn xã Sa Lông, ngoài ông Lý A Pháng còn nhiều tấm gương cựu chiến binh điển hình, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại như mô hình kinh tế của ông Chớ Chờ Hồ, bản Sa Lông 2, mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng từ chăn nuôi 25 con bò, 40 con dê, 2 ao cá rộng trên 500m2 và gieo cấy trên 5.000m2 ruộng nước. Ông Chớ Chờ Hồ cho biết: "Thời gian mới bắt tay vào chăn nuôi do kinh nghiệm còn hạn chế và thông tin về thị trường chưa nắm vững nên chăn nuôi chưa mang lại hiệu quả, thậm chí còn bị thua lỗ. Đang trong lúc nản chí thì ông được Hội CCB xã kết hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, tín chấp cho hội viên vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất."  Với những kiến thức được tham gia từ các lớp tập huấn và nguồn vốn vay ưu đãi, ông Chớ Chờ Hồ đã mạnh dạn mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, từ đó đã từng bước mang lại thành công. 

Từ phong trào hội viên cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, trên địa bàn xã Sa Lông đã xuất hiện nhiều mô hình hình làm kinh tế giỏi, điển hình như: Hộ gia đình CCB Lý A Pháng, Chớ Chờ Hồ, Vàng Chồng Chè, Hồ Chờ Tú và còn nhiều mô hình kinh tế của CCB khác có thu nhập bình quân từ 50-100 triệu đồng mỗi năm. Đây là những hội viên cựu chiến binh điển hình trong phát huy truyền thống bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ, vươn lên phát triển kinh tế trên vùng đất quê hương mình.

vgfdg vgfdg
Từ chăn nuôi và trồng trọt mà mỗi năm gia đình cựu chiến binh Chớ Chờ Hồ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo bền vững, các cấp hội CCB huyện Mường Chà đã tập trung đẩy mạnh nhiều nội dung hoạt động, tuyên truyền hội viên thay đổi cách nghĩ cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất đai, thực hiện các mô hình kinh tế điểm, hướng nhận thức của hội viên từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Cấp hội cơ sở dựa trên tiềm năng lợi thế của địa phương khuyến khích các gia đình hội viên phát huy thế mạnh của đồi rừng để trồng cây lương thực, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, cải tạo đất trống đồi trọc, chọn cây trồng giá trị kinh tế cao thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng. Hội đã khai thác các nguồn vốn giải ngân cho 12 tổ vay vốn với trên 1.000 lượt hội viên CCB có nhu cầu sử dụng vốn. Nhờ đó, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại VAC, làm ruộng nước, chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, góp phần tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu. Ông Đoàn Ngọc Tòng - Chủ tịch Hội CCB huyện Mường Chà cho biết: "Hội CCB huyện đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên được vay vốn với trên 22 tỷ đồng cho 1.126 lượt hội viên vay. Đến nay, toàn huyện đã có 52 mô hình trang trại vừa và nhỏ cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/năm. Hội cũng đứng đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện. Toàn huyện hiện có 45% hội viên cựu chiến binh có kinh tế khá giả."

Trong nhiệm kỳ 2012-2017, Hội CCB huyện Mường Chà luôn coi trọng thực hiện nhiệm vụ chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho cán bộ, hội viên. Hoạt động của hội đã không ngừng đổi mới, sáng tạo từ cách nghĩ đến cách làm, từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp hội viên CCB xóa đói giảm nghèo hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.    

Bằng nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả, Hội CCB huyện Mường Chà không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, các cấp hội còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau bằng việc xây dựng phát triển quỹ hội, giải quyết cho hội viên vay vốn sản xuất, hỗ trợ cây con giống, xóa nhà tạm, giúp hội viên chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trong hộ gia đình hội viên. Thông qua các phong trào hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp lực lượng CCB huyện gắn bó với hội và tích cực tham gia các phong trào khác ở địa phương, luôn đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “ Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ”, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, tham gia hòa giải, quản lý giáo dục thanh thiếu niên hư tại địa phương và xây dựng nông thôn mới./.

 

Quang Phong – Ngọc Bích

.