Báo động ô nhiễm môi trường nông thôn

Thứ Tư, 23/10/2013, 16:19 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, ở hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Tuần Giáo, rác thải sinh hoạt không được thu gom; rác thải chăn nuôi từ gia súc, gia cầm không được xử lý cộng với việc người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật… đang là những thực trạng đáng báo động về môi trường nông thôn hiện nay trên địa bàn huyện.

c
Chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường

Là huyện cửa ngõ, giao thông đi lại khá thuận tiện nên huyện Tuần Giáo là nơi tập trung đông dân cư. Cũng chính vì vậy, lượng rác sinh hoạt hàng ngày mà người dân thải ra môi trường là rất lớn. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, việc vứt rác bừa bãi ở bất cứ chỗ nào họ cảm thấy tiện là khá phổ biến. Đa phần người dân không phân loại rác thải tại nguồn nên việc thu gom, chôn lấp và xử lý gặp nhiều khó khăn. Rác thải chủ yếu được quét dọn lại một chỗ rồi để khô đốt hoặc cho phân huỷ tự nhiên, làm ảnh hưởng không nhỏ cho công tác bảo vệ môi trường chung của địa phương và môi trường xung quanh. Do vậy, cần xác định tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường nói chung và vệ sinh môi trường nông thôn nói riêng, tăng cường tuyên truyền giáo dục bằng nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người dân trong cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Chị Nguyễn Thị Uyên - bản Cói, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo cho biết: "Bản tôi không có người đi thu gom rác cũng không có hố rác. Loại rác phân hủy được tôi thường đem đổ ra vườn, còn những túi ni lông, bao bì bánh kẹo và dầu gội đầu không phân hủy được tôi thường gom ra một cái bao xong thì trời nắng đem đi đốt. Ở đây, nhiều nhà vẫn chưa có ý thức để gom rác nên mỗi khi có gió thì rác bị cuốn bay đi khắp nơi, gây mất vệ sinh môi trường."

Quài Tở là một trong các xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo có nghề chăn nuôi phát triển khá mạnh, hầu hết các hộ dân nông thôn đều chọn nuôi gia súc, gia cầm là kinh tế chính của gia đình. Tính đến nay, tổng đàn gia súc của xã là hơn 12.200 con, gia cầm khoảng 18.500 con. Trong đó, đàn trâu 1.400 con, đàn bò trên 600 con, đàn lợn 10.000 con, đàn dê gần 200 con. Nhờ quan tâm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên trong thời gian qua, Quài Tở không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm đã giúp người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi. Tuy nhiên, sự phát triển của nghề chăn nuôi đã kéo theo hệ lụy đáng lo ngại là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Do nhu cầu phát triển kinh tế của người dân đang mở rộng quy mô chuồng trại nhưng lại không thay đổi phương thức chăn nuôi, đa phần vẫn làm theo kiểu cũ, phân và nước cùng thức ăn dư thừa của gia súc, gia cầm thải ra không qua xử lý, vô tư thải ra rãnh nước trong thôn bản, mương máng, ao hồ, sông suối, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi, con người và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Chăn nuôi càng phát triển thì việc phòng chống ô nhiễm môi trường càng trở nên cần thiết và cấp bách. Chất thải từ chăn nuôi có 3 loại: Chất thải rắn (phân, thức ăn, xác gia súc, gia cầm chết); chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, nước dùng để tắm gia súc) và chất thải khí (CO2, NH3...) đều là những loại khí chính gây ra ô nhiễm môi trường. Các hợp chất này sẽ bốc mùi, phát tán vào môi trường, phần còn lại thì gây ô nhiễm nguồn nước, đất… Không những thế, những chất thải này còn chứa những mầm bệnh lây sang người và gia súc, nếu không xử lý kịp thời sẽ là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất. Trong thực tế, chăn nuôi nông thôn chỉ với số lượng mỗi nhà chỉ bầy gia cầm, vài ba con gia súc nhưng nếu không có biện pháp triệt để xử lý môi trường thì chỉ vài năm sau đã bộc lộ nhiều bất ổn, bởi khối lượng phân thải mỗi ngày là rất lớn. Để giảm mùi hôi thối, một số hộ chăn nuôi làm những đường dẫn tạm thời ra vườn, bãi ngô, đào mương, thậm chí là đào ao thoát thải... tuy nhiên tất cả chỉ mang tính tạm thời. Do chuồng trại thiếu quy hoạch, các biện pháp xử lý phân thải gần như không có, môi trường nông thôn đang tiềm ẩn nhiều bệnh tật, nguy cơ dịch bệnh hơn bao giờ hết... Tình trạng dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng ở gia súc diễn ra dai dẳng nhiều năm qua, có nguyên nhân không nhỏ từ môi trường. Thực trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm xã Quài Tở cũng là bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở các vùng nông thôn của huyện Tuần Giáo hiện nay. Trong khi người dân nông thôn đã hình thành tập quán chăn nuôi, muốn họ thay đổi để tìm đến các biện pháp xử lý môi trường thì phải để họ thấy được, hiểu được họ mới thực hiện. Có như vậy, môi trường nông thôn mới mang tính bền vững. Thời gian qua, lãnh đạo địa phương cũng thường xuyên tổ chức, tuyên truyền và vận động người dân cần nâng cao ý thức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, xây dựng đời sống văn hóa.

vcb vcb
Chất thải từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là vấn đề đáng lo ngại cho môi trường

Tuy nhiên, việc chấp hành và triển khai thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn vì ý thức bà con vẫn còn chưa cao. Rác thải sinh hoạt vẫn được vứt bừa bãi. Do tập quán ở nhà sàn của đồng bào Thái nên rất nhiều hộ chăn nuôi còn tận dụng gầm sàn để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nguyên nhân là do các hộ này đa số có thu nhập thấp, chăn nuôi để tích lũy vốn, chăn nuôi theo giá thị trường nên không ổn định, không có khả năng đầu tư xử lý chất thải. Tuần Giáo với đặc điểm có địa hình phức tạp, dân cư đông và sinh sống phân tán, chuồng trại chăn nuôi ở ngay dưới gầm sàn hay xen kẽ với nhà ở, cạnh nguồn nước nên việc kiểm soát dịch bệnh, khống chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn là rất khó.
Môi trường nông nghiệp, nông thôn đang tồn tại  nhiều vấn đề nan giải, trong khi đó những việc đã làm được của ngành nông nghiệp mới dừng lại ở những chương trình, dự án quốc gia để phục hồi hệ sinh thái, môi trường nông nghiệp, triển khai các mô hình xử lý chất thải nhỏ lẻ. Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh và giải quyết một phần cho các vấn đề môi trường nông thôn như thu gom rác thải ở khu vực thị trấn Tuần Giáo, còn tất cả các xã thì rác thải sinh hoạt đều do người dân tự xử lý. Rác thải sinh hoạt dù được thu gom và vận chuyển ra khu vực xa dân cư nhưng chỉ được xử lý bằng hình thức đơn giản là đốt hoặc lấp đất, rắc vôi bột và phun chế phẩm sinh học nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường. Thêm vào đó, việc xây dựng các hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi hầu hết là chưa được áp dụng nên môi trường ngày càng ô nhiễm hơn. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn cũng còn không ít khó khăn cần sớm khắc phục. Một số chỉ tiêu và nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã đề ra nhưng thực hiện chưa đạt yêu cầu. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của một số đơn vị sản xuất kinh doanh còn chưa cao. Sự phối hợp hành động bảo vệ môi trường giữa các cấp, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa thực sự cao. Kinh phí đầu tư cho sự nghiệp môi trường đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ông Lò Văn Lả - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuần Giáo cho biết: "Ở huyện Tuần Giáo, trong những năm qua, việc thu gom rác mới thực hiện được ở địa bàn thị trấn Tuần Giáo. Riêng năm 2013 mới mở rộng diện tích thu gom đến UBND xã Quài Cang. Kinh phí thực hiện công tác này gặp rất nhiều khó khăn như: Kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường hàng năm được tỉnh bố trí tối đa 1 năm là 500 triệu đồng. Để làm công tác thu gom và vận chuyển đi đổ tại bãi, hàng năm chúng tôi phải hợp đồng khoảng 1,3 tỷ đồng. Riêng năm 2013, so dự toán là phải 1,5 tỷ đồng nhưng chúng tôi đã thỏa thuận thống nhất với Công ty Vệ sinh môi trường Điện Biên là 1,3 tỷ/ 1 năm, cả thu gom và vận chuyển rác đi đổ."

Người dân nông thôn ngoài việc đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, rác thải sinh hoạt thì chất thải từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là vấn đề đáng lo ngại. Do thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng, tình trạng sâu bệnh gia tăng đi kèm với sự suy giảm độ màu của đất, khiến nông dân gia tăng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  và phân bón vượt mức cho phép nhiều lần. Việc mở rộng các vùng cây công nghiệp giá trị cao cũng làm cạn kiệt các nguồn nước, thải ra môi trường nhiều loại phân bón, thuốc  bảo vệ thực vật nồng độ cao. Công tác phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn cần được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật... Mỗi gia đình nên có thùng chứa rác và tự phân loại rác, chôn lấp hoặc bỏ đúng nơi quy định, có thể tái chế rác hữu cơ làm phân bón cho cây hoặc đồng ruộng.

Huyện Tuần Giáo cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ trồng trọt thực hiện đúng các quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giúp cho nông dân sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng một cách đúng đắn, phù hợp, đảm bảo môi trường sinh thái và sức khỏe người sử dụng. Nâng cao mục tiêu đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững gắn kết với việc đảm bảo an toàn sinh học, giảm thiểu việc xả chất chưa qua xử lý ra môi trường. Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi hiện đang là 1 biện pháp mang lại tác dụng rất lớn, do nguồn phân hữu cơ sau khi đưa vào bể chứa được phân hủy hết làm giảm thiểu mùi hôi, ruồi muỗi và ký sinh trùng hầu như bị tiêu diệt hết trong bể chứa này. Bên cạnh đó, sử dụng hầm biogas con có thể tái tạo được nguồn năng lượng sạch từ phế thải chăn nuôi tạo ra khí CH4 phục vụ việc đun nấu, thắp sáng. Các hoạt động trên sớm được triển khai thực hiện thì công tác giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp nông thôn sẽ được cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường của người dân nông thôn cũng được tăng lên đáng kể. Điều quan trọng là phải xác định công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn là một công việc lâu dài, cần được thực hiện một cách đồng bộ giữa các cấp, các ngành, phối hợp chặt chẽ với người dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, từ đó góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp./.

 

Lường Hương – Ngọc Bích

.