Nông dân bỏ ruộng: Nỗi buồn từ những miền quê
Nhiều nhà khoa học cảnh báo, hiện tượng nông dân bỏ ruộng sẽ khiến Việt Nam mất an ninh lương thực trong tương lai gần.
Hiện nay, một số miền quê Việt Nam đang đối diện với tình trạng người nông dân không còn thiết tha với việc trồng lúa. Nhiều người bỏ đồng ruộng lên thành phố bất chấp công việc nơi đây cũng đầy bất ổn, lương thấp và cạnh tranh cao.
Vì đâu mà nông dân bỏ ruộng, trả lại ruộng đang trở thành xu hướng lan rộng? Nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã về một miền quê đồng bằng sông Hồng để tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này.
Xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, Hưng Yên chuẩn bị bước vào vụ đông. Khác với hình dung của chúng tôi về không khí của một làng quê vào vụ lúa mới, trên suốt con đường vào UBND xã vắng tanh không một bóng người. Đến mức tìm một anh thanh niên chạy xe ôm từ điểm xe khách, chúng tôi cũng phải chờ suốt 2 tiếng đồng hồ.
Nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều là vì thu nhập từ trồng lúa còn quá thấp (Ảnh minh họa) |
Thu nhập quá ít, người nông dân không mặn mà với cây lúa
Đem chuyện này trao đổi với lãnh đạo Ủy ban xã, được biết, vào lúc cao điểm thu hoạch lúa hè thu, hầu như nhà nào cũng gặp khó khăn trong thuê mướn nhân công. Không có người từ nơi khác đến làm thuê, thậm chí ngay cả lao động tại chỗ, lao động trong từng gia đình cũng trở nên khan hiếm. Trên các cánh đồng, hầu như chỉ thấy người già và trẻ con. Chuyện này đã xảy ra trong nhiều năm.
Ông Nguyễn Văn Hòe, Phó Chủ tịch UBND xã Tống Phan cho rằng, sản xuất nông nghiệp bây giờ chỉ dành cho những người không có cơ hội thoát ly.
Ông Nguyễn Văn Hòe tâm sự: “Chi phí cho SX nông nghiệp, máy lồng, xăng dầu lên cao. Một sào ruộng phải gánh tất, năng suất của lúa bình quân vào khoảng 65-120 tạ/ha, nhân ra tiền trên 10 kg là người nông dân lỗ, không có hiệu quả. Nếu sản xuất nông nghiệp so sánh với những người đi lao động ngoài, đi bán hoa quả, nấu cháo, thợ xây, may mặc, mức lương của công nhân bình thường từ 3-5 triệu. Nếu tính giá thóc 1 tháng lương của người ta đạt tới 5 tạ thóc, 1 khẩu có 2 sào 720m2 nhân với giá thóc bình quân 250 thì tổng thu nhập của khẩu đó 1 năm mới được 5 tạ, trừ chi phí đi rồi thì bình quân thấp. Đối với các hộ nông dân tuổi đã cao, sức khỏe không có, các doanh nghiệp người ta không chọn, ko có sức khỏe đi làm ăn xa, phải ở nhà sản xuất nông nghiệp.
Nhà bà Nguyễn Thị Nhuần, thôn Phan Xá sau khi vào TP HCM làm ăn không được, trở về quê vay chịu cô em gái 3 con lợn giống, dần phát triển lên đàn lợn nuôi 12 con, có năm thu nhập cũng đến hơn 120 triệu. Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, chăn nuôi cũng như trồng lúa đều khó khăn, may ra hòa vốn, bà Nhuần bảo nếu không có kinh nghiệm nuôi, chuồng trại không đầu tư thì còn âm cả vào tiền gốc. Các hộ gia đình xung quanh nhà bà Nhuần cũng chịu cảnh tương tự.
Bà Nguyễn Thị Nhuần cho biết: “Năm nay, chăn nuôi con gì cũng xuống giá. Nếu giữ tốt được đầu con chuồng trại sạch thì được 2 triệu/ổ, còn không chỉ được 1 triệu/ổ. Cày cấy không ăn thua, người ta chán người ta không cấy mà chỉ thuê cấy, thuê gặt. Ba năm nay, nhà tôi không cày cấy được toàn phải đi thuê, không có lời, cho em gái để nó cấy không, để đỡ phí chứ đi thuê công cấy, công gặt là 200.000/sào ruộng, thu chỉ được hơn tạ thóc 1 sào ruộng, bán 56.000/thùng thóc, làm sao bù lại được. Đi làm nước ngoài toàn bị lừa, có nhà bị lừa 500 triệu, nhiều người khổ lắm, nợ chồng nợ chất”.
Theo tính toán của nhiều hộ dân nơi đây, rõ ràng người nông dân đang "thu không đủ chi". Thực tế sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố và rủi ro như thời tiết, sâu bệnh, chuột bọ và các chi phí đầu vào khác. Giá cả phân bón, vật tư tăng cao, lãi suất tín dụng và đầu tư Nhà nước vào nông nghiệp còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nông sản không tiêu thụ được hoặc giá bán thấp, nông dân không có thu nhập, thậm chí chịu lỗ, chưa kể các khoản đóng góp phát sinh nơi làng quê.
Ruộng thừa nhưng người dân vẫn bỏ đó
Dù Nhà nước đã miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, thủy lợi phí, nhưng nhiều địa phương lại đặt ra từ 15 đến 40 khoản thu các loại gắn với ruộng, đất trong sổ bộ. Trong đó, nhiều nhất là phí dịch vụ của hợp tác xã và các khoản thu của thôn, đội. Phần lớn các khoản đóng góp được tính dựa trên diện tích đất ruộng của từng gia đình.
Ở Tống Phan không thiếu nghề truyền thống. Gần 200 lao động đang làm trong 17 xưởng mộc, mỗi người thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Kế hoạch của xã phấn đấu bình quân thu nhập 25 triệu đồng/người/tháng. Xã đã mở 2 lớp hàn và điện dân dụng ở tại địa phương, nhưng ông Phó chủ tịch xã Nguyễn Văn Hoè thừa nhận: không thể đảm bảo hết số học viên đó làm nghề tại xã nhà, mà vẫn phải tỏa ra các tỉnh lân cận: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… Đây cũng là lý do khiến khá đông thanh niên ở xã buộc ở lại thành phố mưu sinh để áp dụng nghề đã học, dù đối tượng di cư từ nông thôn lên thành phố thường có mức thu nhập không ổn định, ít cơ hội kiếm việc làm, chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng suy thoái kinh tế như bão giá, thất nghiệp…
Theo ông Kiều Công Hùng, người dân thôn Hạ Cát “giàu nhà quê vẫn không bằng ngồi lê thành phố”.
“Con em địa phương không thể phấn đấu xây nhà hay nuôi con học hành được, mà chỉ đủ ăn. Nhà bác anh tôi cũng đi bươn chải, làm ăn về thua lỗ, về nhà cũng lại phải đi, bây giờ ở Quảng Ninh, kinh tế chưa ổn định, giờ chủ yếu làm để trang trải công nợ, nuôi con học hành. Trước có 2 sào ruộng, giờ gia đình hãy còn nợ. Ở nhà làm nông nghiệp không được vì từ trước tới nay đi nước ngoài sau về làm thợ xây, buôn bán ở miền Nam không được. Đến khi trở về, các bác bảo ở nhà sản xuất chăn nuôi, nhưng không nghe, lại đi. Độc cái xóm này cũng phải 15% đi ra ngoài làm ăn. Bác còn tổng cộng 6 sào ruộng, chỉ làm mà không lãi. Bác cấy bác thuê mỗi vụ hết 1 triệu, so thuê với mình cấy 6 sào thì vẫn có lãi, nhưng so với mình làm, chứ bỏ ra hết thì không lãi. Bây giờ 8 sào được hơn 1 kg thóc. Bán giá thóc 70 thôi, bác tính thế này, phân đạm mất 1.300.000, máy cày hết 500, thuốc sâu 300, máy tuốt 400, thuê cấy hết 1 triệu. Nói chung đảm bảo được 1/3. Họ không có cách thì mới không đi, còn có cách thì họ sẽ ra ngoài làm ăn”- ông Kiều Công Hùng nói.
Hộ bà Lê Thị Quỳnh ở thôn Tống Xá có 2 người con trai. Người con gái lấy chồng ngay xã bên nhưng chẳng ai muốn nhận thêm ruộng từ bố mẹ đẻ vì lo riêng ruộng nhà chúng đã đủ mệt rồi. Đến ngay sát cổng nhà ông bà có sào ruộng mà nằm đó mãi. Người ta nhờ cấy hộ để giữ lại một chút đất dưỡng già. Bà Quỳnh nuôi thêm 70 con ngan, ít gà, vịt, lợn… Tằn tiện cũng chỉ đủ 600.000 đồng tiền ăn cho 2 ông bà. Nên mặc dù không có người cấy ruộng, bà Quỳnh vẫn nghĩ cho con đi làm ăn xa là một giải pháp.
Bà Lê Thị Quỳnh nói: “Anh ấy đi làm trong Nam được 3 năm nay. Trước anh ấy đi nước ngoài về, học lái xe rồi giờ chạy từ Nam ra Bắc đổ hàng hoa quả cho Hà Nội, đủ các thứ chẳng thiếu hàng gì. Đi làm ăn không có tiền thì về, đi Đài Loan, cũng chạy 120 triệu, về chỉ đủ vốn đủ gốc ra là nó bắt đi về, Anh thứ hai học xong nghề đi Phố Nối làm ăn rồi mở hàng ở nhà được 3-4 năm nay. Làm ruộng chúng nó không làm đâu, đi làm nghề khác kinh tế cũng vậy cả. Vợ nó cũng ở Đài Loan, về cưới nhau mấy năm rồi ở nhà nuôi con, ông bà ở nhà chỉ còn 5-6 sào ruộng, vẫn cấy. Mình ở nhà làm ruộng có ít thì cũng không vất vả nhưng kém, không bằng đi làm ăn được, tuổi của mình giờ chỉ ở nhà thôi, làm gì có công việc gì mà đi làm bây giờ, trông cháu với mấy sào ruộng thôi. Thanh niên ở đây đi làm ăn hết”.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, diện tích đất canh tác nông nghiệp (chủ yếu trồng lúa) bị bỏ hoang trung bình mỗi tỉnh khoảng 100ha. Chỉ tính ở khu vực đồng bằng sông Hồng và miền Trung, đã có tới 6 tỉnh có nông dân bỏ ruộng, thậm chí trả lại ruộng, tổng diện tích khảo sát sơ bộ lên tới gần 1000ha.
Ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phân tích, để giải quyết tình trạng nông dân bỏ ruộng cần có một quy hoạch tổng thể: “Nông dân bỏ ruộng, ra thành phố kiếm việc làm. Kinh tế đang gặp khó khăn nên đời sống của nhân dân cũng ảnh hưởng theo. Nhiều người đi làm ăn xa nhưng khi về nhà lại đem theo các tệ nạn xã hội. Điều này sẽ gây nên vấn đề mất cân đối trong chuyển dịch cơ cấu lao động, khó có ai là người sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn. Nếu Nhà nước không nhanh vào cuộc sống thì là đáng báo động. Một là phải tín dụng đến với bà con, hai là bảo hiểm, ba là phải quy hoạch trồng cây gì nuôi con gì, bán ở đâu, có hiệu quả như thế nào? Bài toán đặt ra là phải đảm bảo cuộc sống cho nông dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm cho họ. Bởi vì hiện nay, nông dân không chỉ có xu hướng bỏ ruộng đâu mà bỏ cả chuồng, cả ao, phải có đầu ra ổn định cho nông dân thì nông nghiệp mới có tính bền vững.
Quốc hội cũng như Chính phủ đã quyết giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa cho cả nước để sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực cũng như sinh kế của người nông dân. Nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, không nhất thiết chỉ trồng lúa mà có thể đa dạng cây trồng, đảm bảo ổn định đời sống. “Dồn điền đổi thửa” cũng là một giải pháp. Người nông dân sẽ canh tác trên đất đó với máy móc công nghiệp, giảm thiểu thất thoát, dôi dư những bờ vùng bờ thửa nhỏ, không bị yếu tố ngoại cảnh như sâu bệnh, sản xuất tập trung hơn. Điều cần nhất là bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, làm sao để sản xuất nông nghiệp có lãi. Muốn vậy phải có những giải pháp lớn căn cơ, như tạo điều kiện tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng đất hiệu quả hơn. Đặc biệt là phải phát triển kiểm soát đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi rẻ và chất lượng tốt để làm giảm chi phí sản xuất.../.
Theo VOV