Bao giờ người Xinh Mun ở Co Mỵ hết nghèo

Thứ Năm, 29/08/2013, 09:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bao năm nay, cuộc sống của người dân tộc Xinh Mun ở bản Co Mỵ, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông vẫn nằm trong cái vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo. Dù rất nhiều cố gắng trong lao động sản xuất nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới trên 70%.

c
Tỷ lệ hộ nghèo ở bản Co Mỵ vẫn còn trên 70%

Những ngôi nhà tạm bợ, những bữa ăn sơ sài và cả trong cái mặc của bà con cũng chưa đầy đủ, tươm tất. Đây là tình trạng chung trong cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc Xinh Mun ở bản Co Mỵ. Hiện cả bản có 50 hộ thì có đến 36 hộ thuộc diện nghèo. Nếu như năm 2012, không có sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp 5 hộ thoát nghèo thì số hộ nghèo của bản hiện còn chiếm trên 80%. Đó là chưa kể đến 12 hộ còn ở nhà tạm, 20 hộ năm nào cũng thiếu ăn từ 3 - 4 tháng. Cách để họ khắc phục lúc thiếu đói chủ yếu là vay, mượn, nợ năm này qua năm khác.

"Thóc thì được ít, cả gia đình mỗi vụ chỉ thu được khoảng 10 bao thôi. Gia đình tôi cũng chẳng nghĩ ra việc gì để làm thêm nữa mà chỉ biết đi vay ăn rồi làm ngô, bán lấy tiền trả nợ." - Đó là những lời chia sẻ của chị Lường Thị Tím.

Nguyên do của cái vòng luẩn quẩn đói nghèo ở Co Mỵ phần lớn là do bà con còn lười lao động. Cả năm chỉ quen với việc ruộng, việc nương. Hết mùa vụ này, lại ngồi chờ đến mùa vụ sau. Nếu là các địa phương khác, hết mùa vụ, những lao động chính lại đi kiếm việc làm thêm, thu được khoản tiền đáng kể để phục vụ chi tiêu trong gia đình, cải thiện đời sống nhưng với bà con ở Co Mỵ thì không. Trưởng bản Co Mỵ Lường Văn Dũng cho biết: "Thanh niên ở bản không đi làm vì lười lao động và cũng không có nghề gì để làm."

vcx
Cả bản có 3ha ruộng nước mà năng suất trung bình mỗi vụ chỉ đạt khoảng 40 tạ/1ha

Mặt khác, cả bản có 50 hộ, hơn 260 khẩu nhưng chỉ có 3ha ruộng nước, trong đó một nửa diện tích không làm được 2 vụ. Năng suất lại thấp do bà con canh tác hoàn toàn theo phương thức cũ. Năng suất trung bình mỗi vụ chỉ đạt khoảng 40 tạ/1ha. Không áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng một phần bởi bà con không có vốn, không biết tính toán và không mạnh dạn vay vốn đầu tư. Yếu tố này, khiến việc chăn nuôi của bản cũng bị hạn chế.

Chị Lường Thị Tím chia sẻ thêm: "Gia đình tôi muốn chăn nuôi thì không có vốn đầu tư, vì nghèo nên không có tiền để mua giống. Chỗ để chăn thả và làm chuồng nuôi cũng không có."

Do diện tích chăn thả ngày càng ít đi và thiếu nơi nuôi nhốt nên cả bản chỉ có 13 con trâu, 70 con bò và trung bình mỗi hộ chỉ có từ 1 - 2 con lợn và đàn gia cầm cũng không đáng kể. Bản Co Mỵ ít ruộng, nương thì bạc màu, thiếu điều kiện để phát triển chăn nuôi, lao động không có nghề và lười, sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế… nếu bà con không chủ động thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, không tự thân vận động; cấp ủy, chính quyền địa phương không có định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho bà con nơi đây một cách cụ thể thì không biết đến khi nào người Xinh Mun ở Co Mỵ mới hết đói nghèo?

 

Lê Dung – Đức Bình

.