Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thực hiện tốt hơn phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"

Thứ Tư, 24/07/2013, 16:07 [GMT+7]

Điện Biên TV - Kế thừa truyền thống quý báu hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

vcb
Đến nay, toàn tỉnh đã có 98% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Để có được những chiến công vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ; những bậc ông bà, cha mẹ; những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi… tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”.

Để đời đời ghi nhớ và tôn vinh sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, đầu tháng 7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” và ngày 27-7 hàng năm đã được chọn là “Ngày Thương binh toàn quốc”; tháng 7-1955, được đổi tên là “Ngày Thương binh - Liệt sỹ”. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bày tỏ lòng biết ơn và tri ân công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước đã hy sinh xương máu và cống hiến tuổi xuân, sự sống của mình vì sự trường tồn của dân tộc.

Phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với nước, trong đó đặc biệt chú ý đến các thương binh, thân nhân các liệt sỹ. Đến nay, về cơ bản đã giải quyết dứt điểm những chính sách tồn đọng về công tác thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công trong các thời kỳ cách mạng. Tính đến ngày 30/6/2013, tỉnh Điện Biên hiện đang quản lý 13.648 người có công với cách mạng, trong đó đang thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 1.247 đối tượng. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện xác nhận mới và giải quyết chế độ với người có công với cách mạng cho 219 đối tượng; tổ chức thăm hỏi, tặng 11.132 suất quà cho các gia đình chính sách với tổng số tiền là 2.528.993.000 đồng; tặng 248 sổ tiết kiệm cho các gia đình người có công với cách mạng với số tiền 257.900.000 đồng.

Nhằm đẩy mạnh xã hội hoá công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị trong tỉnh đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình chăm sóc người có công với cách mạng như: Chăm lo cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách; chương trình xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ năm 2010 đến nay, Quỹ đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh đã nhận được sự đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cá nhân với số tiền là 2.572.934.900 đồng. Bằng nguồn kinh phí vận động được, đã thực hiện hỗ trợ kinh phí xây mới cho 13 gia đình với số tiền 420.000.000 đồng; sửa chữa được 48 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, người có công với số tiền là 619.000.000 đồng. Đón tiếp, phục vụ chu đáo 2.348 đoàn bằng 109.676 lượt khách trong nước, quốc tế, thân nhân liệt sỹ và đồng bào cả nước đến thăm viếng mộ liệt sỹ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", 98% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang trực tiếp quản lý 8 nghĩa trang liệt sỹ với 6.646 mộ, trong đó có 3 nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia, 1 nghĩa trang liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh bên nước bạn Lào, 4 nghĩa trang liệt sỹ do các huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay quản lý. Các công trình nghĩa trang liệt sỹ đều được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tu bổ tôn tạo từ ngân sách nhà  nước và công đức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thể hiện trách nhiệm, tình cảm, nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng tri ân đặc biệt trước sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại huyện Mường Ảng, Mường Nhé; tu bổ chống xuống cấp nghĩa trang liệt sỹ A1, Độc Lập, Him Lam, nghĩa trang liệt sỹ B142 xã Sam mứn huyện Điện Biên, nghĩa trang liệt sỹ người Trung Quốc xã Sam Mứn huyện Điện Biên. Tính từ năm 2010, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên và Đội quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2  tổ chức đón nhận, an táng 70 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại nước bạn Lào và 6 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập theo nghi thức, đảm bảo trang trọng.

Các phong trào, cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa” do cấp ủy, chính quyền khởi xướng, được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hưởng ứng và triển khai thực hiện đã có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút được nhiều người tham gia, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua thực hiện các phong trào, hàng nghìn hộ đồng bào nghèo ở địa bàn biên giới, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các gia đình chính sách của tỉnh đã có nhà ở ổn định; nhiều công trình dân sinh như xây cầu, làm đường, xây trường học,… được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng, góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là các vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Qua đó, góp phần đẩy nhanh mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, đặc biệt là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là cán bộ, chiến sĩ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ và là quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào đã đạt được những kết quả rất thiết thực.

Trong những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và của tỉnh Điện Biên tiếp tục phát triển với nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức mới. Để tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong LLVT và từng người dân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" gắn với công tác hậu phương quân đội. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người dân nhận thức sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện tốt công tác chính sách nói chung, công tác thương binh, liệt sỹ, hậu phương quân đội nói riêng. Qua đó, thấy rõ giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác chính sách, công tác thương binh, liệt sỹ, hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đó không chỉ là trách nhiệm mà là đạo lý của mỗi cán bộ đảng viên, chiến sĩ LLVT và từng người dân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Tiếp tục phát động phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" sâu rộng trong các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đề cao tính tiền phong gương mẫu của từng cán bộ đảng viên cùng toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu", làm cho mỗi gia đình người có công "yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội", như Bác Hồ đã căn dặn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách; tích cực tham gia và làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ; thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng mộ phần các liệt sỹ. Quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của các đối tượng chính sách, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là những hoạt động thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hiếu nghĩa bác ái của dân tộc Việt Nam. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là hành động thiết thực, hiệu quả, có giá trị nhân văn sâu sắc, tôn vinh và tri ân công ơn to lớn đối với các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Nguyễn Vân Chương
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

.