Đổi thay ở Tà Lèng

Thứ Bảy, 29/06/2013, 15:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tà Lèng là một xã vùng ngoài của thành phố Điện Biên Phủ. Trước khi chia tách, thành lập, Tà Lèng chỉ là một bản của xã Noong Bua cũ. Với xuất phát điểm kinh tế thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, phương thức sản xuất lạc hậu nên đời sống của đồng bào hết sức khó khăn. Đến nay, sau hơn 4 năm thành lập tuy còn nhiều khó khăn nhưng đời sống của nhân dân xã Tà Lèng đã có những đổi thay, khởi sắc.

cx
Ngày đầu mới thành lập, xã Tà Lèng có 4 bản với 193 hộ, 873 nhân khẩu, đến nay đã tăng lên 225 hộ với gần 1.100 nhân khẩu

Xã Tà Lèng chỉ cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 5 km. Bản Tà Lèng khi xưa là bản của người dân tộc Khơ Mú. Những người cao tuổi nhất cũng không biết bản có từ bao giờ. Ông Lò Văn So năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông từng là giáo viên dạy bổ túc cho bà con trong bản những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Theo lời ông kể lại, ban đầu cả bản chỉ có vài nóc nhà của bà con Khơ Mú, sau đó bà con dân tộc Mông, Thái dần chuyển đến định cư. Sau ngày giải phóng cả bản cũng chỉ có gần 30 nóc nhà. Sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời với bản ông đã chứng kiến mọi sự đổi thay, thăng trầm của mảnh đất này.

Cuộc sống của đồng bào trong bản có nhiều cơ hội phát triển hơn, khi xã Tà Lèng được thành lập trên cơ sở chia tách từ phường Noong Bua theo Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 16/4/2009 của Chính phủ. Ngày đầu mới thành lập, xã có 4 bản với 193 hộ, 873 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh, Mường. Với xuất phát điểm thấp, khi mới chia tách xã gặp vô vàn khó khăn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sát sao của chính quyền thành phố, nhiều công trình, nhiều dự án đã được đầu tư, triển khai trên địa bàn, góp phần đắc lực vào việc tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Đến nay, số hộ của xã đã tăng lên 225 hộ với gần 1.100 nhân khẩu. Những thành tựu của xã sau hơn 4 năm xây dựng và phát triển thể hiện trên nhiều mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh trật tự.

Đạt được những thành tựu trên là nhờ xã tập trung vận động nhân dân phát huy thế mạnh trong phát triển nông, lâm nghiệp. Trước hết là đã tập trung thúc đẩy phát triển cây lương thực. Với 270 ha đất dành cho sản xuất nông nghiệp, xã tuyên truyền nhân dân đưa giống cây trồng năng suất cao vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ. Từ đó, góp phần thay đổi căn bản tập quán sản xuất lạc hậu chỉ dựa vào nương rẫy. Diện tích ruộng lúa nước 50 ha của xã được canh tác cả 2 vụ, nhân dân còn chủ động phát triển thêm ngô, sắn. Nhờ vậy, năm 2010 tổng sản lượng lương thực toàn xã mới đạt 562 tấn, đến năm 2012 con số này đã tăng lên 682 tấn. Lương thực không những đủ dùng cho nhu cầu gia đình mà còn được đồng bào trong xã xuất bán ra thị trường.

bx
Năm 2010, tổng sản lượng lương thực toàn xã mới đạt 562 tấn, đến năm 2012 đã tăng lên 682 tấn

Rừng cũng là một thế mạnh của xã Tà Lèng, xác định được điều này Ủy ban nhân dân xã đã vận động nhân dân 2 bản Kê Nênh, Nà Nghè đăng ký nhận 2.200 cây tre và trên 36 nghìn cây mỡ, cây keo Úc của Dự án JICA trồng trên diện tích gần 39 ha. Xã cũng triển khai trồng trên 31 ha cây giổi xanh theo dự án của trung tâm khuyến nông tỉnh; trồng thử nghiệm gần 14 ha cây mắc ca, bước đầu đánh giá tỷ lệ cây sống, phát triển tốt đạt khoảng 70%. Từ đó, góp phần duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 39%, đồng thời giúp nhân dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập bền vững từ nghề rừng.

Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã có trên 4.500 con, trong đó đàn trâu, bò gần 250 con, đàn lợn trên 800 con, gia cầm trên 3.000 con. Phát triển chăn nuôi góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình chưa có điều kiện về vốn để mở rộng sản xuất. Phát triển nuôi thủy sản cũng là một thế mạnh của nhân dân trong xã. Tận dụng các diện tích mặt nước, ao hồ, khe suối, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư cải tạo xây dựng ao nuôi cá. Hiện nay, xã có hơn 100 ha ao nuôi cá, trung bình hàng năm sản lượng đạt xấp xỉ 40 tấn.

Chúng tôi tới thăm mô hình vườn, ao, rừng của gia đình anh Lò Văn Mấng. Từ việc canh tác 5.000m2 ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, gia đình anh đã mạnh dạn quy hoạch xây dựng 3 ao cá với trên 5.000m2, mỗi năm đem lại lợi nhuận 60 - 70  triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng thêm hàng trăm cây chuối và 2 ha keo trên đồi, vừa giữ nước cho ao vừa để thu gỗ sau này. Mới đây anh cũng đã nhận trồng hàng trăm gốc giổi xanh và cây mắc ca theo dự án đầu tư cho nhân dân trong xã. Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đến nay gia đình anh đã trở thành hộ khá, giàu trong bản, trong xã.

Không riêng gì gia đình anh Mấng, cuộc sống của 98 hộ trong bản Tà Lèng cũng có nhiều đổi thay. Những nếp nhà khang trang đã dần thay cho những ngôi nhà cũ xập xệ. Những con đường bê tông đã thay thế hầu hết những con đường nắng bụi, mưa lầy khi xưa. Đường điện đã đưa ánh sáng vào bản từ lâu và dự án cấp nước đã đưa nước sạch đến với từng hộ gia đình. Không thể diễn tả hết niềm vui mừng, phấn khởi của đồng bào trong bản khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Ở Tà Lèng, bộ mặt nông thôn mới đã dần thành hình.

bx
Năm 2013, xã phấn đấu giảm được 21 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 13%

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân trên địa bàn nhưng xã Tà Lèng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết, cơ sở hạ tầng của xã đã được đầu tư xây dựng, tuy nhiên xã vẫn chưa có trạm y tế. Việc khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc cho nhân dân các bản gặp nhiều khó khăn. Đường giao thông tại một số bản như Nà Nghè, Lọng Hỏm chưa được đầu tư xây dựng, các công trình về thủy lợi, nước sạch đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhân dân 4 bản. Một khó khăn nữa của xã là diện tích tự nhiên có trên 1.500 ha nhưng phần lớn là đất lâm nghiệp, đất dành cho nông nghiệp chỉ có 270 ha. Số hộ nghèo và cận nghèo trong xã còn hơn 30%. Những hộ nghèo này tập trung chủ yếu vào các hộ gia đình thiếu đất sản xuất, thiếu vốn để phát triển kinh tế, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất trên nương. Nhiều hộ gia đình còn chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khi đã mạnh dạn đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhưng lại thiếu chăm sóc, đầu tư nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chưa sát với nhu cầu thực tế...

Để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân xã Tà Lèng xác định: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn. Ngoài công trình trụ sở Ủy ban nhân dân xã đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, xã kiến nghị với thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nước sạch trị giá 4,5 tỷ đồng, sớm đưa vào phục vụ. Khi hoàn thiện công trình sẽ cấp nước sạch cho khu UBND, trường học và 150 hộ gia đình trên địa bàn xã. Thực hiện phối hợp với các phòng, ban thành phố quản lý tốt quy hoạch đường tránh Quốc lộ 279 và đường khu du lịch sinh thái Him Lam. Đồng thời, xã tiếp tục vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng; nâng cao ý thức chăm sóc, mạnh dạn đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao đã được hỗ trợ như cây giổi xanh, cây mắc ca... Đặc biệt, xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, coi đây là động lực quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ngay trong năm 2013, xã phấn đấu giảm được 21 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 13%. Để thực hiện mục tiêu này, xã đã giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ gia đình, giúp hộ gia đình tìm hướng phát triển kinh tế từng bước thoát nghèo.

Bốn năm là khoảng thời gian chưa phải là dài nhưng đủ để xã Tà Lèng thể hiện sức sống và tiềm năng phát triển. Hy vọng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tà Lèng sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, bắt kịp tốc độ phát triển chung của các xã, phường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ./.

 

Chu Linh - Anh Tuấn

.