Để giúp đồng bào ổn định sản xuất

Thứ Hai, 06/05/2013, 09:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Điện Biên Đông là một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao. Làm thế nào để giúp cho bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc Mông ổn định sản xuất, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo đang được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Điện Biên Đông quan tâm bằng nhiều giải pháp hữu hiệu.

bc
người dân xã Háng Lìa không còn canh tác theo kiểu chọc lỗ tra hạt như trước kia mà thay thế vào đó là gieo vãi hạt giống ra nương rẫy trước, sau đó mới tiến hành xới xáo làm đất

Chứng kiến bầu không khí lao động khẩn trương của hàng trăm lao động ở bản Huổi Tóng A xã Háng Lìa chúng tôi mới cảm nhận được sự nhọc nhằn, vất vả của bà con nông dân đồng bào dân tộc Mông huyện Điện Biên Đông nói riêng, đồng bào vùng cao nói chung. Cứ mỗi dịp vào vụ mới, người dân Háng Lìa lại sử dụng hình thức đổi công cho nhau nhằm hoàn thành sớm các công việc làm đất cho kịp thời vụ. Hiện nay, người dân vùng cao xã Háng Lìa không còn canh tác theo kiểu chọc lỗ tra hạt như trước kia nữa mà thay thế vào đó là cách làm mới để tiết kiệm ngày công lao động đó là: Gieo vãi hạt giống ra nương rẫy trước, sau đó mới tiến hành xới xáo làm đất, từ đó hạt giống cũng được trộn đều và được phủ kín một lớp đất tơi xốp, tránh được chuột bọ và chim rừng phá hoại. Theo số liệu thống kê của UBND xã Háng Lìa, xã có trên 2.000 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Toàn xã có 63 ha lúa nước một vụ, 600 ha diện tích đất sản xuất trên nương rẫy chủ yếu là đất dốc bị rửa trôi và bạc màu đã qua canh tác rất nhiều năm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ hộ đói nghèo của nhân dân trong xã còn cao, chiếm đến 68%.

Để giúp nhân dân trong xã ổn canh, phát triển sản xuất, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Háng Lìa đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, trong đó tập trung vào giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, thực hiện khoanh nuôi bảo vệ rừng hiện còn để rừng sinh thủy, tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt đời sống và nước cho sản xuất nông nghiệp. Xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như sử dụng các loại giống mới có năng suất cao, có khả năng chịu hạn và khả năng chống chịu sâu bệnh. Mặt khác, tăng cường thu hút các nguồn lực, các chương trình dự án 135, chương trình 30a, nguồn vốn dự án giảm nghèo của các tổ chức quốc tế để đầu tư xây dựng mở đường giao thông nông thôn, đường liên thôn liên bản, xây dựng các công trình thủy lợi theo hướng kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân ổn canh, ổn cư phát triển sản xuất.

bvc
Năm 2013, huyện Điện Biên Đông quyết tâm chỉ đạo nhân dân thực hiện gieo trồng với tổng diện tích trên 14.700 ha

Việc tăng cường đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự phát huy nội lực trong nhân dân, đã góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của người dân vùng cao. Trong năm 2013, huyện Điện Biên Đông quyết tâm chỉ đạo nhân dân thực hiện gieo trồng với tổng diện tích trên 14.700 ha, trong đó diện tích cây lúa nước vụ chiêm xuân là 570 ha; diện tích lúa nước vụ mùa gần 1.600 ha; lúa nương 4.400 ha; ngô cả năm 5.800 ha và trên 1.200 ha cây công nghiệp ngắn ngày như: Đậu tương, bông, cây lạc… Để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là địa bàn các xã vùng cao, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung đầu tư sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi: Bản Loọng Chuông xã Na Son, bản Keo Lôm xã Keo Lôm, bản Huổi Dụa xã Phình Giàng với tổng kinh phí trên 4,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn hướng dẫn bà con nông dân chủ động nạo vét, tu sửa kênh mương sau mỗi mùa mưa lũ, nâng cao tuổi thọ cũng như phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện.

Huyện Điện Biên Đông cũng triển khai đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới công trình thủy lợi Pá Pan - Thanh Ngám xã Noong U với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước tháng 6/2013, đảm bảo phục vụ nước tưới cho gần 60 ha ruộng lúa nước 2 vụ của bà con nông dân 2 bản Pá Pan và Thanh Ngám. Cùng với việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới các công trình thủy lợi, các cơ quan chuyên môn của huyện còn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp cho nhân dân, thông qua các hình thức xây dựng mô hình, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi. Cụ thể như: Triển khai thực hiện chăn nuôi cá lồng tại lòng hồ Nậm Ngám với 95 ngàn con cá rô phi đơn tính, 95m3 lồng nuôi, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng; hỗ trợ trên 50 ngàn tấn phân đạm, trên 20 ngàn tấn phân ka ly cho hơn 1.800 hộ dân; hỗ trợ 204 con bò, 42 trâu sinh sản cho 246 hộ dân với tổng kinh phí thực hiện 3,4 tỷ đồng; hỗ trợ 144 con dê giống cho 120 hộ dân tại xã Phì Nhừ, Háng Lìa và cấp phát 103 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến bảo quản sau thu hoạch với tổng kinh phí lồng ghép của nguồn vốn Nghị quyết 30a và chương trình 135 giai đoạn 2 trên 3 tỷ đồng.

bvc
Trong những năm gần đây, huyện Điện Biên Đông đã đầu tư hàng chục công trình thủy lợi vừa và nhỏ nhằm mở rộng diện tích sản xuất lúa nước

Nhìn chung các chương trình dự án hỗ trợ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm sức lao động, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trong đồng bào các dân tộc. Cũng từ các chương trình dự án đầu tư của Nhà nước mà người dân xã Keo Lôm đã chủ động khai hoang mới và đưa vào sản xuất được 40,5 ha ruộng nước. Việc khai hoang mở rộng diện tích đã hạn chế được tình trạng phá rừng làm nương rẫy, nâng cao sản lượng lương thực và tạo được việc làm ổn định cho hàng trăm lao động của địa phương. Từ sự đầu tư của Nhà nước cùng với phát huy nội lực trong dân, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, các công trình phúc lợi xã hội đã phát huy được hiệu quả, đời sống của đồng bào bước đầu cũng giảm dần sự phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên như trước đây.

Điện Biên Đông có đặc thù là một huyện miền núi cao, trên 80% diện tích canh tác của nông dân là đồi đất dốc bị rửa trôi bạc màu. Chính vì vậy mà ruộng nước là mơ ước, là khát vọng của đồng bào các dân tộc, đồng thời cũng là giải pháp để xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong những năm gần đây, huyện Điện Biên Đông đã tập trung đầu tư các nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, của các tổ chức phi chính phủ để xây dựng hàng chục công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn các xã vùng cao với tổng mức đầu tư lên đến vài chục tỷ đồng, mở rộng diện tích sản xuất lúa nước, góp phần nâng cao sản lượng lương thực, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh các loại như: Ngô, bông lai, đậu tương, lạc, lúa. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh công tác quy hoạch các vùng chăn thả gia súc phát triển chăn nuôi và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại kết hợp với khoanh nuôi bảo vệ rừng nhằm ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống của người dân.

Cùng với triển khai đồng bộ các biện pháp giúp nhân dân vùng cao ổn định sản xuất bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống của người dân đang không ngừng được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, do điều kiện vùng cao, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, người dân chủ yếu là sống phụ thuộc vào sản xuất trên nương rẫy, đất đai đang bị bạc màu và rửa trôi, rừng đang bị thu hẹp, nguy cơ tái nghèo là rất cao. Chính vì lẽ đó mà việc giữ rừng, phát triển mạng lưới hệ thống giao thông liên thôn, liên bản, nâng cao trình độ dân trí để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, đang là sự sống còn đối với người dân huyện vùng cao Điện Biên Đông. Tâm tư nguyện vọng của người dân ở đây là mong muốn Nhà nước giao đất giao rừng cho đồng bào, sớm cụ thể hóa chính sách ưu đãi với những nơi đồng bào được giao bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng sao cho đồng bào có thu nhập cao hơn làm nương rẫy. Đối với những người kinh doanh rừng cần đảm bảo lợi ích thỏa đáng để tạo động lực trong việc trồng, chăm sóc tái sinh rừng và có những chính sách đầu tư hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho bà con nông dân sản xuất lương thực trên đất dốc./.

 

Quang Phong

.