Bánh giày Mông biểu tượng của trời đất

Thứ Năm, 27/12/2018, 15:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiếng chày thậm thịch trên dốc núi cùng hương nếp nương thơm nồng theo gió quyện bay, là những âm thanh, mùi vị quen thuộc với người Mông Tà Lèng mùa giáp Tết: Mùa của thơm dẻo bánh dày. 

Người Mông ở xã Tà Lèng, thành phố Điện Biên Phủ là nhóm Mông trắng từ tỉnh Cao Bằng đến định cư tại đây trong những năm 1986 - 1987. Làm nương, khai phá ruộng bậc thang và phát triển chăn nuôi, cuộc sống của họ đã ngày một ổn định. Chăm chỉ lao động, đời sống ấm no, họ cũng rất chú trọng gìn giữ bản sắc, dù sống ngay bên thành phố ồn ào náo nhiệt. Những ngày cuối năm của đồng bào Mông ở bản Kê Nênh, xã Tà Lèng khá bận rộn. Mùa này là mùa người dân khẩn trương làm ruộng để gieo mạ xuân. Tháng 12 cũng là thời điểm mùa Tết đã cận kề, họ cũng không quên tranh thủ chuẩn bị mọi thứ cho dịp Tết.

1
Bánh dày là thứ không thể thiếu trong những ngày Tết của đồng bào Mông

 

Tuy rất bận rộn, nhưng vào những ngày cuối năm bà Ngô Thị Dinh vẫn không quên dành thời gian cho một công việc có sức cuốn hút đặc biệt, đó là chuẩn bị gạo nếp và các nguyên liệu làm bánh dày. Bánh dày là thứ không thể thiếu trong những ngày Tết của đồng bào Mông. Thi giã bánh dày vào dịp Tết cũng là hoạt động sôi nổi và vô cùng thú vị. Tuy nhiên, người Mông ở bản Kê Nênh cũng thường làm bánh dày ngay sau khi thu hoạch vụ mùa, để thưởng thức vị dẻo thơm của nếp mới.

Bà Ngô Thị Dinh, Bản Kê Nênh, xã Tà Lèng. thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Người Mông Tây Bắc thì thường làm bánh dày trong dịp Tết để cúng tổ tiên. Ngày thường khi nào rảnh dỗi chúng tôi cũng thường làm bánh dày để cả gia đình cùng thưởng thức, nhưng cũng chỉ mùa Tết tôi mới hay làm bánh dày. Khi thường phải đi nương, đi ruộng nên không có thời gian để giã bánh. Làm bánh dày cũng mất nhiều công đấy.

Các nguyên liệu chính để làm bánh dày Mông gồm: Gạo nếp, hạt vừng, lá xôi tím, lá chuối hoặc lá dong dùng gói bánh. Để chuẩn bị làm bánh dày, gạo nếp phải được ngâm kỹ từ đêm hôm trước.

Bánh dày của người Mông làm khá công phu. Gạo sau khi ngâm một đêm được vo lại, để ráo nước và cho vào đồ xôi. Nồi xôi ngon phải được đồ trên bếp củi, lửa cháy thật đều. Muốn có được những chiếc bánh dày dẻo, mịn màng thì xôi cũng phải chín kĩ và bánh phải được giã khi xôi còn nóng hổi. Bánh dày người Mông thường được giã bằng những chiếc chày gỗ trong máng gỗ. Công việc giã bánh dày thường do những người đàn ông trong nhà đảm nhiệm.

Ông Hoàng Văn Hồng, Bản Kê Nênh, xã Tà Lèng. thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Công việc giã bánh dày tốn rất nhiều sức. Thường thì công đoạn này do đàn ông đảm nhiệm, đàn ông khỏe hơn giã bánh mới đều tay nhuyễn mịn,  phụ nữ phải có sức khỏe mới giã được bánh dày này. Giã bánh phải nhanh tay, nếu để xôi nguội bánh không nhuyễn, ăn không ngon. Để giã bánh phải dùng máng gỗ và chày gỗ làm bằng loại gỗ thật cứng chắc. Cái máng và chày này đều làm bằng gỗ dẻ. Như vậy mới không bị vỡ, mẻ.

1
Công việc giã bánh dày thường do những người đàn ông trong nhà đảm nhiệm. ảnh Thi giã bánh giầy tại Lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên năm 2018


Xôi nếp nóng hổi rắc thêm hạt vừng rang thơm, đưa xôi vào máng gỗ giã nhanh, liên tục và đều tay. Trong những ngày hội xuân người Mông thường tổ chức thi giã bánh dày để các chàng trai thể hiện sức khỏe, sự khéo léo và dẻo dai. Sống ở những vùng khó khăn với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sức khỏe, sự cần cù, dẻo dai là những phẩm chất quan trọng giúp người Mông đối mặt với khó khăn. Các cô gái Mông cũng lấy những phẩm chất đó làm một trong các tiêu chí để chọn người yêu.
 
Xôi được giã đều tay sau khoảng hơn một giờ đồng hồ sẽ nhuyễn, công đoạn tiếp theo lại là cộng việc của những người phụ nữ trong nhà. Xôi được vắt thành những dẻo bánh và được chia đều. Bánh dày của đồng bào Mông được nặn theo hình tròn, sau đó được làm dẹt. Hình tròn của bánh tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, ánh sáng của ngày và đêm, đem đến sự sống cho con người và vạn vật. Hình tròn cũng là biểu tượng của sự đầy đủ, viên mãn, nên người Mông thường làm bánh dày vào dịp Tết là để cầu mong cho cuộc sống luôn được no đủ, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Người mông cũng có câu chuyện cổ tích về bánh dày.

Chuyện kể rằng: Có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết hẹn nhau cùng xây tổ ấm. Nhưng một hôm cô gái lên rừng hái măng và bị hổ tinh bắt đem vào rừng sâu. Chàng trai vô cùng buồn sầu, quyết chí đi tìm người yêu. Biết rằng phải vượt qua núi cao, rừng sâu, có khi phải đi nhiều ngày mới tìm thấy hang hổ, chàng nhờ mẹ đồ xôi rồi giã nhuyễn, làm thành những chiếc bánh dày.

1
Bánh dày của đồng bào Mông được nặn theo hình tròn, sau đó được làm dẹt

 

Chàng lấy lá dong gói chúng lại và đeo vào tay nải đi vào rừng. Phải vượt bao núi cao, suối sau, những chiếc bánh dày mang theo tay nải đã giúp chàng không bị đói. Cuối cùng chàng trai cũng tìm được hang hổ, diệt hổ tinh cứu người yêu, đưa nàng trở về. Họ đã trở thành vợ chồng và sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi. Từ đó bánh dày được người Mông coi là món ăn truyền thống. Họ thường làm bánh dày trong ngày Tết để cúng tổ tiên. Họ cũng làm bánh dày cho tiệc cưới và làm để mang theo đi nương, đi rừng.
 
Bánh dày đồng bào Mông có cách dùng đặc biệt. Bánh phải để nguội để phần vỏ hơi se lại, sau đó cắt thành từng miếng nhỏ cho vào chảo rán hoặc nướng trên bếp than hồng. Bánh có thể để từ 3 ngày đến 1 tuần. Bánh để lâu cứng lại, chỉ cần cho lên bếp than hồng nướng lên, bánh sẽ nở ra và mềm trở lại. Bánh dày của người Mông khi ăn có thể chấm với đường mía hoặc mật ong.

Đây cũng là loại bánh có hương vị đặc biệt của đồng bào vùng cao. Mùa Tết qua bản Mông, nghe thấy tiếng chày thậm thịch, thấy xôi nếp tỏa mùi thơm là biết ngay bản làng năm ấy được mùa, đời sống Nhân dân no ấm. Mỗi dân tộc có cách làm và cách thưởng thức bánh dày riêng biệt. Bánh dày người Mông vừa là biểu tượng của no ấm, vừa là hương vị riêng của đồng bào Mông nơi vùng cao Tây Bắc/.


                                                                                

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.