Trải nghiệm trên trang trại người Mông và món thịt lợn sữa

Thứ Tư, 28/11/2018, 14:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sống trên vùng cao, đồng bào Mông thường tự trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ đời sống. Thực phẩm, hoa màu họ nuôi trồng trên núi cao được thiên nhiên nuôi dưỡng, là những sản vật bổ dưỡng và đậm đà hương vị của núi rừng Tây Bắc

Bản Mông cheo leo trên sườn núi. Sống ở nơi xa xôi cách trở, không chợ, không hàng, bao đời nay người Mông vẫn giữ truyền thống tự sản xuất, chăn nuôi cho nhu cầu cuộc sống. Họ làm nương, vườn, trang trại trên vùng núi non cách xa làng bản.

1
Bản người Mông thường cheo leo trên sườn núi

 

Trên nương, trại của họ, hạt gieo xuống đất tự hứng mưa sương để nảy mầm, con giống thả đi ăn trong rừng, chiều chiều nghe tiếng gọi tự theo đàn về nhà nhặt nhạnh củ sắn, hạt ngô từ tay người mà lớn lên. Những sản vật của vùng người Mông không chỉ có vị mặn mồ hôi, mà còn có hương rừng, vị núi. Hãy cùng chúng tôi tìm lên xứ sở cheo leo của đồng bào Mông để cảm nhận những hương vị trong lành của nơi này.

Ở xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng đồng bào Mông sống trên các bản Nậm Poọng, Chan 1, Chan 2 và bản Pơ Mu. Đây là các bản vùng cao đường giao thông còn cách trở. Việc đi lại nơi vùng cao chỉ dễ dàng hơn khi thời tiết đã bước sang mùa khô.

Phải một lần trải nghiệm với con đường lên bản Mông, bạn mới thấu hiểu sự xa xôi của nơi này. Tuy nhiên, những bản Mông nơi rẻo cao lại luôn ẩn chứa biết bao điều cuốn hút. Một trong những điều cuốn hút ấy là tập quán trồng trọt, chăn nuôi và các sản vật được nuôi trồng hết sức tự nhiên.

Thăm khu vực làm trang trại của đồng bào Mông bản Chan 2, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, Phong tục làm trang trại trên đỉnh núi cao cũng là một trong những tập quán lâu đời của đồng bào Mông. Theo kinh nghiệm truyền thống của người Mông, vùng chăn nuôi thường được cách biệt với làng bản để việc chăn nuôi gia súc, gia cầm không ảnh hưởng đến vườn tược, hoa màu của cộng đồng. Họ cũng cho rằng ở trên cao không khí trong lành là nơi thuận lợi cho đàn gia súc phát triển.
 

1
Trong các loại vật nuôi phổ biến ở các trang trại trên núi này, lợn vẫn là loại vật nuôi sinh sản với số lượng nhiều nhất.

 

Ở các trang trại trên cao này họ cũng dựng nhà trại để ở, xung quanh nhà là nương, vườn, chuồng nuôi gia súc gia cầm và ao nuôi thả cá.  Khác với trang trại chuyên sản xuất các loại nông sản hoàng hóa dưới vùng thấp, trang trại của người Mông nuôi trồng nhiều thứ cây, con nhưng số lượng không nhiều. Họ nuôi trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu lương thực, thực phầm và rau xanh hàng ngày của gia đình. Bởi nuôi trồng với số lượng hạn chế nên người Mông vùng cao chỉ bán các loại nông sản họ làm ra khi số lượng dôi dư nhiều hoặc khi họ thực sự cần thiết.
 
Không trồng trọt, chăn nuôi với mục đích sản xuất hàng hóa nên mọi thứ trên trang trại người Mông đều được nuôi trồng một cách tự nhiên. Trong các loại vật nuôi phổ biến ở các trang trại trên núi này, lợn vẫn là loại vật nuôi sinh sản với số lượng nhiều nhất.

Thịt lợn cùng với thịt gà loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng được đồng bào Mông tự sản xuất trên trạng trại. Đây cũng là loại thực phẩm thường được sử dụng trong các công việc của gia đình và của bản. Thịt lợn bản Mông có hương vị thơm ngon đặc trưng, là loại thực phẩm được người dân miền xuôi đặc biệt ưa chuộng.

1
Anh Lý A Sáo, bản Chan 2, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng chia sẻ về cuộc sống của đồng bào Mông trên vùng cao

 

 

Gia đình anh Lý A Sáo có đàn lợn tới 30 – 40 con lớn nhỏ. Tuy nhiên, ngày thường không mấy khi chúng về trại đầy đủ, bởi lợn ở đây được nuôi thả rông. Chúng thường sống trong rừng và trở thành những con vật nuôi bán hoang dã. Mùa sinh sản lợn mẹ vào rừng làm ổ đẻ trong rừng. Khoảng 1-2 tuần sau, khi lợn con đủ khỏe mạnh chúng sẽ tự theo lợn mẹ về nhà. Lợn bản Mông ăn cây, củ và quả dại trong rừng là chính.

Tuy nhiên, hàng ngày người chăn nuôi vẫn luôn cho lợn ăn đúng giờ để chúng nhớ bữa mà về nhà. Mỗi sáng sớm và chiều tối các chủ trại lại ra đầu nhà cất tiếng gọi gia súc về ăn. Quen nếp, cứ nghe tiếng gọi đàn lợn từ các ngả trong rừng lại kéo nhau về trại. Chúng được chủ trại cho ăn chút cám gạo trộn với cơm gạo đỏ và rau chuối rừng.

Riêng đàn lợn con được chủ cho ăn thêm sắn tươi nạo thành sợi. Lợn mẹ, lợn con ăn xong thung thăng ra suối uống nước rồi lại kéo nhau vào rừng hoặc tìm bãi cỏ hoang nô rỡn. Chúng thích cắn gãy những đám cỏ thấp làm ổ ngủ ngoài trời hơn ngủ trên nền đất trơ trọi. Trang trại của người Mông ở mãi trên cao không mấy người ra vào.

Các chủ trại trên cùng một khu chăn nuôi có quy ước, không được mang thực phẩm tươi sống từ vùng khác tới đây, nên đàn lợn được cách ly với bệnh dịch, chúng phát triển tương đối tốt. Cứ thế đàn lợn bản Mông sinh sôi, lớn lên cung cấp nguồn thực phẩm gần gũi và tự nhiên cho con người. Trong các món ăn từ thịt lợn của đồng bào Mông vùng cao, có món thịt lợn sữa được chế biến không cầu kì mà hương vị vẫn rất thơm ngon. 

1
Món ăn từ thịt lợn của đồng bào Mông vùng cao, có món thịt lợn sữa được chế biến không cầu kì mà hương vị vẫn rất thơm ngon.

 
Trong sinh hoạt hàng ngày người dân tộc Mông thường chế biến món ăn theo các cách đơn giản. Hương vị trong bữa cơm người Mông chính là hương vị thơm ngon của các loại thực phẩm được thiên nhiên nuôi dưỡng. Thịt lợn sữa thường được họ chế biến thành nhiều món, phổ biến nhất là món sườn non nướng và món thịt lợn sữa nấu canh bí đao.
      
Dân tộc Mông là một dân tộc cần cù. Để khắc phục điều kiện địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt nơi miền núi cao, họ đã không ngừng tìm kiếm các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển. Tích cực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuận theo tự nhiên là cách đồng bào Mông tạo ra các loại nông sản được coi là đặc sản của miền núi cao.

1
Bữa cơm gia đình của người Mông luôn giản dị mà đầm ấm

 

Bữa cơm gia đình của người Mông luôn giản dị mà đầm ấm. Những món ăn được nấu bởi các loại thực phẩm do tay họ tự nuôi trồng, làm cho bữa ăn của các gia đình nơi đây thêm đủ đầy. Món sườn lợn sữa nướng thơm và thịt lợn sữa nấu canh bí đao, là những món ăn sử dụng các loại thực phẩm được thiên nhiên miền núi cao ưu ái. Nuôi trồng thuận theo tự nhiên, sử dụng các loại thực phẩm thiên nhiên trong bữa ăn, chính là bí quyết cho người Mông sức khỏe và sự dẻo dai.
                                                                     

 

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.