Thơm hương xôi cốm trong tết cơm mới của người Lào ở Na Sang

Thứ Sáu, 09/11/2018, 16:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cũng như nhiều dân tộc anh em khác sống nơi vùng đất Tây Bắc, đời sống của cộng đồng dân tộc Lào từ xa xưa vẫn luôn dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính,  bởi vậy sau khi mùa màng đã thu hoạch xong cũng là dịp quan trọng để họ tổ chức Tết cơm mới. Và theo nghi thức truyền thống, vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng của ngày Tết này đó chính là xôi cốm, đây được xem là biểu tượng của mùa lúa mới cũng như thể hiện sự trân trọng biết ơn của người Lào đối với tổ tiên, trời đất đã đem đến cho họ một mùa màng tươi tốt và bội thu.

Cùng với Tết té nước Bun huột nặm, Căm bản căm mường thì Tết cơm mới được xem là một trong ba nghi lễ quan trọng nhất trong năm của người Lào nói chung và người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên nói riêng.

Có thể nói, hầu hết các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Điện Biên đều có những ngày tết của riêng mình, với những nét văn hóa ẩm thực độc đáo và đặc sắc, đồng bào dân tộc Lào ở Na Sang cũng vậy, dù lễ vật dâng cúng có giản dị hay cao sang bao nhiêu thì vẫn không thể thiếu được một lễ vật thiêng liêng đó chính là xôi cốm - biểu tượng của mùa lúa mới đồng thời còn là vật phẩm thể hiện sự trân trọng biết ơn của người Lào đối với tổ tiên, trời đất đã đem đến cho họ một mùa màng tươi tốt và bội thu.

1
Tật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng của ngày Tết này đó chính là xôi cốm

 

Mặc dù một năm có hai vụ lúa chính song vụ mùa thường được người Lào coi là vụ quan trọng nhất trong năm, vì vậy khi vụ lúa này vừa kết thúc cũng là thời điểm họ cùng nhau tổ chức Tết cơm mới. Để chuẩn bị cho ngày Tết này, ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, đồng bào dân tộc Lào tại Na Sang đã dừng hết mọi việc sản xuất, canh tác trên nương rẫy cũng như ngoài đồng ruộng để chuẩn bị củi đun cùng lương thực, thực phẩm, hoa quả ngon nhất làm đồ cúng cho ngày Tết cơm mới.

Theo nghi thức, việc cúng sẽ được thầy cúng thực hiện tại từng hộ gia đình, mâm lễ cúng ngoài thành phần bắt buộc là xôi cốm thì còn có một con gà cùng các vật phẩm khác không bắt buộc, do từng hộ tự chọn như: Hoa quả, bầu, bí, dưa, mía cùng một số nông sản khác mà gia chủ sản xuất và canh tác được trong một năm qua. Khi tất cả các đồ vật đã được bày biện một cách ngay ngắn, thầy cúng sẽ đọc lời khấn có nêu rõ những vật phẩm đang bày biện trong mâm để mời linh hồn các bậc tổ tiên về dự tết cùng con cháu.

Sau khi dâng cúng, xôi cốm sẽ được gia đình dùng để thiết đãi bạn bè, người thân, anh em họ hàng nếu họ đến chơi nhà hoặc đem gói trong lá dong dùng làm quà biếu để thắt chặt thêm tình đoàn kết trong thôn, bản.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy nên việc có được một ếp xôi cốm cũng không hề đơn giản. Bởi khác với loại cốm xanh non được chế biến từ loại lúa vừa chắt sữa, thì để có một ếp xôi cốm thơm hương trong ngày Tết cơm mới lại khác, đó là, khi bông lúa nếp vừa chín còn chưa đỏ đuôi người Lào sẽ đi gặt về rồi đập ra lấy thóc đem đồ lên cho nứt vỏ trấu sau đó phơi khô và tích trữ cẩn thận. Trước ngày Tết cơm mới diễn ra một hôm, họ sẽ đem thứ thóc nếp đã đồ này xát lấy gạo.
 
 Vì đã được đồ chín nên đối với gạo nấu xôi cốm thường không ngâm như gạo trắng bình thường mà người chế biến sẽ chỉ rưới nước cho âm ẩm và đảo thường xuyên cho các hạt gạo ngấm đều nước, ngâm như vậy trong khoảng thời gian từ 1-2 tiếng đồng hồ thì có thể đem đồ lên cho tứi khi chín là ăn được.

1
Nếu cốm non có màu xanh mướt thì xôi cốm lại có màu trắng đục cùng vị thơm ngon, béo ngậy rất đặc trưng

 
Nếu cốm non có màu xanh mướt thì xôi cốm lại có màu trắng đục cùng vị thơm ngon, béo ngậy rất đặc trưng. Xôi làm từ những bông lúa nếp vừa chín còn chưa đỏ đuôi nên hạt nhỏ và tròn lẳn chứ không thuôn dài. Xôi cốm không quan trọng là thứ gạo nếp nương hay nếp ruộng mà chỉ cần bất di bất dịch phải là của gia đình tự làm ra.

Xôi tượng trưng cho sự thơm tho của trời đất, cùng ước ý nghĩa báo cáo thành quả lao động và ước mong cho cuộc sống của người Lào luôn đủ đầy, vì vậy họ nhất định phải đem cúng thần linh, trời đất cùng ông bà, tổ tiên vào ngày Tết cơm mới.
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Lào cũng ngày càng được nâng lên. Song, không vì vậy mà họ thay thế xôi cốm bằng vật phẩm khác. Bởi thứ xôi này không chỉ gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp mà họ quan niệm rằng nhờ vật phẩm này các thần linh, tổ tiên cùng thiên nhiên vạn vật sẽ luôn đồng hành để tiếp cho họ sức mạnh trước vòng quay nối tiếp của những vụ mùa và người Lào cũng luôn hi vọng không chỉ năm tới mà thậm chí nhiều năm sau người người, nhà nhà trong cộng đồng của họ sẽ lại tiếp tục được có một mùa màng bội thu./.

 

 

 

Lý Như Quỳnh/DIENBIENTV.VN

.