Cách chế tác khèn của đồng bào Mông tỉnh Điện Biên

Thứ Bảy, 17/11/2018, 15:44 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Cây khèn là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Mông. Tiếng khèn cất lên trong những ngày hội xuân khiến cả núi rừng rạo rực. Tiếng khèn là sợi dây tâm linh đưa hồn người chết về với cõi thiêng. Với người Mông cây khèn không chỉ là nhạc cụ truyền thống độc đáo, mà còn là vật thiêng. Nghề chế tác khèn vì thế cũng trở thành nghề truyền thống quan trọng được người Mông nơi rẻo cao gìn giữ.

Cây khèn là nhạc cụ cổ truyền độc đáo không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống của đồng bào Mông. Người Mông gọi loại nhạc cụ này là “kềnh”. “Kềnh” là nhạc cụ thuộc bộ hơi thường được người Mông sử dụng trong các ngày hội vui, khi xuống chợ phiên và trong nghi lễ tang ma.

Ở Điện Biên khèn Mông được chế tác từ gỗ pơ mu và thân cây sặt – một loại trúc nhỏ mọc trên rừng. Ngoài ra, để trang trí và để cố kết thân khèn cho thật khít, các nghệ nhân còn dùng vỏ cây đào rừng, loại vỏ cây vừa rất dẻo vừa có màu sắc bền đẹp. Với phương pháp thủ công các thợ khèn địa phương phải mất rất nhiều công phu để có được những cây khèn vừa hay, vừa đẹp lai có độ bền cao.

1
Nghệ nhân Lý A Lệnh bản Chan 2 – xã Mường Đăng – huyện Mường Ảng không chỉ biết thổi khèn, múa khèn, mà còn tự chế tác được cây khèn Mông cổ truyền

 

Nghệ nhân Lý A Lệnh bản Chan 2 – xã Mường Đăng – huyện Mường Ảng không chỉ biết thổi khèn, múa khèn, mà còn tự chế tác được cây khèn Mông cổ truyền. Ông là một trong những thợ khèn giỏi của Điện Biên, người  vừa có đôi tay khéo léo, vừa có sự tỉ mỉ, kiên trì, lại biết thổi khèn và có khả năng thẩm âm rất tốt. Dãy núi trập trùng cao vút nơi nghệ nhân Lý A Lệnh sống được gọi là dãy pơ mu, bởi trước kia đây là xứ sở của loài cây pơ mu có nhựa thơm và có gỗ tốt vào bậc nhất trong các loài cây gỗ ở rừng này.

Cây pơ mu thường mọc ở vùng núi có độ cao từ 900m trở lên, còn các vùng núi thấp xung quanh đây là bạt ngàn những rừng tre trúc. Trong hàng chục loại tre trúc thường được người vùng cao sử dụng trong đời sống, thì cây sậy ống nhỏ mà dài là loại trúc làm ống khèn, ống sáo tốt nhất. Mỗi mùa khô đến ông Lý A Lệnh lại vào rừng tìm hai loại cây này.

Để có một cây khèn tốt, không bị nứt nẻ hay mối mọt, các loại vật liệu làm khèn phải được khai thác vào mùa khô. Chọn mùa lên núi theo hướng đi quen thuộc, thế nhưng đi cả ngày đường khó khăn lắm, ông Lý A Lệnh mới tìm được chút ít vật liệu để làm khèn.
 
Những chuyến luồn rừng lội suối đi tìm cây rừng để làm khèn thường rất vất vả, có khi phải đi nhiều ngày. Tuy vậy, ông Lý A Lệnh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ công việc này, vì đây là nghề truyền thống được tổ tiên người Mông truyền lại từ rất lâu đời.

Vật liệu sau khi lấy về được phơi khô. Để tăng độ bền cho ống khèn, cây sậy khô còn được gác lên gác bếp. Vật liệu làm khèn đã đủ, những buổi nông nhàn ông Lệnh lại cặm cụi với việc chế tác khèn. Đây là công việc đòi hỏi phải có sự khéo léo và tỉ mỉ, không phải ai cũng làm được và dễ dàng yêu thích công việc này. Bắt tay vào chế tác cây khèn dân tộc, công việc đầu tiên ông Lệnh thường làm là nấu đồng rèn lam.

Những lưỡi lam đồng nhỏ bé, mỏng mảnh mà rung ngân không phải là thứ sẵn có trên núi cao hay ngoài thị trường. Nghệ nhận chế tác khèn phải học nấu đồng và nắm chắc kỹ thuật tôi, rèn, cho ra các lá đồng có chất lượng tốt và có độ mỏng phù hợp với mục đích sử dụng. Cách nấu đồng truyền thống của các nghệ nhân người dân tộc Mông ở Điện Biên khá đơn giản mà thú vị. Họ cho các mảnh đồng vụn vào một chiếc chén sâu nặn bằng đất, đặt chén vào giữa bếp than đang cháy, tiếp tục chất than xung quanh và nung trong khoảng 1 giờ. Kiểm tra thấy đồng đã sôi, nghệ nhân bỏ vào chén đồng đang sôi một loại lá thuốc truyền thống. Đây là bí quyết để có được những lá đồng tốt.    
 
Người Mông sống trên những đỉnh núi xa xôi ngày nay vẫn sống đời sống bán tự cấp tự túc. Họ thích tự tay làm ra những vật dụng cần thiết phục vụ đời sống như cách tự nấu kim loại và rèn các đồ kim khí. Bộ dụng cụ làm khèn với các loại dao, đục, lưỡi bào, lưỡi lam đồng đều do nghệ nhân tự tay làm ra.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ vật liệu cho cây khèn, ông Lý A Lệnh mới bắt tay làm bầu khèn và các ống khèn. Vật liệu phơi khô được ông Lệnh xử lí bằng cách bổ, đẽo tạo thành hình bầu khèn. Sau khâu tạo hình, chiếc bầu khèn còn thô tiếp tục được bổ làm đôi theo dọc thớ gỗ. Nghệ nhân dùng một loại dao riêng để khoét ruột bầu. Khi khoét ruột xong, hai mảnh bầu khèn được ghép lại thật khít bằng các vòng dây nhỏ, nghệ nhân tiếp tục dùng lưỡi bào sắc bén để bào nhẵn và tạo hình phía bên ngoài của bầu khèn.
 
Thật ưng ý với chiếc khèn, nghệ nhân mới dùng vỏ cây đào rừng đo và quấn từng vòng quanh ống khèn, sao cho các vòng quấn chặt khít. Công đoạn tiếp theo để hoàn thành chiếc khèn sẽ là dùi lỗ cho bầu khèn và các ống khèn theo cách thức thủ công truyền thống bằng một thanh sắt tròn, có đầu nhọn được nung đỏ. Trên mỗi ống khèn đều có một lỗ âm và đều được gắn lam đồng. Cây khèn Mông có 6 ống như ống sáo, có độ dài ngắn khác nhau được cắm xuyên qua bầu.

1
Cây khèn là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Mông. Tiếng khèn cất lên trong những ngày hội xuân khiến cả núi rừng rạo rực

 

Mỗi ống sáo có một âm và có tên riêng. Khi thổi khèn, những ống sáo này cùng hòa tấu, tạo nên âm vang đa thanh, khi trầm, khi bổng. Theo truyền thuyết của người Mông xưa 6 ống khèn tượng trưng cho 6 anh em trong một gia đình. Khi 6 anh em cùng thổi sáo, ai cũng cảm thấy hay nhưng  thiếu đi một người tiếng sáo không còn hay nữa.

Để lúc bận rộn không tụ họp đủ 6 anh em nhưng vẫn có đủ 6 thanh âm bổng, trầm, réo rắt, họ đã cùng nhau sáng tạo nên cây khèn 6 ống. Các ống khèn được cố kết với nhau bởi hai vòng dây đào rừng, vừa tượng trưng cho tình anh em đoàn kết, vừa khiến cây khèn trở nên duyên dáng.

Cây khèn đã được hoàn thiện, để thổi khèn, trên đầu thuôn nhỏ của bầu khèn người ta nối thêm một ống trúc ngắn tạo thành ống thổi. Khi thổi khèn, người chơi khèn vừa thổi hơi làm lưỡi gà trên các ống khèn rung lên, vừa dùng tay bấm vào các lỗ trên từng ống sáo, tạo ra âm vang đa thanh.

Mùa hội xuân trên bản Mông không khi nào thiếu tiếng khèn. Khi vào hội khèn tấu lên những giai điệu bồng bềnh da diết. Tiếng khèn nhịp theo bước chân, rung ngân theo điệu múa của các nàng sơn nữ. Khèn cũng được sử dụng như một đạo cụ trong điệu múa mạnh mẽ của những chàng trai núi. Trên dãy pơ mu cây khèn dìu dịu mùi nhựa thơm còn tấu lên những giai điệu nhớ thương, nhớ về loài cây gỗ quý từng mọc thành rừng, rủ bóng bên những mái nhà người Mông thấp thoáng trong sương mây./.


                                                                               

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN
 
 

.