Sống nơi đỉnh trời

Chủ Nhật, 14/10/2018, 08:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Người Mông chọn cho mình những đỉnh núi cao, những miền rừng thẳm để sinh sống. Bởi họ yêu cuộc sống giản dị mà phóng khoáng bên một thiên nhiên trong lành, thơ mộng nhưng cũng không kém phần kì vĩ và dữ dội.  Đến với xứ sở người Mông hẳn bạn sẽ nhớ tâm hồn phóng khoáng, sự hồn hậu và gần gũi của những người sống nơi đỉnh trời.  

Người Mông đến định cư ở huyện Mường Ảng không biết từ bao giờ. Bản làng của họ ở mãi trên những đỉnh núi cao quanh năm lồng lộng mây trời và gió núi. Lần này chúng tôi lại tới bản Mông, một bản nhỏ chót vót trên núi cao, sau con đường mòn uốn lượn trên lưng núi. Bởi ở cao và xa, lại chưa có đường ô tô nên bản Mông vẫn như một miền đất lạ thôi thúc sự tò mò khám phá của chúng tôi.

1
Một góc bản Chăn 2 xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên)

 

Theo cán bộ văn hóa xã Mường Đăng lên bản Chăn 2, dù biết trước đường lên núi là con đường thử thách tay lái, nhưng những đoạn lầy, dốc đá, những khúc cua tay áo chênh vênh bên mép vực vẫn làm chúng tôi toát mồ hôi.
 
Nghỉ chân nơi mây trời lồng lộng sau một giờ đồng hồ vật lộn với đường, chúng tôi được chàng trai Mông Lý A Sáo chia sẻ về con đường “ngon” nhất lên bản Mông, đó chính là con đường  chúng tôi vừa mới đi qua.

Luôn thích sống trên cao nơi có khoảng không gian riêng, nhưng cộng đồng người Mông ngày nay cũng không thể sống biệt lập với nhịp sống xung quanh. Một con đường để xe cộ, người lớn, trẻ em và cả gia súc, gia cầm xuống núi; một con đường để những người anh em quý mến đến với bản Mông là cái họ thực sự cần thiết, nên khi Nhà nước chưa kịp mở đường to thì người Mông bản Chăn 2, xã Mường Đăng đã tự mở đường.

Con đường này xe máy chỉ có thể đi lại lúc khô ráo, nhưng nó cũng giúp trẻ em bản Mông xuống trường học dễ dàng hơn. Con đường cũng giúp đàn gia súc, gia cầm từ những trang trại trên núi cao theo đồng bào xuống chợ. Con đường này là cả sự đoàn kết, cố gắng, đồng lòng, chung sức của các hộ dân bản Chăn 2.

Bản Chăn 2 có 60 nóc nhà ẩn hiện trong những cụm rừng thưa. Trên đỉnh cao nhất là khu trang trại của người dân trong bản. Ngày thường dân bản không mấy khi ở nhà mà hầu hết đều sống trên trang trại. Trang trại chung của bản là nơi chăn thả gia súc, gia cầm khuất trong rừng thưa, mây mù. Đó là môi trường tự nhiên nuôi sống đàn trâu, bò hàng trăm con của những người chủ trại giàu có mà thảnh thơi. Người Mông thích ở trên cao, nơi có rừng rú, nương đồi, đồng cỏ.

Trước đây họ sống bằng hạt ngô, hạt lúa gieo trên nương và con thú săn trong rừng. Nhưng rừng mất đi ngày một nhiều, thực phẩm trong tự nhiên đã trở nên khan hiếm, giờ đây người Mông phải tự tay mình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao nuôi cá. Tuy vậy, sự nuôi trồng của họ hết sức tự nhiên. Trâu, bò, dê, lợn họ thả lên núi, khi nào cần mới gọi chúng về. Gà, cá, họ nuôi trong vườn và dưới ao, khi muốn ăn là sẵn có.

1
Ông Lý A Lệnh là một trong những chủ trại có số lượng trâu, bò, dê, lợn nhiều nhất bản Chăn 2 xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên)

 

Ông Lý A Lệnh là một trong những chủ trại có số lượng trâu, bò, dê, lợn nhiều nhất bản. Đàn gia súc lớn, nhỏ của ông giờ có tới hàng trăm con. Trâu, bò, dê, ông thường thả trên rừng, chỉ mùa cày nương hay lúc cần bán đi một, hai con cho con cháu đi học ông mới tìm chúng về.

Ông Lệnh cũng nổi tiếng đất Mường Ảng trong việc thuần dưỡng loài lợn rừng và lai tạo ra thế hệ lợn lai F1, chất lượng thịt ngon như thịt lợn rừng. Ông rất tự hào giới thiệu với chúng tôi “anh chàng tuyệt vời” ông may mắn có được trong một trận cháy rừng. Chạy trốn đám cháy, chàng lợn rừng này đã lạc vào nương của gia đình ông Lý A Lệnh. Ông đem nó về thuần dưỡng, cho lai với lợn nhà. Ở với ông Lệnh nhiều năm, giờ “anh chàng này” đã khá quen với cái cũi và nó còn biết nghe ông sai bảo.

Cuộc sống ở nơi đỉnh trời thật trong lành. Thiên nhiên và con người ở đây như luôn giao hòa. Lợn rừng, gà rừng về ở với người như những người bạn. Ông Lệnh trò chuyện với chúng, chúng vui vẻ líu lo họa lại. Sống hòa mình với thiên nhiên, được thiên nhiên trong lành nuôi dưỡng, khiến tâm hồn con người nơi đây thêm phóng khoáng, hồn hậu.

1
Ông Lý A Lệnh - bản Chăn 2 xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên), chăm sóc con lợn rừng thuần nuôi tại gia đình để lai tạo ra thế hệ lợn lai F1, chất lượng thịt ngon như thịt lợn rừng.

 

Người Mông trên núi cao không chỉ biết làm nương, chăn nuôi và vui với thiên nhiên quanh mình, họ cũng là những người có tâm hồn nghệ sĩ. Những người đàn ông và những chàng trai trẻ sống trên núi, thực sự là những người nghệ sĩ của núi rừng khi họ tạm gác công việc để vui với cây khèn, cây sáo. Khèn Mông, sáo Mông như người bạn tâm tình của người Mông lúc vui cũng như khi buồn.

Ông Lý A Lệnh và các con trai của ông thường tự làm khèn, làm sáo để thổi trong lúc rảnh rỗi hoặc để dùng trong các dịp cần thiết của bản làng. Mỗi khi tiếng khèn, tiếng sáo cất lên, những âm điệu bổng, trầm, da diết của chúng như xua đi sự quạnh quẽ của cuộc sống chốn non cao. Trai gái bản Mông yêu nhau cũng từ tiếng khèn, tiếng sáo.

1
Ông Lý A Lệnh bản Chăn 2 xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên) thường tự làm khèn, làm sáo để thổi trong lúc rảnh rỗi hoặc để dùng trong các dịp cần thiết của bản làng

 

Theo tập quán của dân tộc, các chàng trai, cô gái người Mông tự do kén chọn bạn đời. Các cô gái Mông thích những chàng trai biết khèn hay, sáo giỏi. Bởi vậy các chàng trai Mông thường dùng tiếng khèn, tiếng sáo để thổ lộ tâm tình yêu thương với người con gái họ yêu mến. Tình yêu của họ giản dị, trong lành vậy thôi và khi đã yêu họ sẵn sàng theo nhau đi cùng trời, cuối đất.
 
Mùa xuân là mùa rộn ràng nhất nơi bản Mông. Khi lúa, ngô trên nương đã theo người về nhà, khắp núi đồi chỉ còn màu hanh vàng của gốc rạ và cỏ tranh, là khi bản Mông bước vào mùa Tết. Tết của người Mông thường được tổ chức vào cuối tháng 12, đầu tháng 1 dương lịch.

Trong những ngày tết, bà con dân bản tập trung trên một khoảng đất trống và rộng rãi giữa bản để vui chơi, ném pao, múa khèn, ca hát. Đây là dịp để bà con dân bản gặp gỡ, giao lưu, là nơi để trai gái quen nhau, chuyện trò, yêu thương, hò hẹn.

Tết là dịp mà bản Mông đông vui, nhộn nhịp và rực rỡ màu sắc nhất. Tết của người Mông với tiếng khèn, tiếng sáo chơi vơi, với âm vang lời ca Gầu Plềnh da diết; với ánh mắt long lanh, tình tứ của các sơn nữ gửi gắm trong trò chơi ném pao, đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt cho bao văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc núi rừng.

1
Người Mông cũng luôn tìm được cách thích nghi với sự vận động của thiên nhiên ở chốn gần trời cao

 

Xứ sở người Mông dù xa xôi, khuất nẻo, nhưng lại luôn có sức cuốn hút mãnh liệt bởi sự trong lành, khoáng đạt của thiên nhiên và của cả hồn người. Cuộc sống phần lớn nương vào tự nhiên và thiên nhiên đã tôi rèn cho người Mông ý chí tự lực kiên cường.

Người Mông cũng luôn tìm được cách thích nghi với sự vận động của thiên nhiên ở chốn gần trời cao. Tự nhiên, mộc mạc, hồn hậu, nhưng lại có sức vươn lên mạnh mẽ với cá tính quyết liệt, đó là bản lĩnh sống được hun đúc qua nhiều thế hệ của một cộng đồng người sống nơi đỉnh trời. Nơi nhiều nắng, nhiều gió, sương mù và giá lạnh, nhưng cũng là nơi mà con người sống gần gũi hòa mình với tự nhiên./.

                                                                                

 

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.