Trò chơi dân gian trong Lễ hội của đồng bào dân tộc Điện Biên

Thứ Bảy, 15/09/2018, 16:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đã thành thông lệ, từ nhiều năm gần đây, cùng với các lễ hội truyền thống thì  vào ngày Tết Độc lập mùng 2/9 hàng năm, đồng bào các dân tộc Điện Biên lại cùng nhau tụ họp để gặp gỡ, giao lưu và tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống. Hoạt động này, không chỉ góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc mà còn là dịp để quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Điện Biên - vùng đất lưu giữ nhiều giá vị văn hóa độc đáo, giàu bản sắc tộc.
 
Phong tục của đa số đồng bào các dân tộc Điện Biên đó là hàng năm họ đều có những ngày Tết truyền thống riêng biệt và độc đáo của dân tộc mình như: Người Hà Nhì có Tết Hồ Sự Chà, người Cống tổ chức Tết Hoa, người Mông có tết Nào Pê Chầu, người Lào có Tết té nước và rất nhiều các ngày Tết truyền thống của các dân tộc khác.

Và đặc biệt là ngày Tết độc lập 2/9, đồng bào các dân tộc Điện Biên từ vùng cao đến vùng thấp trong trang phục đủ màu sắc mang bản sắc văn hóa rất riêng nô nức hội tụ tham gia các hoạt động dân ca, dân nhạc, dân vũ và nhất là các trò chơi dân gian độc đáo chính là yếu tố quan trọng góp phần làm nên dấu ấn của ngày Tết độc lập tại Điện Biên.

1
Trò chơi Tó má lẹ, trò chơi đặc trưng của Phụ nữ dân tộc Thái

 

Năm nay mặc dù thời tiết trước, trong và sau ngày Tết độc lập 2/9 liên tục có mưa song như thường lệ, đồng bào vẫn cùng nhau tụ họp về sân Quảng trường 7/5, Thành phố Điện Biên Phủ để cùng giao lưu, gặp gỡ, chung vui trong các trò chơi dân gian truyền thống như: Pa pao, tó má lẹ, tung còn hay bịt mắt bắt vịt...

Có thể nói, từ xa xưa đến nay, trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của người Thái, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội cũng không thể thiếu các trò chơi dân gian như tó má lẹ, đi cà kheo, đẩy gậy và đặc biệt là trò chơi tung còn.

Đây là trò chơi thu hút đông đảo mọi người tham gia với hình thức khá đơn giản đó là một bên nam, một bên nữ hay mỗi bên có cả nam và nữ đứng về hai phía của cây còn với khoảng cách chừng 4-5m, sau đó từng đôi sẽ tung còn qua vòng tròn gắn trên cây, người bên này tung, người bên kia bắt rồi lại tung trở lại, cứ như vậy cuộc tranh tài diễn ra sôi nổi hào hứng.

Hình thức chơi tuy không khó, song đòi hỏi phải khéo léo, tài tình, nhẹ nhàng khi tung, khi bắt thì mới có thể tung quả còn một cách chính xác. Đồng thời tung còn đòi hỏi người chơi phải kết hợp các động tác toàn thân, cùng tinh thần sảng khoái và trên hết là thể hiện tinh thần đoàn kết, vui vẻ trong cộng đồng.

Ngoài trò chơi tung còn, người Thái còn có một trò chơi khác cũng hết sức độc đáo đó là tó má lẹ. Theo tiếng Thái, tó nghĩa là chơi hoặc đánh, còn má lẹ là tên một loại quả được lấy từ một loài dây leo trong rừng, có hình dẹt, vỏ cứng, to bằng 3 - 4 ngón tay, có màu nâu đậm, đường kính từ 4 cm, dày 1cm trở lên, hạt chắc và nặng. Cách chơi tó má lẹ cũng khá đơn giản nên tất cả mọi người đều có thể tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là phụ nữ. Để chơi tó má lẹ tối thiểu cũng cần có 2 người hoặc 2 đội chơi. Thông thường người chơi, đội chơi càng đông thì càng vui.

1
Trò chơi tung còn

 
Nếu tung còn hay tó má lẹ là trò chơi ưa thích của người Thái thì pao chính là trò chơi không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông. Pao hay pa pao được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các cô gái Mông, quả pao tròn, được khâu nối từ những mảnh vải nhiều màu, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh, hạt kê, vải vụn hoặc bông vải. Quả pao khá nhẹ, vừa đủ để người chơi ném đi và đón lại một cách nhẹ nhàng, êm ái.

Sân chơi pao cũng không nhất thiết phải bằng phẳng mà chỉ cần một khoảng trống đủ rộng là có thể cùng nhau vui chơi quên thời gian. Trò chơi này phù hợp với nhiều người ở các độ tuổi khác nhau, song thu hút đối tượng chơi hơn cả là những chàng trai, cô gái ở độ tuổi trưởng thành.    

Chơi pao khá đơn giản, dù là đối với người mới chơi lần đầu, thì chỉ cần chia thành một hàng nam, một hàng nữ hoặc nam nữ đan xen, đứng quay mặt vào nhau, khoảng cách vừa đủ, số lượng pao tương ứng với từng cặp, sau đó người chơi chỉ cần tung quả pao cho người đứng hàng đối diện với mình.

Theo phong tục của người Mông, chơi pao là dịp để cô gái, chàng trai đang tuổi xuân trao cho nhau ánh mắt, nụ cười. Chàng trai thầm yêu cô gái nào có thể giữ lại quả pao của người đó để làm tin, sau ngày vui chàng sẽ đến tìm nàng để thổ lộ tình yêu, khi tâm đầu hợp ý thì cả hai sẽ cùng nhau hẹn hò, nên duyên.

Vào ngày Tết độc lập như thế này, có thể dễ dàng nhận thấy, dù cuộc sống phát triển nhưng các trò chơi dân gian vẫn chiếm một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông vì vậy không chỉ những người lớn tuổi, các chàng trai, cô gái đến tuổi trưởng thành mà ở thế hệ trẻ hôm nay cũng chơi pao rất thành thạo.
 
Bên cạnh các trò chơi mang tính đặc thù của từng dân tộc, thì trò chơi bịt mắt bắt vịt lại là trò chơi thể hiện sự hài hước, mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái và thu hút được đông đảo người xem, đồng thời đây cũng là trò chơi thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các dân tộc.

Trò bịt mắt bắt vịt là một trò chơi khá phổ biến ở hầu hết các địa phương, người chơi và người xem chỉ cần tập trung tại sân rộng có quây thành vòng tròn hoặc vuông. Tiếp đó, ban tổ chức sẽ chọn những con vịt to, khỏe để chúng có thể chạy và bay nhanh. Rồi từ hai đến ba người chơi lần lượt bị bịt chặt mắt và đưa vào khu vực đã quây sẵn, người bắt vịt cứ theo tiếng vịt kêu mà chạy theo, khi con vịt bị bắt thì cũng là lúc cuộc chơi kết thúc, những người khác lại tiếp tục thay nhau vào chơi. Đội  nào có thời gian hoàn thành trò chơi nhanh hơn thì giành phần thắng.
 
Hiện nay, do nhiều yếu tố khách quan đã và đang khiến cho các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và các môn thể thao, trò chơi dân gian nói riêng có  nguy cơ bị mai một, thay vào đó là các trò chơi, giải trí mang tính hiện đại.

1
Trò chơi Tù lu của đồng bào dân tộc Mông

 

Tuy nhiên, trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên các trò chơi dân gian vẫn chiếm một vị trí nhất định, nó như một dòng chảy len lỏi qua những nếp nhà đơn sơ, đượm hương rừng. Và trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc thiểu số, mỗi trò chơi tuy có ý nghĩa, cách chơi khác nhau nhưng tựu chung đều xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hằng ngày của đồng bào và phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, cũng như tăng cường tình đoàn kết cộng đồng.

Và cuộc vui nào rồi cũng đến lúc chia tay, mọi người ra về nhưng không quên trao nhau lời hẹn gặp lại ở dịp Tết Độc lập năm tới. Để từ đây, các giá trị văn hóa truyền thống và trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc Điện Biên sẽ tiếp tục có điều kiện được gìn giữ, khơi nguồn và cùng hòa nhập vào sự phát triển chung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

 

 

 

Lý Như Quỳnh/DIEBIENTV.VN

.