Nghệ nhân Quàng Văn Hom và cây pí Thái

Chủ Nhật, 23/09/2018, 15:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nói về âm nhạc dân tộc ở Điện Biên, không thể không nói tới những nhạc cụ dân gian độc đáo, trong đó có cây pí của đồng bào Thái. Với âm thanh giản dị nhưng cũng không kém phần ngân nga, réo rắt, cây pí đã giúp người Thái nói lên tình cảm, tâm hồn dân tộc. 

Pí là một loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Thái. Đó là loại nhạc cụ thuộc bộ hơi, được làm từ các loại trúc mọc trong vườn, trên nương, đồi và trong các khu rừng, nơi đồng bào Thái thường sinh sống. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái đen Điện Biên, cây pí có vai trò quan trọng. 

Pí cùng những chàng trai bản Thái lớn lên. Pí theo họ vượt núi đồi tìm người thương. Pí vào rừng cùng người thợ săn tìm con nai, con hoẵng. Pí theo thầy mo lên trời hát gọi hồn người đang bay lạc nơi cõi xa xôi. Pí cũng đưa hồn người chết về với cõi Then. Vì vậy, với đồng bào Thái đen Điện Biên, cây pí không chỉ thể hiện tiếng hát tâm tình, mà còn là vật thiêng trong tín ngưỡng dân gian.

1
Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái đen Điện Biên, cây pí có vai trò quan trọng. 

 

Người Thái đen Điện Biên biết sử dụng và chế tác nhiều loại pí khác nhau. Mỗi loại pí có số nốt âm, độ dài ngắn và âm thanh được biến tấu khác nhau. Nghệ nhân Quàng Văn Hom, ở bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên đã gắn bó với cây pí dân tộc hơn 50 năm nay. Ông vừa biết thổi nhiều điệu pí hay, lại vừa biết chế tác các loại pí theo kinh nghiệm truyền thống dân gian. Quanh nhà ông trồng nhiều loại tre, trúc, trong đó có các loại trúc đặc biệt chuyên dùng chế tác các loại pí dân tộc.
        
Người Thái đen Điện Biên thường dùng 5 loại pí khác nhau: Pí lao nọi, pí tăm lay, pí pặp, pí lao luồng, pí pêu. Mỗi loại pí này lại được sử dụng trong các trường hợp khác nhau. Có loại pí dùng thể hiện tâm tình, có loại pí dùng trong lao động, lại có loại pí dùng thực hiện các nghi thức tín ngưỡng. Say mê các điệu pí dân tộc, từ khi còn trẻ ông Quàng Văn Hom đã học thổi và chế tác được 5 loại pí phổ biến trong vùng và cả các các loại sáo, pí của các vùng lân cận, như pí đôi của người Thái trắng, sáo Mông của đồng bào Mông vùng cao.

Theo ông mỗi loại pí có âm điệu khác nhau, dùng thể hiện những tình cảm, những câu chuyện khác nhau, nên phải lựa chọn những loại trúc khác nhau để chế tác cho phù hợp. Pí lao nọi, pí tăm lay, pí pặp, pí pêu ống nhỏ, âm thanh réo rắt, thường được chế tác từ các ống cây sậy khô. Pí lao luồng có âm thanh sè sè, dùng trong các nghi lễ gọi hồn, tiễn hồn, thường được chế tác từ những ống nứa nhỏ mọc trên các đỉnh đồi đất khô cằn.

Theo ông Hom, pí càng nhiều nốt thì âm điệu càng phong phú. Pí pêu chỉ có một nốt, âm thanh thảng thốt như tiếng hoẵng con gọi mẹ. Pí lao nọi có 6 nốt, âm thanh réo rắt, vui tươi. Pí tăm lay có 2 nốt đi cùng cặp với pí pặp có 5 nốt, âm thanh ngân nga, luyến láy. Pí lao luồng âm thanh sè sè. Trong các loại pí thì pí lao luồng là loại pí được chế tác tỉ mỉ hơn cả. Pí lao luồng có 7 nốt. Khi chế tác, ngoài việc chọn nứa, đục lỗ, gắn lam, pí lao luồng còn có một bộ phận giống như chiếc loa làm rè âm. Đó là một lỗ nằm gần cuối ống sáo, được vít sáp ong và dán giấy tre gai, bên ngoài có mảnh thiếc được gắn vào để bảo vệ loa.

Âm thanh của các loại pí hay hoặc  không hay, phụ thuộc vào hai yếu tố là ống trúc và quan trọng hơn cả là tài chế tác của nghệ nhân. Ống trúc phải khô, có độ dày vừa phải, được khai thác vào mùa khô. Chế tác pí phải chú ý dến việc tạo lam. Lưỡi lam càng mỏng thì tiếng pí càng trong. Từng thổi các loại pí khác nhau, ông Quàng Văn Hom nắm rõ đặc điểm, cách sử dụng và cả tục kiêng kị của từng loại pí.
                
Với âm thanh đa dạng, khi réo rắt vui tươi, khi dìu dặt, trầm buồn, tiếng pí đã diễn tả được nhiều cung bậc tình cảm của con người. Khi thể hiện những điệu nhạc về tình yêu tha thiết hay ngang trái, tiếng pí có thể làm cho người ta thổn thức. Khi tiếng pí cất lên theo lời hát trường ca của thầy mo, người ta thấy pí thủ thỉ như đang kể chuyện.

1
Nghệ nhân Quàng Văn Hom, ở bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên đã gắn bó với cây pí dân tộc hơn 50 năm nay

 

Với các chàng trai dân tộc Thái, pí như người bạn, còn với các cô gái Thái, tiếng pí là âm thanh giúp họ tìm được người trong mộng. Ngoài việc sử dụng pí trong nhiều giai đoạn cuộc đời, người dân bản Thái cũng thường thổi pí trong các sinh hoạt cộng đồng. Họ dùng pí khi gặp gỡ, hàn huyên. Họ cũng đệm cho các bài dân ca quen thuộc trong các buổi tiệc tùng, hội họp.

Ngày nay nhu cầu giao lưu, giải trí, thưởng thức âm nhạc của lớp trẻ được thỏa mãn bởi sự phát triển của nhiều loại hình thông tin giải trí khác nhau, nên lớp thanh niên bản Thái thế hệ mới nhiều người không còn biết sử dụng cây pí cổ truyền. Để nét văn hóa cổ truyền của dân tộc không bị mai một, những nghệ nhân dân gian yêu cây pí nói riêng và yêu văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái nói chung, đã và đang nỗ lực tìm mọi cách để gìn giữ và truyền lại những nét văn hóa độc đáo này.

Nghệ nhân Quàng Văn Hom cùng với các nghệ nhân gạo cội thường xuyên tham gia các câu lạc bộ, các lớp tập huấn dân ca, dân nhạc dân tộc. Tới các câu lạc bộ này, ông vừa được gặp gỡ giao lưu với các nghệ nhân nhiều thế hệ, vừa vận động lớp trẻ tham gia học tập những nét văn hóa cổ truyền. Mong muốn thiết tha nhất của ông là tìm được thế hệ kế tục để trao truyền vốn cổ.

Quả thực các câu lạc bộ văn nghệ dân gian và những lớp tập huấn như chúng ta đang thấy, đã tạo ra không chỉ một sân chơi cho các nghệ nhân. Đây còn là nơi để họ tìm ra những người kế tục, gìn giữ những giá trị truyền thống. Các điệu pí dân tộc Thái không chỉ được lớp người đi trước yêu và gìn giữ. Ngày nay lớp trẻ cũng rất yêu mến các làn điệu này. Họ cảm nhận được tâm hồn, tình cảm của mình trong ấy.
    
Văn hóa dân gian giàu bản sắc chính là giá trị riêng có để mỗi dân tộc khẳng định sự tồn tại của mình với các dân tộc xung quanh, cũng như với nhân loại. Các điệu pí đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của âm nhạc dân gian dân tộc Thái. Đó là một trong các giá trị truyền thống cần gìn giữ. Khi thế hệ trẻ dân tộc Thái cảm nhận được cái hay, cái đẹp, đồng thời muốn học hỏi và gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, có nghĩa là sức mạnh nội sinh của dân tộc ấy đang tiếp tục được hun đúc, để đồng bào Thái cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức tiếp tục khẳng định mình trên chặng đường đi tới.
                                                               

 

 

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.