Nghệ thuật chế tác khèn Mông nơi cao nguyên đá Tủa Chùa

Thứ Năm, 30/08/2018, 16:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiếng khèn từ lâu đã ngấm sâu vào máu thịt người Mông, con trai Mông từ 13 tuổi đã có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Âm thanh của khèn không chỉ là tình cảm, nồng ấm, gần gũi mà còn thể hiện sự mạnh mẽ, gan góc như chính cuộc sống của người Mông nơi núi cao, đá dựng. Có lẽ chính vì vậy, mà trải qua biết bao cuộc thiên di, người Mông không chỉ gìn giữ tiếng khèn mà còn lưu truyền cách chế tác, để loại nhạc khí và cũng là đạo cụ trình diễn này có cơ hội sinh tồn mãi mãi.
 
Cách thành phố Điện Biên Phủ gần 130km về phía Đông Bắc là cao nguyên đá Tủa Chùa và ấn tượng về vùng đất này đó chính là vẻ đẹp hút hồn của thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, cùng sức sống mãnh liệt, hài hòa của con người nơi đây. Đặc biệt, từ lâu, Tủa Chùa vẫn luôn gìn giữ cho mình nhiều bản sắc dân tộc hết sức độc đáo, trong đó tiêu biểu là văn hóa của người dân tộc Mông.

1
Khèn Mông chính là loại nhạc cụ ẩn chứa dấu tích lịch sử của cả tộc người, vì lẽ đó, dù trải qua những tháng năm lịch sử, người Mông không chỉ lưu truyền những làn điệu khèn mà họ vẫn luôn có những nghệ nhân chế tác khéo léo.

 

Chiếm gần 70% dân số đang sinh sống tại Tủa Chùa, bởi vậy văn hóa tinh thần của người Mông nơi đây khá phong phú và độc đáo, mang đậm bản sắc tộc người và dường như ít bị pha tạp, ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác. Từ các loại hình dân ca, dân vũ, lễ hội, trò chơi dân gian đến âm nhạc và nhạc cụ của người Mông đều thể hiện những nét đặc trưng riêng biệt.

Có thể nói, trong xã hội cổ truyền và hiện tại, người Mông luôn gắn bó và say đắm với nền văn hóa dân gian độc đáo của mình, nhất là âm nhạc. Thông qua các loại nhạc cụ, người Mông gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình với bạn bè, cộng đồng và giao hòa với thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ. Vì thế đã là người Mông thì chàng trai nào cũng biết dùng một loại nhạc cụ của dân tộc mình.

Người Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: Khèn, nhị, sáo, đàn môi, khèn lá, trống và mỗi loại nhạc cụ lại biểu thị một dạng âm thanh rất đặc trưng, trong đó nổi trội, độc đáo, cũng như thể hiện rõ bản sắc tộc người hơn cả, đó chính là khèn.
 
Khèn Mông chính là loại nhạc cụ ẩn chứa dấu tích lịch sử của cả tộc người, vì lẽ đó, dù trải qua những tháng năm lịch sử, người Mông không chỉ lưu truyền những làn điệu khèn mà họ vẫn luôn có những nghệ nhân chế tác khéo léo.

Năm nay đã gần 90 tuổi, ở cái tuổi xế chiều, sức khỏe cũng đã yếu, nên cụ Giàng A Sử, bản Huổi Lếch, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa đã không thể tự mình chế tác những chiếc khèn, mặc dù trước đó, cụ là nghệ nhân thổi khèn, múa và chế tác loại nhạc khí có tiếng khắp vùng. Dẫu vậy, cụ Sử đã có thể yên tâm khi người con trai là Giàng A Khay vẫn ngày ngày say sưa chế tác để tạo ra những chiếc khèn có âm thanh mê hoặc lòng người.

Khèn Mông vốn là loại nhạc khí hơi có từ rất lâu đời, khèn gồm 6 ống khí bằng trúc, trong ống khí có lưỡi gà bằng đồng, gắn với bầu khèn bằng gỗ pơ mu. Trúc để làm khèn và mọc ở những vùng núi cao như Tủa Chùa cũng có những điểm khác với tre, trúc mọc ở nơi khác như thân nhỏ, dóng dài, mọc chen chúc và cong cong duyên dáng hơn.

Người Mông còn gọi loại trúc này với cái tên khác là tre khèn. Khi ghép vào bầu khèn, các dóng trúc được sắp xếp theo thang, bậc để tiếng khèn khi cất lên có thể cảm nhận được âm thanh "chảy" trong lòng trúc, quyện với bầu pơ mu thơm và quý. Không chỉ là nhạc khí, khèn Mông còn là đạo cụ múa, nên người chế tác cũng phải uốn trúc, tạo dáng khèn phù hợp với dáng khum người múa khi quay, nhảy, xoay hay lộn để thể hiện tính độc đáo ở khèn.

1
Ông Giàng A Khay-bản Huổi Lếch, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa đang chế tác Khèn

 

 Tiếng khèn cùng lúc có thể phát ra nhiều tầng âm, nhiều bè vang xa, trầm hùng như tiếng gió đại ngàn, suối reo, chim kêu, vượn hót. Thậm chí khi thổi hay hít vào, bịt lỗ hay mở ra khèn đều tạo được âm thanh. Song, để làm được một cây khèn như vậy đòi hỏi người chế tác khèn phải "hội tụ" rất nhiều yêu cầu khắt khe. Từ việc thu thập các nguyên liệu như: Vỏ cây đào rừng để làm dây cuốn, chọn bầu gỗ pơ mu, đến tìm từng ống trúc.

Bên cạnh đó, các công đoạn làm khèn đều thủ công nên đòi hỏi người chế tác phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận và nhất là phải thực sự có tình yêu đối với cây khèn. Không chỉ vậy, theo kinh nghiệm làm khèn Mông thì để có được chiếc khèn tạo ra thứ âm thanh đặc trưng, truyền thống đòi hỏi người nghệ nhân phải có nhiều năm thể nghiệm, phải có đôi tai thẩm âm chuẩn và phải nghiêm túc trong từng công đoạn. Có lẽ chính cái khó của việc làm chủ kỹ thuật chế tác khèn Mông nên trong số 4 người anh em trong gia đình chỉ có duy nhất Giàng A Khay có thể học và theo được nghề.

Cây khèn đầu tiên Giàng A Khay tự tay làm là khi tròn 15 tuổi. Được cha truyền lại kỹ thuật làm khèn và với sự say mê, Giàng A Khay đã học, làm thử và tự chế tác thành công một chiếc khèn hoàn chỉnh cho riêng mình. Đến nay, sau 20 năm miệt mài duy trì việc chế tác khèn, mỗi năm, từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của chàng trai người Mông này, đã có hàng trăm chiếc khèn Mông với đủ mọi kích cỡ được chế tác và đưa vào sử dụng. Tuy cũng phụ thuộc vào độ ngắn dài song mỗi cây khèn đều có giá dao động từ 2,5  đến 3 triệu đồng.

1
khèn không chỉ theo người Mông trong ngày lễ hội, chơi xuân mà còn làm bạn theo chân người thường ngày đi lên nương lên rẫy.

 
Có thể nói, khèn trên tay chàng trai người Mông vừa là nhạc cụ đồng thời còn là đạo cụ để trổ tài, vì vậy khèn không chỉ có âm chuẩn mà còn phải đảm bảo bảo tính thẩm mỹ. Để mỗi khi tiếng khèn cất lên hòa theo các điệu múa thì người nghe, người xem có thể cảm nhận được tài năng, sức mạnh, sự đam mê, nồng nhiệt của người sử dụng khèn. Bên cạnh đó, khèn không chỉ theo người Mông trong ngày lễ hội, chơi xuân mà còn làm bạn theo chân người thường ngày đi lên nương lên rẫy.

Thường ngày, những chàng trai, cô gái Mông cần mẫn, miệt mài đổ mồ hôi trên những dãy núi đá. Mỗi khi tiếng khèn cất lên trong lúc thanh nhàn dường như hòa vào không gian và xua đi sự nhọc nhằn. Đặc biệt, những cô gái người Mông khi bước vào độ tuổi trăng tròn đã biết lắng nghe tiếng khèn trao duyên, vì thế ngoài việc giỏi làm nương, phát rẫy, thông thạo nhiều việc thì những chàng trai người Mông nếu biết thổi khèn hay, múa khèn giỏi sẽ có được những ánh mắt say đắm, thán phục của biết bao cô gái và sự ngợi khen của mọi người. Có lẽ chính vì vậy mà dù trải qua biết bao cuộc thiên di, người Mông vẫn luôn gìn giữ tiếng khèn cũng như lưu truyền cách chế tác, để loại nhạc khí và cũng là đạo cụ trình diễn này có cơ hội sinh tồn mãi mãi.
 
Có thể nói, nếu người khèn hay được mọi người ngưỡng mộ thì người chế tác khèn giỏi cũng luôn được cộng đồng quý trọng, tôn vinh. Dù cuộc sống hiện nay, người biết sử dụng khèn, làm khèn ít đi, người múa khèn giỏi thổi khèn hay cũng không nhiều, song không vì thế mà cây khèn trở nên thiếu vắng. Bởi âm thanh của tiếng khèn mỗi khi cất lên vừa thể hiện sự bay bổng, bình dị của tâm hồn người Mông lại vừa bộc lộ vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng bao la, hùng vĩ, tươi sáng. Đó cũng chính là lí do mà nghệ thuật chế tác khèn luôn được lưu truyền để âm thanh của nhạc cụ này không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng người Mông mà còn ngày một vang xa, làm say lòng những người yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật truyền thống./.

 

 

 

Lý Như Quỳnh - Minh Tuấn/DIENBIENTV.VN

.