Điện Biên

Sau 5 năm triển khai Đề án "phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống"

Thứ Tư, 09/05/2018, 18:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Cống trên địa tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 – 2017 được phê duyệt, triển khai đã đem đến cho đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn của 3 huyện là Nậm Pồ, Mường Nhé và huyện Điện Biên ngày càng khởi sắc.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên dân tộc Cống sinh sống chủ yếu rải rác tại 4 bản thuộc 3 xã của 3 huyện gồm: bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ); bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (Mường Nhé); bản Huổi Moi và bản Púng Bon, xã Pa Thơm, (huyện Điện Biên) dọc theo tuyến biên giới Việt – Lào, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn.

Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Cống trên địa tỉnh giai đoạn 2013 – 2017 được phê duyệt, triển khai đem đến cho đồng bào Cống, tại 3 xã của 3 huyện nêu trên ngày càng khởi sắc hơn. Và theo số liệu điều tra năm 2009, đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh có 184 hộ, 923 nhân khẩu. Hiện nay, là 215 hộ với 1.145 nhân khẩu; tăng 31 hộ, 222 nhân khẩu.

1
Việc bảo tồn, phát huy các gia trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần luôn được đồng bào dân tộc Công quan tâm và phát triển.

 

Đầu năm 2012, Điện Biên đã phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên" giai đoạn 2011 – 2020. Từ nguồn hỗ trợ của Đề án, Điện Biên đã lồng ghép với nhiều nguồn vốn khác để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh làm đường giao thông, cầu treo thôn bản, công trình nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ xóa mù và tiếng phổ thông; Hỗ trợ khôi phục và truyền bá văn hóa dân tộc...

Theo đó, tổng kinh phí vốn giao để thực hiện Đề án giai đoạn 2013 – 2017 là 7 tỷ 450 triệu đồng. Trong đó: Năm 2013 là 1.010 triệu đồng; năm 2014 là 1.610 triệu đồng; năm 2015 là 1.610 triệu đồng; năm 2016 là 1.610; năm 2017 là 1.610 triệu đồng. Đến cuối năm 2017, Điện Biên đã giải ngân hết nguồn vốn đạt 100% kế hoạch giao.

Một trong những hạng mục hỗ trợ được ví là chiếc “cần câu” đắc lực giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, đó chính là hạng mục hỗ trợ người dân đảm bảo các điều kiện để phát triển sản xuất. Trong đó, hỗ trợ mua giống vật tư, vật nuôi, xây dựng mô hình trình diễn cấp thôn, chuyển giao kỹ thuật, tham quan học hỏi kinh nghiệm giúp vùng đồng bào dân tộc Cống có điều kiện cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong 5 năm qua trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân với các gói hỗ trợ: Cấp cơ số thuốc cho tủ thuốc thôn bản, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trợ cấp cho phụ nữ mang thai và sau sinh, hỗ trợ nhân viên y tế thôn bản. Qua đó, đã giúp cho đồng bào dân tộc Cống, có điều kiện khám, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Công tác giáo dục và đào tạo đối với con em dân tộc Cống cũng được chú trọng, hệ thống giáo dục vùng thụ hưởng Đề án được củng cố và phát triển.

Cùng với đó, việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần được phát huy, cụ thể trong 5 năm qua Điện Biên đã hỗ trợ trang bị nhà sinh hoạt cộng đồng cho 4/5 bản; hỗ trợ cho 184 hộ mua radio, sản xuất các nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc, đặc biệt, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Cống khôi phục và truyền bá văn hóa dân tộc.

Xã Pa Thơm, huyện Điện Biên hiện là một trong những xã đông đồng bào dân tộc Cống sinh sống nhất với 91 hộ, 376 nhân khẩu, chiếm trên 30% khẩu của xã. Anh Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, cho biết: Trước đây, để đi từ trung tâm xã đến bản Huổi Moi và bản Púng Bon phải mất 3 đến 4 tiếng đồng hồ, đi bằng đường mòn xuyên rừng; bà con sinh sống rải rác ở các mỏm đồi, nên việc vận động, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Nhưng từ khi có Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống” đồng bào dân tộc Cống tại xã Pa Thơm được hỗ trợ nhiều chính sách như hỗ trợ công cụ sản xuất, chăn nuôi (cuốc, xẻng, cây giống, ngan, vịt); gạo, muối, phụ nữ mang thai được hỗ trợ, 100% trẻ em trong bản được đến trường và hỗ trợ tiền ăn hàng tháng; đường đi đến các bản dân tộc Cống giờ đi bằng xe máy, không đi bộ như trước, vì đã được rải cấp phối. Tuy nhiên, cũng theo anh Lò Văn Liên để đồng bào dân tộc Cống sớm thoát nghèo, tăng gia sản xuất, thời gian tới mong Đảng, nhà nước quan tâm, đầu tư kênh mương, hệ thống thủy lợi để đồng bào dân tộc Cống chúng tôi khai hoang thêm ruộng nước…

1
Lễ cúng gia tiên của đồng bào dân tộc Cống xã Pa Thơm, huyện Điện Biên

 

Có thể nói, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống” đã thực sự mang luồng gió mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh Điện Biên cơ bản được nâng lên, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8 % (năm 2012) xuống còn 56,2 % (năm 2017 - theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020); nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đại đa số đồng bào được tiếp cận cơ bản các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, giao thông đảm bảo lưu thông quanh năm; trường lớp học cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dạy và học; các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ điều kiện sống, phát triển sản xuất, văn hóa thông tin, y tế, giáo dục... được thực hiện đầy đủ đúng chế độ. Qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

 

CTV - Tuyết Anh

.