Bà Quàng Thị Dua – người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Khơ Mú

Thứ Năm, 31/05/2018, 09:16 [GMT+7]

Điện Biên TV – Với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, từ nhỏ bà Quàng Thị Dua ở bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà đã tìm tòi và học hỏi cách thổi sáo của người Khơ Mú. Bên cạnh việc thổi sáo thông thường bà còn biết thổi sáo bằng mũi.


Dân gian truyền lại câu “Xá (chỉ người Khơ Mú) ăn theo lửa, Thái ăn theo nước”, thể hiện rõ nét văn hóa trong phong tục và đời sống của người Khơ Mú ở Điện Biên. Do tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt gắn bó mật thiết với thiên nhiên, nên đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khơ Mú luôn mang đậm dấu ấn của núi rừng. Từ việc sinh sống trên núi, canh tác theo kiểu chọc lỗ tra hạt hình thành nên nét văn hóa riêng của người Khơ Mú đến những làn điệu dân ca da diết đến những điệu múa sạp, múa xòe, tăng bu, tăng bẳng… đều phản ánh nét sinh hoạt của dân tộc. Đó là những điệu hát "Tơm" - hát giao duyên xao xuyến cùng với điệu “Kưn chơ” - hát gọi lúc đi đường với âm vang, khỏe khoắn.

Góp phần làm nên vẻ đẹp say đắm trong các làn điệu dân ca Khơ Mú chính là những nhạc cụ rất độc đáo. Trong hệ thống nhạc cụ phong phú của người Khơ Mú thì hầu hết được làm ra từ chất liệu tre nứa, với những âm sắc độc đáo gồm: đàn trống, sáo dọc, sáo nhiều ống, đàn môi, đàn dây… Những loại nhạc cụ độc đáo của người Khơ Mú đến ngày nay vẫn còn xuất hiện nhiều trong đời sống của đồng bào là Ôôm đing, Đao, Tót, Pí tơm. 

Sinh ra trong cái nôi văn hóa ấy, ngay từ nhỏ bà Dua đã say mê tiếng sáo. Bà Dua cho biết: Mẹ của bà là 1 trong những người thổi sáo hay nhất bản và bà rất thích nghe mẹ thổi sáo. Đến năm 16 tuổi, bà bắt đầu tự học thổi. Lúc đầu thổi sáo rất khó khăn vì bà không biết lấy hơi nên thổi không ra tiếng; nhưng bà không bỏ cuộc vẫn quyết tâm học, ngày qua ngày rồi biết thổi lúc nào không hay. Đến giờ bà vừa thổi vừa sáng tác và vừa hát được luôn. Điều đặc biệt nhất là bà Dua còn biết thổi sáo bằng mũi.


Từ những cây tre, cây nứa, qua đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thiết tha yêu đời của người Khơ Mú đã làm nên những giai điệu lúc rộn ràng, khi sâu lắng. Đó chính là tiếng lòng của người Khơ Mú, một dân tộc có tâm hồn luôn tươi vui và tràn ngập niềm tin.

Cuộc sống ngày một hiện đại, lớp trẻ Khơ Mú ngày nay ít ai còn biết sử dụng và chế tác nhạc cụ của dân tộc mình. Điều kiện sản xuất, cuộc sống cũng có nhiều thay đổi khiến không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Khơ Mú bị thu hẹp. Hiện nay, bà Dua đang tích cực truyền dạy cho những người yêu thích loại nhạc cụ dân tộc và niềm tự hào của bà chính là khi thấy học trò của mình thổi sáo thành thạo.

Bên những ngôi nhà sàn được dựng lên dưới rặng tre xanh, những điệu hát dân ca hồn nhiên và trong trẻo cùng các nhạc cụ dân gian truyền thống vẫn đang đồng hành trong cuộc sống thường ngày của người Khơ Mú. Đây sẽ mãi là niềm tự hào về bản sắc văn hóa độc đáo của người Khơ Mú - những con người đôn hậu luôn biết làm đẹp cho cuộc sống, làm đẹp tâm hồn mình từ những điều tưởng chừng như bình dị song vô cùng quý giá, góp phần quan trọng làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo của dân tộc này./.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.