Điện Biên

Văn học, nghệ thuật nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện nhiệm vụ Chính trị của tỉnh

Thứ Sáu, 30/03/2018, 07:18 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày-16-6-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì mới”, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tỉnh đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật (VHNT); góp phần giữ gìn, phát huy và bảo tồn những giá trị văn hoá, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ và giới văn nghệ sĩ đã từng bước phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với cấp uỷ các cấp, các ngành trong khối Tư tưởng-Văn hoá, bám sát nội dung Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, để đưa nội dung xây dựng và phát triển VHNT vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - Xã hội của mỗi địa phương, đơn vị coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là một trong những tiêu chí để đánh giá, công nhận thôn, bản, khu dân cư văn hoá; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, định hướng sáng tác; khuyến khích các hội viên, văn nghệ sỹ, phóng viên, tuyên truyền, sáng tác các tác phẩm VHNT về các chuyên ngành như: Mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian.

1
Tiếng trống hội Xòe của Dân tộc Thái (Ảnh KT)

 

Trong 10 năm, tổ chức thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác truyện, ký, thơ với chủ đề Đất nước và con người Điện Biên, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động VHNT trong quá trình hội nhập và phát triển. Các Chi hội VHNT trên địa bàn tỉnh, đã hoạt động đi vào nề nếp, hội viên tích cực sáng tác, một số nhạc sỹ đã khẳng định được khả năng sáng tác của mình, đạt được nhiều giải thưởng của địa phương, khu vực và Trung ương, tiêu biểu như: Thanh Sơn, Huy Thông, Mạnh Cường…. Chi hội âm nhạc Điện Biên đã có 05 nhạc sỹ được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam,

Chi hội Nhiếp ảnh Điện Biên cũng có nhiều tác phẩm chất lượng cao, được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương, đã  tham gia 10 liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc với trên 750 tác phẩm, kết quả đạt được:01 huy chương bạc; 03 Huy chương Đồng, 08 giải Khuyến khích và 124 ảnh được trưng bày tại triển lãm. Chi hội Mỹ thuật Điện Biên, các hoạ sĩ đã tiếp cận nhanh với trào lưu sáng tác, xu thế hội nhập và có những chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng tác phẩm, đã tham gia 10 Triển lãm Mỹ thuật khu vực và nhiều cuộc triển lãm khác, kết quả đạt được 01 Bằng khen Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam và 95 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm.

Văn nghệ Dân gian, hoạt động mạnh mẽ và đạt nhiều thành tích, đã có 1 tác giả được nhận giải thưởng Nhà nước cho công trình xuất sắc về văn hóa Thái. Lĩnh vực Điện ảnh, Chi hội cũng có nhiều nỗ lực và có đóng góp cho sự phát triển của nền Điện ảnh Việt Nam, đã có 5 tác giả Điện Biên đạt giải cao trong sáng tác VHNT do báo chí Trung ương tổ chức. Tổ chức thành công 2 cuộc trao giải thưởng VHNT Điện Biên định kỳ 5 năm với gần 50 tác giả, tác phẩm được tôn vinh. Đến nay, đã có 03 hội viên của tỉnh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam; 03 hội viên được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam; 02 hội viên được kết nạp vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam...

Hội VHNT tỉnh, hiện có 163 hội viên, hoạt động sáng tác VHNT ở 13 chi hội, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ luôn được coi trọng, đã chủ động tham mưu, đề xuất, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập mới được 09 hội, chi hội trực thuộc, nâng tổng số hội, (13 Chi hội gồm: 04 hội, chi hội VHNT và 09 chi hội chuyên ngành), Hằng năm, trung bình kết nạp mới 12 hội viên/năm, trong đó độ tuổi trung bình của hội viên là 60 tuổi, hội viên cao tuổi nhất là 94, hội viên ít tuổi nhất là 26 tuổi.

Ông Trần Văn Thành, Phó chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên Cho biết: Bám sát tinh thần của Nghị quyết 23-NQ/TW, Hội VHNT tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, phát triển tổ chức Hội và đội ngũ văn nghệ sĩ vững mạnh theo hướng toàn diện cả về số lượng và chất lượng; trong đó chú trọng ưu tiên văn nghệ sĩ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ xuất bản và phổ biến tác phẩm, nhất là tác phẩm có chất lượng cao, các hoạt động sáng tác, quảng bá VHNT ngày càng phong phú, đa dạng, khẳng định được vai trò của VHNT, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về lĩnh vực nghệ thuật được triển khai tích cực, đặc biệt tại cấp cơ sở, Tiêu biểu là các đơn vị, huyện Điện Biên tổ chức 02 lớp truyền dạy múa Lăm vông dân tộc Lào và múa xòe dân tộc Thái; Thị xã Mường Lay tổ chức 4 lớp truyền dạy dân ca, nhạc cụ, múa Thái cổ; Thành phố Điện Biên Phủ tổ chức 01 lớp tập huấn cho đội văn nghệ các bản trên địa bàn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc tổ chức truyền dạy dân ca, dân vũ cho hơn 75 học viên tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; tổ chức bảo tồn lễ cầu mùa dân tộc Si La tại huyện Mường Nhé.

Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 6 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Xòe Thái; Lễ hội Thành Bản Phủ - Đền Hoàng Công Chất tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào xã Núa Ngam, huyện Điện Biên và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà. Hội đồng cấp nhà nước đã công nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" cho 34 người, các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đều là những người nắm giữ nhiều loại hình di sản phong phú trong cộng đồng các dân tộc thiểu số như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian; tri thức dân gian...

Phong trào văn nghệ quần chúng đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, toàn tỉnh có 1.273 đội văn nghệ quần chúng. Hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư đều có đội văn nghệ, nhiều nơi đã có nhà văn hóa và trang bị hệ thống loa đài phục vụ cho những buổi sinh hoạt cộng đồng. Các cuộc thi, trình diễn các bài hát dân ca, điệu múa cổ truyền thống các lễ hội dân gian, các trò chơi thể thao dân tộc như: Ném pao, ném còn, đẩy gậy, đánh cù, giã bánh dày, chơi đu, thi leo cây... ở các địa phương đã thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và học hỏi lẫn nhau. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đã gắn kết với phát triển VHNT, các yếu tố văn hóa và nhân tố con người đã được phát huy, tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội.

1
Toàn tỉnh có 1.273 đội văn nghệ quần chúng, hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư đều có đội văn nghệ, nhiều nơi đã có nhà văn hóa và trang bị hệ thống loa đài phục vụ cho những buổi sinh hoạt cộng đồng (Ảnh sở VH,TT&DL)

 

Các thiết chế văn hóa phục vụ cho hoạt động VHNT đang được quan tâm đầu tư, xây dựng. Đến nay toàn tỉnh có 01 Trung tâm văn hóa  tỉnh; 7/10 huyện có Nhà văn hóa huyện, 50/130 xã có nhà văn hóa ; 407/1.813 thôn, bản, tổ dân phố có Nhà văn hóa hoặc Nhà sinh hoạt cộng đồng. Các thiết chế văn hóa này đã phát huy tốt hiệu quả trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thông qua các thiết chế văn hóa, hằng năm đã tổ chức được hàng ngàn buổi sinh hoạt, phục vụ hàng vạn lượt người, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, góp phần từng bước nâng cao đời sống văn hoá ở cơ sở.

Hằng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Sở, Ban ngành tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, giao lưu nghệ thuật quần chúng, thông qua các hoạt động như: Lễ hội hoa Ban, Lễ hội Đền Hoàng Công Chất ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện, Hội thi Thông tin lưu động, hội thi tiếng hát người giáo viên, học sinh, sinh viên, giao lưu hội xuân… đã thu hút hàng nghìn diễn viên, nghệ nhân tham gia; nhiều chương trình, tiết mục đạt chất lượng cao, dàn dựng công phu, đặc sắc gắn với bản sắc văn hóa của địa phương, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng; cổ vũ hoạt động sáng tác và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng.

Bên cạnh đó, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh còn mở Chuyên mục: Sắc màu văn hóa Điện Biên, Dân tộc và phát triển, giới thiệu những cuốn sách hay, tác phẩm VHNT, sách mới xuất bản của các cây bút tỉnh nhà... Với gần 800 chương trình ca múa nhạc kịch, diễn đàn văn học, nghệ thuật ... được sản xuất và phát sóng, phản ánh sinh động phong phú, toàn diện hoạt động văn học nghệ thuật đến khán giả xem truyền hình. Các chương trình ca, múa, nhạc, thơ cũng là lĩnh vực được Đài phát thanh Truyền hình quan tâm sản xuất, nhất là các cuộc thu ghi các Chương trình văn nghệ quần chúng, tiếng hát người lao động, học sinh, sinh viên, chương trình thơ của các CLB thơ trong tỉnh.

Có thể thấy, sau 10 năm, tổ chức thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh ủy Điện Biên, công tác xây dựng và phát triển VHNT trên đại bàn tỉnh, đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Chính trị của tỉnh./.

 

 

CTV - Khánh Toàn/BTG Tỉnh ủy Điện Biên

.