Để văn hóa là "món ăn" tinh thần của nhân dân

Thứ Hai, 05/03/2018, 09:25 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày nay, khi đời sống vật chất của nhân dân ngày càng phát triển thì các giá trị văn hóa càng được quan tâm nhiều hơn. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hoá các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn trong việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới.

Thực hiện Quyết định 1270/QĐ-TTg, ngày 27/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt nam đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án), công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa vật thể nói riêng ở Điện Biên mang tính đa dạng về loại hình, bản sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Đặc biệt, để thực hiện có hiệu quả Đề án, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Đề án thực hiện, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ gắn với hệ thống giải pháp đồng bộ và phương án tổ chức thực hiện cụ thể. UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, nhất là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ Đề án để cụ thể vào mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của đơn vị. Định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Cơ quan thường trực Đề án phối hợp với các đơn vị thành viên tổng hợp báo cáo kết quả.

1
Hàng năm, công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể luôn được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. ảnh: Lễ hội Đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2011 – 2017, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể đã được triển khai đồng bộ với nhiều nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và các tổ chức phi chính phủ. Đến nay, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng, tu bổ phục hồi di tích đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn này, cơ quan chức năng đã xếp hạng bổ sung 23 điểm di tích thành phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Nâng tổng số di tích thành phần lên 45 điểm. Đồng thời, xếp hạng thêm 9 di tích, trong đó: 5 di tích cấp quốc gia (hang động Xá Nhè, Khó Chua Ta ở huyện Tủa Chùa; hang động Há Chớ, hang Thẩm Khương ở huyện Tuần Giáo; di tích hang động Chua Ta ở huyện Điện Biên); 4 di tích cấp tỉnh (Thành Vàng Lồng ở huyện Tủa Chùa; hang động Mùn Chung ở huyện Tuần Giáo; Công trình Đại Thủy nông Nậm Rốm ở TP. Điện Biên Phủ và di tích Dân quân Thanh An bán rơi máy bay Mỹ ở huyện Điện Biên).

Bên cạnh việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng di tích, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia cũng được quan tâm đặc biệt, như: Tháp Chiềng Sơ, khu căn cứ cách mạng Pú Nhung, di tích thành phầnKhu trung tâm đề kháng Him Lam thuộc di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ…

Cùng với đó, việc sưu tầm hiện vật, cổ vật cũng được triển khai có hiệu quả. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được gần 700 hiện vật; phát hiện, tiếp nhận hơn 70 cổ vật tại huyện Mường Ảng. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã sưu tầm được trên 1.600 hiện vật, tài liệu.

Đến nay, Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo quản gần 5.000 hiện vật, khoảng 3.000 ảnh tư liệu; Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lưu giữ, bảo quản trên 4.000 hiện vật, tài liệu. Ngoài ra, công tác điều tra khảo cổ học cũng được các cơ quan chức năng chú trọng, từ đó góp phần làm rõ các mỗi quan hệ giữa đời sống tự nhiên, xã hội, van hóa của các dân tộc trong các giai đoạn lịch sử…

Có thể khẳng định, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thời gian qua đã góp phần xây dựng tư tưởng, tình cảm cho nhân dân, giúp nhân dân thực hiện quyền làm chủ trong nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Thông qua việc bảo tồn các di sản văn hóa và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đã tạo ra nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

 

CTV - Văn Quyết

.