Ý nghĩa hoa văn trên trang phục dân tộc Lào ở Mường Luân

Thứ Hai, 26/02/2018, 16:54 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ rất lâu đời nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông đã phát triển, đến nay nghề dệt này vẫn được duy trì và bảo tồn. Đặc biệt, hoa văn trên vải đã mang lại những giá trị đặc trưng trong đời sống và sinh hoạt của tộc người.

Khung cửi để dệt vải thường được phụ nữ Lào đặt bên hiên nhà.
Khung cửi dệt vải thường được phụ nữ Lào đặt bên hiên nhà.


Bản Mường Luân nằm trên tuyến đường nối từ trung tâm huyện Điện Biên Đông đến trung tâm xã Mường Luân. Đi dọc tuyến đường dễ dàng nhận thấy, người Lào ở nhà sàn, mái nhà thường kéo dài, cao, tạo nên hiên để đặt khung cửi và công cụ làm vải. Khung cửi dệt vải của người Lào khá giống với khung cửi dệt vải của người Thái, với chức năng chính của khung cửi là giữ sợi mắc thật căng trong công đoạn luồn sợi mành xen kẽ. Sợi mắc là sợi dọc, sợi mành là sợi ngang. Khi dệt, người phụ nữ ngồi ở khung cửi dùng chân đạp bàn dận để vận chuyển bộ go mở khoảng cách giữ các sợi mắc trong khi tay giật để đẩy và bắt con thoi luồn sợi mành.

Chẳng biết từ bao giờ nhưng dệt vải đã trở thành một nghề truyền thống mang đậm bản sắc của đồng bào Lào. Đến nay, nghề dệt vải vẫn được lưu truyền tại hầu hết các gia đình nơi đây theo phương thức mẹ truyền nghề cho con gái. Từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Lào đã trở thành những pha vinh, những chiếc váy… nhiều họa tiết và có màu sắc độc đáo.

Để tìm hiểu thêm về bộ nữ phục Lào chúng tôi tìm đến nhà bà Lò Thị Inh – một trong những người dệt vải đẹp nhất bản. Bà Inh chia sẻ: phụ nữ Lào mặc váy thắt ngang ngực, buông ngang tầm bắp chân, gấu váy thêu hoa văn màu tươi sáng rực rỡ. Áo ngắn và thường có hàng khuy bạc bằng một dải vải màu xanh, trên đính những hàng tiền bạc. Ngoài ra, chiếc trâm bạc cài tóc hay khăn đội đầu của phụ nữ Lào cũng được chạm khắc hoặc thêu thùa khéo léo.

Trang phục truyền thống của người Lào ở Mường Luân.
Trang phục truyền thống của người Lào ở Mường Luân.


Người Lào thường dệt rất nhiều loại hoa văn khác nhau nhưng phổ biến nhất là hoa văn hình rồng cổ đỏ, con hổ, đôi rắn quấn vào nhau, em gái biến thành chim và hình voi có người cưỡi. Mỗi loại hoa văn trên váy áo của người Lào lại gắn với một sự tích khác nhau, có ý nghĩa giáo dục rất cao và thể hiện một phần tín ngưỡng, quan niệm về cuộc sống của họ.

Người Lào quan niệm: ai may mắn mới thấy đôi rắn quấn nhau. Nếu thấy vậy thì cởi áo ra, ném vào đôi rắn và đợi chúng bỏ đi thì lấy áo mang về cất vào hòm. Khi nào con cháu trong gia đình đến tuổi tìm vợ cho mặc áo này sẽ lấy được người mình yêu, vợ chồng sau này sẽ hạnh phúc. Người đi buôn bán mang theo áo này cũng rất may. Người Lào dệt hoa văn hình rắn quấn nhau cũng để cầu mong may mắn. Bên cạnh đó, hoa văn này thường được dệt ở chân váy có ý nghĩa như một sự nhắc nhở: rắn rừng rất độc, không được trêu trọc chúng.

Hoa văn hình hổ có ý nghĩa nhắc nhở mọi người nếu giết hổ sẽ khổ 3 đời. Người Lào quan niệm khi thấy hổ chết phải lấy vải trắng phủ lên và khóc than thương tiếc. Họ dệt hoa văn con hổ cho nhớ và để nhắc con cái không được giết hổ. Hoa văn hình em gái biến thành chim xuất phát từ câu chuyện: Ở một gia đình nọ, anh trai thương em gái bao nhiêu thì chị dâu ghét bấy nhiêu. Anh muốn cho em gái cái gì chị cũng giữ lại hoặc chia phần hơn. Người em uất ức vào rừng ăn lá ngón tự tử và biến thành con chim kêu hơ hơ, vít vít, tiếng Lào nghĩa là anh cho chị giữ. 

Phần chân váy của phụ nữ Lào thường được thêu rất nhiều hoa văn với màu sắc sặc sỡ.
Phần chân váy của phụ nữ Lào thêu rất nhiều hoa văn với màu sắc sặc sỡ.


Người Lào còn thích dệt hoa văn hình voi có người cưỡi. Chuyện kể rằng xưa có một người phụ nữ đi làm nương, khát nước nên uống ở một vũng nhỏ hình dấu chân voi. Về nhà bà mang thai và sinh một bé trai kháu khỉnh. Lớn lên trẻ trong bản không chơi cùng và nhạo báng cậu bé. Cậu được mẹ chỉ vào rừng tìm kiếm bố thì gặp một con voi. Cậu hỏi voi có phải là bố cậu không, voi trả lời: “Nếu là con ta thì cậu phải trèo qua vòi, lên đầu và cưỡi được lên lưng ta. Cậu bé đã làm được điều đó. Người Lào dệt hoa văn này để nhắc nhở mọi người đi rừng, đi nương không nên uống nước ở những vũng nhỏ.

Ngày nay, những người phụ nữ vẫn đang dệt vải và trao truyền kinh nghiệm lại cho các con gái. Một số mô típ hoa văn mới ra đời nhưng những hoa văn truyền thống của dân tộc Lào vẫn được ưa chuộng và xuất hiện nhiều nhất trên bộ nữ phục./.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.