Nét thanh lịch mỗi thời mỗi khác

Thứ Ba, 20/02/2018, 09:02 [GMT+7]

Những phong tục, lối sống của người Hà Nội xưa cũng đổi thay, có cái đẹp hơn, phù hợp hơn, nhưng cũng không ít nét thanh lịch, hào hoa bị phôi pha.
 
Theo thời gian, những phong tục, lối sống của người Hà Nội xưa cũng đổi thay, có cái đẹp hơn, phù hợp hơn, nhưng cũng không ít nét thanh lịch, hào hoa bị phôi pha.
 

 

Thế nhưng, khi nhắc tới người Hà Nội, người ta vẫn nghĩ ngay đến lối sống vốn được coi là chuẩn mực - dù không có văn bản nào quy định điều đó.

Phác thảo về một Hà Nội thanh lịch

Trong câu chuyện về lối sống thanh lịch người Hà Nội xưa, TS. Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội đã dẫn ra một vài phác họa: Sự thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong nhiều mặt, mà trước hết là chuyện giao tiếp.

Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội xưa mềm mỏng mà không thớ lợ, biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, không ồn ào, to tiếng, xô bồ, thô tục. Giọng nói nhẹ nhàng, từ ngữ thanh tao, có sức hấp dẫn, thu hút người tiếp chuyện.

Lời chào, lời cảm ơn, xin lỗi được coi là khuôn phép, chuẩn mực trong cách cư xử của người Hà Nội. Trong việc mua bán, người Hà Nội xưa nói với nhau bằng những lời tử tế, khách hàng luôn hài lòng và thấy được tôn trọng. Hay cả khi có sự va chạm trên đường, họ cũng dừng lại, hỏi han nhau có sao không. Và dù ai là người có lỗi, thì hai bên đều nói lời xin lỗi nhau.

“Người Hà Nội có cách ăn mặc giản dị và thanh nhã lắm! Khi ra đường, họ mặc chỉn chu, lịch sự với quan niệm đó là tôn trọng người khác, làm đẹp cho phố phường chứ không phải chỉ để làm đẹp cho mình.

Khi có khách đến chơi, chủ nhà thay đồ tươm tất để ra tiếp đón, thể hiện sự tôn trọng khách. Người Hà Nội xưa, dẫu nghèo, áo rách nhưng miếng vá cũng phải ngay ngắn và luôn sạch sẽ”, ông Chức cho hay.

Người Hà Nội sành trong cách ăn uống. Họ quan niệm rằng: Thịt thái không vuông vắn thì không ăn/Chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi. Đó là phong cách ăn uống của người Hà Nội, điềm đạm mà từ tốn.

Họ thích ăn uống thanh cảnh chứ không quá cầu kỳ. Họ kỵ nhất là “chém to kho mặn”, mà miếng thịt phải xắt nhỏ, khi gắp thì vừa bát. Trứng thì cắt làm đôi, rồi ăn từng nửa một. Quả chuối hay bắp ngô cũng bẻ làm đôi trước khi ăn.

Trước đây, người Hà Nội hầu như sống quây quần trong một mái nhà, hình thành những gia đình “tam đại đồng đường”, hay “tứ đại đồng đường”. Họ rất coi trọng tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới và sự ấm cúng trong gia đình.

Bởi vậy, bữa cơm của người Hà Nội bao giờ cũng phải đầy đủ thành viên trong gia đình, tránh việc người ăn trước, người ăn sau và phải ngồi theo thứ tự, bề bậc. Người phụ nữ - có thể là mẹ, là chị - luôn luôn ngồi đầu nồi để xới cơm và không được xới bát cơm quá đầy. Trước khi ăn phải mời cơm. Khi những bậc cao tuổi trong nhà đụng đũa mới được phép ăn. Trong bữa cơm, họ nhẹ nhàng hỏi han, quan tâm nhau, không khí gia đình rất ấm áp.

Trong gia đình, ông bà, cha mẹ luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo. Con gái Hà Nội giữ tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”, giữ đủ nét e lệ, dịu dàng, ý tứ từ dáng đứng, bước đi, nụ cười, ánh mắt… thân mật nhưng không sàm sỡ, tế nhị mà không gò bó. Những phẩm chất ấy có được là do sự giáo dục nghiêm khắc nhưng cũng rất đỗi nhân từ.

Về chuyện ứng xử của người Hà Nội trước lợi danh, TS. Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh: “Họ khinh tài, tức là coi thường vật chất, và không hám lợi. Bởi vậy, người ta sẽ không tham lam, ganh đua. Người Hà Nội có câu cửa miệng: Anh nhất thì tôi xin nhì/ Ai mà nhất nữa, em thì thứ ba. Sự khiêm nhường này giúp họ giữ được phẩm giá, tỉnh táo trước lợi lộc, tránh được những chành chọe, tai ương không cần thiết”.

Tết xưa Hà Nội

Không đồng tình với những ý kiến cho rằng, cách sống của người Hà Nội hiện nay đang thay đổi theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, TS. Nguyễn Viết Chức phân tích: “Có thể do cuộc sống thay đổi, lối sống người Hà Nội cũng phức tạp hơn trước, nét “chợ” nổi lên nhiều hơn khiến người ta cảm thấy sự thanh lịch của người Hà Nội xưa bớt đi ít nhiều.

Tuy nhiên, ta không nên quá khắt khe so sánh cái mới với những nét đẹp cũ; Không nên đổ lỗi cho thành phần dân cư đã phá vỡ lối sống của người Hà Nội xưa. Chúng ta phải vừa kế thừa nét đẹp truyền thống, vừa thích nghi với cái mới. Theo thời gian, cái đúng sẽ được giữ lại và cái xấu sẽ dần bị triệt tiêu”.

Bây giờ, nhịp điệu cuộc sống gấp gáp hơn, người ta buộc phải nhanh nhẹn, mạnh mẽ, dứt khoát, năng động mới theo kịp cuộc sống hiện đại. Vì thế, cách ăn mặc không thể mãi tha thướt như xưa, và không phải lúc nào cũng có thể nói năng nhỏ nhẹ.

“Tất nhiên, nếu quá lạm dụng lý do này, thì sẽ thành ra thiếu văn hóa. Thế nhưng, tôi cho rằng, người Hà Nội nay vẫn thanh lịch. Người ồn ã, xô bồ chỉ là thiểu số”, TS. Nguyễn Viết Chức chia sẻ.

Để gìn giữ những nét đẹp trong nếp sống của người Hà Nội xưa, TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, sẽ không có biện pháp trực tiếp nào giải quyết được điều này.

Theo ông, các biện pháp gián tiếp phối hợp lại sẽ là cách hữu hiệu giữ gìn nếp sống đẹp của người Hà Nội xưa mà vẫn phù hợp với cuộc sống ngày nay.

Về vai trò quản lý Nhà nước, Hà Nội đã ban hành Quy chế ứng xử nơi công cộng, Quy chế ứng xử dành cho công chức, viên chức Hà Nội. Quy chế đó sẽ gợi ý cho người ta biết cái gì nên - không nên - không được làm. Tất nhiên, mọi sự cố gắng sẽ bằng thừa nếu mỗi cá nhân không tự nhận thức, nâng cao văn hóa sống của mình.

Bên cạnh đó, người dân ở các tỉnh, thành khác đến sinh sống ở Hà Nội cũng phải “nhập gia tùy tục”, tự sàng lọc những nét địa phương không phù hợp.

Nói về Tết xưa của người Hà Nội, TS. Nguyễn Viết Chức cho biết: Công việc sửa soạn mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên được người Hà Nội rất quan tâm, chăm chút. Họ đặt ngũ quả lên chiếc mâm bồng. Trên mâm ngũ quả bày 5 loại quả (ngũ phúc) với 5 màu sắc khác nhau (ngũ sắc) biểu tượng cho sự sung túc, dồi dào, ra hoa kết trái.

Bên cạnh việc chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết rất cẩn thận, việc trang trí nhà cửa đón Tết cũng được người Hà Nội chú trọng. Họ mua sắm cành đào, cây quất để trưng trong nhà nhằm tạo không khí mùa xuân, đem lại may mắn cho năm mới.

TS. Nguyễn Viết Chức cho hay: “Tết đến, người Hà Nội còn có thú đi mua tranh, nhất là tranh tứ bình: Xuân - Hạ - Thu - Đông hay Tùng - Cúc - Trúc - Mai. Và từ mùng 2 Tết trở đi, người Hà thành lại đến nhà các cụ cao niên, đến chùa hoặc Văn Miếu để xin chữ, cầu mong cho một năm mới thành công như ý. Những phong tục, tập quán ấy đã trở thành nét văn hóa đẹp, nét thanh lịch rất riêng của người Hà Nội”./.

 

 

Theo VOV

.