Độc đáo hương vị bánh chưng gù của người Thái Điện Biên

Thứ Bảy, 10/02/2018, 07:59 [GMT+7]

Điện Biên TV – Bánh cổ truyền ngày Tết của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên rất độc đáo, có nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh và thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, với đất trời. Ngày nay, dù cuộc sống đã phát triển hơn về mọi mặt, đồng bào Thái vẫn giữ được hương vị bánh cổ truyền.


Bánh cổ truyền ngày Tết của dân tộc Thái là bánh chưng gù, theo tiếng Thái gọi là khảu tổm, đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Nó làm nên hương vị, không khí cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng.

Tuy nguyên liệu chế biến khá đơn giản, song để đảm bảo cho bánh có hương vị ngon, đẹp thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện rất kỹ càng. Lá dong được chọn là những lá không to quá cũng không nhỏ quá, không non quá mà cũng không già quá, nhìn lá bóng, xanh đậm, cuống nhỏ. Khi chọn được lá dong ưng ý, đem rửa sạch sẽ, phơi chỗ thoáng gió.

Gạo để gói bánh chưng gù là loại nếp mùa hay nếp cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau. Gạo ngâm khoảng nửa ngày bằng nước lạnh sau đó vo qua, để ráo nước và xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà.

Đỗ xanh tách vỏ, có mầu vàng óng và được đồ trước cho mềm. Màu vàng óng của hạt đỗ tượng trưng cho một năm mới tràn trề tài lộc, thịnh vượng.

Nhân bánh là thịt lợn thường là thịt ba chỉ, phần mỡ vừa tạo để cho bánh béo ngậy vừa tượng trưng cho sự khỏe mạnh của gia chủ, phần nạc đỏ hồng có ý nghĩa mang nhiều niềm vui cho năm mới. Thịt thái miếng to đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu để thêm hương nồng nàn và đặc biệt sau khi bánh chín sẽ có mùi thơm và vị cay nhẹ.


Khảu tổm của người Thái được gói theo một hình nhất định giống hình một ngọn núi. Phần lưng lồi lên giống như hình đỉnh núi và được bao quanh bởi các đường lạt chạy ngang thân bánh. Cách gói như sau: đặt 2 lá dong ngược chiều nhau, cho 1 bát ăn gạo, lấy một nửa nắm đậu xanh dàn mỏng đều lên gạo, xếp thịt vào giữa rồi tiếp tục cho phần đậu xanh còn lại, phủ gạo lên trên cùng, bẻ gập lá hai đầu lại rồi buộc lạt chéo chữ V. Bánh nào có phần gù càng cao, cân đối thì càng đẹp và càng thể hiện được sự khéo léo của người phụ nữ. Chiếc bánh đẹp nhất sẽ được chọn để thờ cúng tổ tiên. Lá bánh còn thừa cho cả vào nồi cho thêm hương và giữ nhiệt khi đun. Thường luộc bánh bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn. Bánh chưng gù vớt ra nghi ngút khói, để nguội trong cái lạnh giao mùa và hương vị đất trời.

Cô Lường Thị Xuyến ở bản Pa pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: Theo những người già trong bản thì tục làm bánh chưng gù của người Thái có từ lâu lắm rồi. Tục này do ông bà tổ tiên để lại, con cháu đời đời phải làm theo để cúng tổ tiên ngày Tết. Có làm theo ý ông cha thì con cháu trong nhà mới ăn nên làm ra, mới có nhiều con trâu, con bò, có lúa gạo đầy nhà, gia đình mới được trong ấm ngoài êm. Những năm gần đây, cứ đến tết dù ở đâu, thành thị hay thôn quê, các gia đình lại hối hả mua lá dong, gạo nếp... về gói bánh chưng gù. Tuy tốn công tốn sức, nhưng bù lại, cả gia đình có thêm tinh thần vui vẻ đón tết, con cái hiểu được truyền thống dân tộc, truyền thống cha ông.


Ngoài để thờ cúng tổ tiên thì bánh chưng gù còn được dùng trong các bữa cơm Tết mời bà con trong họ hàng, đặc biệt là bữa cơm tất niên của người Thái thì phải có bánh chưng gù. Cùng với rượu và thịt khô gác bếp thì sự có mặt của bánh chưng gù với mùi thơm bùi của vị nếp mới trong mâm cơm sẽ thể hiện được sự ấm no của gia đình trong năm mới./.

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.