Về đâu áo chàm toọng tẽ

Thứ Sáu, 22/12/2017, 10:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ xưa tới nay, trang phục của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn mang trong mình những tinh hoa của dân tộc. Cùng với thời gian và nhịp sống hiện đại, trang phục truyền thống của nhiều dân tộc đã có sự biến đổi. Trong số đó có chiếc áo chàm của nam giới người Thái ngành Thái đen.

Một bộ trang phục nam giới người Thái đen gồm áo chàm, quần dài, đầu đội mũ hoặc khăn. Chiếc áo chàm được gọi là “sửa toọng tẽ” hay “sửa tít hùa meng nguôn”. Áo chàm được may bằng cách gập vải làm 4 để cắt eo sườn rồi khâu sống lưng trước. Phần vải bên trong bả vai gọi là “lốp hứa” là phần làm khó nhất. Người Thái thường làm áo chàm 7 cúc gọi là cúc đầu ruồi. Bên cúc có đầu gọi là “tồ po”, bên có lỗ gọi là “tồ me”. Cúc đầu ruồi được làm từ 1 miếng vải dài khoảng 40 cm, rộng khoảng 2 cm, gập nhỏ lại rồi khâu chắc tay. Làm cúc đầu ruồi rất khó, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật tốt; bởi nếu làm lỏng tay cúc dễ tuột ra, nếu chặt quá thì sẽ khó cài cúc.

Cận cảnh cúc đầu ruồi trong áo chàm của người Thái. Ảnh: LH.
Cúc đầu ruồi trong áo chàm của người Thái. Ảnh: LH.

Để làm nên áo chàm đòi hỏi nhiều kỹ thuật và rất phức tạp, còn để có màu chàm đẹp mắt phải cần thêm sự tỉ mỉ và khéo léo. Bà Lò Thị Yên - bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết: Để nước nhuộm có màu chàm đẹp như ý thì lá hỏm sau khi ngâm trong chum được 2 đến 3 ngày thì cho vôi trắng vào rồi sục nước cho bọt nổi lên trên. Khi bọt đã nổi lên nhiều thì cho nước vo gạo vào để làm tan bọt rồi đậy nắp chum lại. Khi nước nhuộm đã lắng xuống thì mở chum đổ nước ở phần trên chỉ lấy nước đục ở dưới đáy chum. Phần nước này được đổ vào “tung nin” là chum chứa nước cây nát để 2 ngày sau là có thể nhuộm vải được. Khi nhuộm phải nhúng từ từ đầu cuộn vải vào nước hỏm để vải đều màu. Khác với các loại vải nhuộm công nghiệp thường dễ bị phai, vải nhuộm chàm càng dùng thì sắc chàm càng đượm.

Phơi vải nhuộm chàm. Ảnh: LH.
Phơi vải nhuộm chàm. Ảnh: LH.

Cùng với sự lên ngôi của vải công nghiệp với những sắc màu tươi mới thì sắc chàm dường như đang bị lu mờ. Ngày nay, thật khó để tìm được một cửa hàng may áo chàm. Không riêng gì trang phục truyền thống của dân tộc Thái mà trang phục của các dân tộc thiểu số khác, đặc biệt là nam phục cũng đang có nguy cơ bị xoá sổ. Bởi trang phục nam giới thường rất đơn giản, kiểu dáng na ná giống nhau, không có sự riêng biệt. Áo chàm bây giờ chỉ được những người vợ, người mẹ tự làm cho chồng cho con mình và thường dùng trong những ngày làm lý theo phong tục người Thái.

Áo chàm nay chỉ được những người vợ, người mẹ làm cho chồng cho con mình. Ảnh: LH.
Áo chàm nay chỉ được những người vợ, người mẹ làm cho chồng cho con mình. Ảnh: LH.

Trong xu hướng phát triển không ngừng của xã hội, việc bảo tồn những giá trị tinh hoa trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên nên có những thay đổi phù hợp với giá trị văn hóa hiện đại. Nhất là phải tạo được môi trường thuận lợi để trang phục truyền thống của người dân tộc thiểu số được trưng bày, trình diễn; qua đó tạo nên sự mong muốn mọi người biết đến, yêu thích và sử dụng trang phục của mình. Do vậy cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để đồng bào hiểu, trân trọng, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, để có ý thức giữ gìn, tôn vinh và tự bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.