Tôn vinh các Nghệ nhân là góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Thứ Năm, 21/12/2017, 14:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhiều cá nhân tham gia gìn giữ, bảo vệ những giá trị văn hóa thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Đã có 26/38 các nhân được Hội đồng xét tặng tỉnh Điện Biên, đề nghị Hội đồng Trung ương xem xét công nhận danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần II- năm 2018

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới với dân số khoảng 53 vạn người, trong đó dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 80%. Toàn tỉnh có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gồm: Dân tộc Thái chiếm khoảng 38%, dân tộc Mông chiếm khoảng 35%, dân tộc Kinh chiếm khoảng 18%, dân tộc Khơ Mú chiếm khoảng 3,9%, còn lại là các dân tộc khác. Là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, do vậy mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa truyền thống riêng, rất đa dạng và phong phú, nhiều lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc, nhiều nét đặc thù văn hóa vô vùng độc đáo của cộng đồng các dân tộc Điện Biên.

1
Đồng chí Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh trao tặng Chứng nhân danh hiệu cho các "Nghệ nhân ưu tú" của Chủ tịch nước cho 8 nghệ nhân văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh

 

Điều này cho thấy bức tranh đa sắc của di sản văn hóa phi vật thể đã và đang hiện hữu trong đời sống của các dân tộc, đồng thời thể hiện rõ tình yêu, thái độ trách nhiệm của lớp người tham gia gìn giữ, bảo vệ những giá trị văn hóa đó. Nhằm tôn vinh những cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Sở VHTT&DL, cơ quan thường trực Hội đồng cấp tỉnh đã triển khai xét tặng theo đúng tinh thần của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Vừa qua, trong tổng số hồ sơ đề nghị xem xét công nhận danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú” đã có 38 hồ sơ đại diện cho 09 dân tộc, đó là: dân tộc Thái (23 hồ sơ); dân tộc Mông (04 hồ sơ); dân tộc Cống (03 hồ sơ); dân tộc Lào (02 hồ sơ); dân tộc Kinh (02 hồ sơ); dân tộc Xinh Mun (01 hồ sơ); dân tộc Khơ Mú (01 hồ sơ); dân tộc Dao (01 hồ sơ); dân tộc Hà Nhì (01 hồ sơ). Trên cơ sở quy định từ các văn bản của Trung ương, Hội đồng xét tặng tỉnh Điện Biên đã xem xét 38 hồ sơ đề nghị xét tặng “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II- 2018. Với tinh thần công tâm, khách quan, đúng tiêu chí, các thành viên Hội đồng tỉnh đã bỏ phiếu kín để chọn 26 cá nhân xứng đáng nhất, đề nghị Hội đồng Trung ương xem xét công nhận danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần II- năm 2018.

Về loại hình cho thấy, các cá nhân nắm giữ di sản rất phong phú có đủ 06 loại hình theo quy định bao gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Tập quán xã hội và Tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tri thức dân gian. Trong đó: Nghệ thuật trình diễn dân gian (22 hồ sơ); Tập quán xã hội và tín ngưỡng (07 hồ sơ); Tiếng nói, chữ viết (01 hồ sơ); Lễ hội truyền thống (01 hồ sơ); Tri thức dân gian (02 hồ sơ); Người nắm giữ nhiều loại hình di sản (05 hồ sơ).

Một số cá nhân tiêu biểu như: Lò Hải Vân, Phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ với Nghệ thuật trình diễn dân gian: Sử dụng Tính tẩu, Pí pặp đôi, Pí pặp đơn, sáo Mông, Khèn bè; Chang Thị Phơi, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé với Nghệ thuật trình diễn dân gian: Múa, hát, là người am hiểu tạp quán Tín ngưỡng dân gian (Tục cưới xin, sinh đẻ, tang ma, nghi lễ của dân tộc Cống); Lý A Lệnh, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng với Nghệ thuật trình diễn dân gian: Chế tác và sử dụng Khèn Mông, sáo Mông, đàn môi... Việc ngày càng nhiều nghệ nhân làm hồ sơ, đề nghị ở nhiều lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể khác nhau, cho thấy cộng đồng đã có nhận thức tốt hơn về giá trị văn hóa phi vật thể, điều đó càng khẳng định rằng đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong Tỉnh đã được nâng lên.

1
Nghệ nhân truyền dạy và lưu giữ nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo riêng của dân tộc

 

Ông Phạm Việt Dũng, TUV, Giám đốc sở VH,TT&DL Điện Biên cho biết: Nhìn chung, các nghệ nhân đều phấn khởi khi Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến các nghệ nhân thực hành, lưu giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Có một số huyện có nhiều Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú” lần II- năm 2018. Điều đó thể hiện sự phát triển cả về số lượng nghệ nhân, cũng như số lượng loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, như: huyện Điện Biên có 11 hồ sơ, Huyện Mường Chà có 07 hồ sơ, huyện Tủa Chùa có 04 hồ sơ...Qua đó, tạo điều kiện cũng như tiếp thêm nghị lực để các nghệ nhân tiếp tục gắng sức, trách nhiệm với bảo tồn các giá trị di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc trên địa bàn.

Việc chú trọng, bảo tồn các giá trị di sản văn hoá phi vật thể của cộng đồng 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên, trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, và du lịch, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các giá trị văn hoá các dân tộc được bảo tồn, khôi phục và phát huy, đã làm cho Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hoá và bản làng văn hoá thu nhiều kết quả rõ nét, sự hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên./.
 

 

 

CTV - Khánh Toàn/BTG Tỉnh ủy Điện Biên
                                                                                      
 

.