Pạt Tông- Tín ngưỡng của dân tộc người Thái

Thứ Tư, 22/11/2017, 08:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ thưở xa xưa đến nay, đồng bào dân tộc người Thái sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng đã luôn giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, với những nét độc đáo về bản sắc văn hóa như: kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ..v.v. Trong đó, tín ngưỡng thờ cúng ngày “Pạt Tông” đã góp phần tạo nên nét văn hoá tín ngưỡng riêng biệt, thể hiện rõ nét về đời sống văn hoá tâm linh, tinh thần của đồng bào.

Trong đời sống, người Thái rất coi trọng “phì hươn”(tổ tiên) và “phì khuồn”( linh hồn), cứ 10 ngày cúng cơm tổ tiên một lần gọi là “Pạt Tông”, tính theo lịch thiên can từ: Mự Mương, Mự Pớc, Mự Cắt, Mự Khốt, Mự Huộng, Mự Táu, Mự Cá, Mự Cáp, Mự Hặp và Mự hai, cứ thế chu kỳ 10 ngày quay vòng một lần.

1
Ngày “Pạt Tông” chỉ cần thắp nén hương, chén rượu, bát cơm, cá nướng, đĩa rau hoặc đĩa măng đặt lên ban thờ cúng ông bà tổ tiên là xong không cần cầu kỳ về hình thức

 

Dựa theo lịch này, mỗi gia đình, dòng họ đều chọn lấy một ngày để cất nhà, cưới xin, đi đường xa, hay làm lễ cúng bái ông bà tổ tiên.v.v. chỉ cần chọn ngày phù hợp với gia đình mình và tránh ngày “Pạt Tông” và “Mự Vên ó”. Tuy nhiên đồng bào dân tộc Thái lại có rất nhiều dòng họ khác nhau như Họ: Quàng, Lường, Lò, Cà, Vì,.v.v. vì thế mỗi họ lại có một ngày “Pạt Tông” khác nhau. Ngày “Pạt Tống” còn gọi là "Mự Vên tông" (ngày giỗ tổ) có nghĩa khi bố mất, con phải chọn ngày rước hồn bố lên nhập với tổ tiên và thay ông làm chủ tổ tiên, gọi là "Po Đẳm". Ngày gọi hồn lên nhập tổ tiên có thể một ngày, ba ngày, năm ngày sau khi bố mất nhưng không được quá một vòng thiên can 10 ngày theo lịch của người Thái, ví dụ: gọi hồn bố nhập tổ tiên ngày giáp thì cứ đến ngày giáp là ngày giỗ tổ (mự vên tông).

Mỗi tháng người dân tộcThái “Pạt Tông” ba lần. Trước đây người chết chôn xong, sau ba ngày hoặc trên ba ngày gọi hồn về nhập “Đẳm” àu phì khửn hươn thì thôi không cần chăm sóc đến mồ mả, nhưng khi có người mới mất thì sau 1 tháng phải làm lễ “xền sống hầng” gọi hồn người mất về nhà lấy các loại đồ dùng của họ rồi mới siêu thoát lên trời được.

Trong mân cúng ngày “Pạt Tông” như hiện nay thì không còn nặng nề thủ tục như ngày xưa về hình thức phải có mân cao cỗ đầy thịt lợn, thịt gà mà người Thái chỉ quan niệm con cháu ăn uống sinh hoạt như thế nào thì ông bà tổ tiên cũng vậy, ngày “Pạt Tông” chỉ cần thắp nén hương, chén rượu, bát cơm, cá nướng, đĩa rau hoặc đĩa măng, đặt lên ban thờ cúng ông bà tổ tiên là được, chỉ kiêng con ếch, con nhái, con lươn.

Ngoài thờ cúng tổ tiên vào dịp lễ, tết, hay nhà có hiếu, hỷ, theo lịch thiên can này, tùy theo từng dòng họ, đồng bào dân tộc người Thái duy trì cứ 10 ngày làm cơm cúng tổ tiên một lần, ngày “Pạt Tông” có thể không bắt buộc đối với từng nhà, có những gia đình không có thời gian hoặc hay đi xa không ở nhà thì sẽ nhờ thầy Mo hoặc chủ nhà rặn tổ tiên là đến ngày “Pạt Tông” xin không thờ cúng mà thay vào các ngày rằm, mùng 1 sẽ thắp hương hoa quả, bánh kẹo, xôi, thịt gà,.v.v.

1
Ông Lò Văn Sanh, đội 5, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên bên ban thờ ngày “Pạt Tông” của gia đình

 

Ông Lò Văn Sanh, đội 5, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên chia sẻ: "Phong tục thờ cúng của người Thái chúng tôi, ngoài thờ cúng tổ tiên vào dịp lễ, tết, thì cứ 5 ngày, hoặc 10 ngày đồng bào lại làm cơm cúng tổ tiên một lần. Tuỳ từng nhà, từng dòng họ mà người ta chọn lấy ngày theo lịch vạn niên của người Thái để thờ cúng tổ tiên nhà mình.

Trong mâm cỗ cúng tổ tiên những ngày này, tuỳ theo điều kiện, có nhà thì cúng cá, cúng thịt và có thể có thêm cả rau, cả măng, không phải cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy như những dịp lễ tết, chủ yếu là thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên nhà mình, còn đối với gia đình tôi thì có người ở nhà thường xuyên không phải đi làm nên cứ đến ngày “Pạt Tông” là chuẩn bị đồ để thắp hương."

Không phải người dân tộc Thái mê tín, mà họ luôn quan niệm “có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành” nên thay vì đi ra ngoài bói toán làm lễ cúng bái này nọ thì họ lại luôn hướng về gia đình tổ tiên trước. Có thể nói, "Pạt tống" là phong tục truyền thống tốt đẹp và là một trong các thành tố tín ngưỡng tạo nên bản sắc riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái tại tỉnh Điện Biên.
 

                                                                                                                               

 

Thúy Hằng

.