Điện Biên

Xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Thứ Năm, 23/11/2017, 09:43 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa đọc và đây là một trong những dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa giáo dục tại cơ sở

Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhằm từng bước hình thành thói quen, sở thích, kỹ năng đọc nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, chú trọng tới người dân vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Từng bước cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh.

1
Tỉnh Điện Biên mở ngày Hội văn hóa đọc nhằm khuyến khích cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí trong các tầng lớp nhân dân (ảnh KT)


Việc phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài nên cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học ở địa phương nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu mà đã được Đề án đưa ra. Kế hoạch phải được triển khai từ cấp tỉnh đến cơ sở và tranh thủ được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cộng đồng dân cư.

Từng bước tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động của hệ thống thư viện công lập, hệ thống thư viện của các cơ sở giáo dục và đào tạo và các phòng đọc, tủ sách cơ sở của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương.

Chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động phục vụ bạn đọc tại các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng và một số thư viện của các cơ sở giáo dục và đào tạo tại địa phương; nâng cao số lượng, chất lượng bổ sung vốn tài liệu của các kho tài nguyên trong hệ thống thư viện công cộng ở địa phương, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của nhân dân bằng cả hình thức tài liệu sách in và sách điện tử.

Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 tại tỉnh Điện Biên đã xác định: Phấn đấu 70% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; Phấn đấu 15% - 20% người dân ở khu vực nông thôn, 10% - 15% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã tại cơ sở

Phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 0,3 bản/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 01 cuốn sách/năm; Phấn đấu số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 250.000 lượt/năm; Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 60% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật; 80% thư viện của các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học có đủ vốn tài liệu chuyên sâu./.

1
Từng bước đổi mới đa dạng hóa các dịch vụ thư viện nhằm tăng cường việc sử dụng thư viện có hiệu quả - ảnh: Ngày hội đọc sách của Thư viện tỉnh Điện Biên


Định hướng đến năm 2030 người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện; hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản in và điện tử).

Để văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt được những kết quả như đề án đã nêu thì rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, đổi mới đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; tăng cường phổ biến, hướng dẫn về phương pháp sử dụng thư viện có hiệu quả; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cần thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên địa bàn

Mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc cho mọi người nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên là phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc cho mọi thành viên trong xã hội, tạo ra môi truờng thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận tài liệu đọc chất lượng cao, môi trường tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức, tôn vinh các bậc cha mẹ đọc cho con cái nghe, chủ động giáo dục kỹ năng đọc cho mọi người dân là yếu tố quyết định thành bại của quá trình phát triển nền văn hoá đọc của mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Nâng cao văn hóa đọc là việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập - một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

 

Hương Trà/Dienbientv.vn

.