Điện Biên

Vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải – Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của dân tộc Mông

Thứ Tư, 04/10/2017, 16:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nằm trên đỉnh đèo Ma Thì Hồ, bản Cổng trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Mông với những nét văn hoá truyền thống vô cùng độc đáo. Một trong số đó chính là kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải, đây là tri thức dân gian về một nghề thủ công truyền thống đã gắn bó với đồng bào tự ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn được những người dân nơi đây gìn giữ.

Theo chân anh Hồ A Thào – cán bộ văn hoá xã Sa Lông, chúng tôi tìm gặp bà Hồ Thị Lù – 1 trong những người nắm giữ những tinh hoa trong loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bà Lù cho biết: Trước khi bắt đầu vẽ hoa văn phải lấy sáp ong cho đun nóng để sáp chảy ra. Khi đun sáp, luôn phải giữ lửa đều để sáp không bị khô nên khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải.

Khi vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng đặt vải lên một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng. Quy trình vẽ hoa văn sáp ong trên vải mới nghe tưởng như đơn giản nhưng để làm được một chiếc váy hoàn chỉnh, phụ nữ Mông phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức.

              Bà Hồ Thị Lù đang vẽ hoa văn bằng sáp ong.

Ngoài các họa tiết có cấu tạo bằng đường thẳng, đoạn thẳng, người Mông còn thành thục trong việc bố cục đồ án hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay các biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng qua gương tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ S. Đường xoáy dứt khoát thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển tạo cho bố cục hài hòa, không đơn điệu

Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của dân tộc Mông. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người.

Đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ.

Mới đây, nghệ thuật dân gian này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017, vì vậy công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể này cần được quan tâm hơn nữa để nó phát huy tốt giá trị trong đời sống cộng đồng.

 

Lường Hương

.