Điện Biên đã có 6 Di sản Văn hóa phi vật quốc gia

Thứ Sáu, 15/09/2017, 13:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như vậy tại tỉnh Điện Biên đã có 6 Di sản Văn hóa phi vật quốc gia
 
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 11/9/2017 về công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, có 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong đó tỉnh Điện Biên có 2 Di sản đó là Lễ hội té nước và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa.

Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Cứ vào ngày trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm, tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên lại nô nức mùa lễ hội “ Bun Huột Nặm” hay còn gọi là Lễ hội té nước để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc.

1
Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

 

Lễ hội té nước của dân tộc Lào mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh được nhân dân bản Na Sang 1, 2  phục dựng lại 5 năm trở lại đây. Lê hội gồm phần lễ và phần hội, ở phần hội có các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của dân tộc Lào. Lễ hội té nước của người Lào xã Núa Ngam, huyện Điện Biên được tổ chức đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của tộc người cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần.

Đây là lễ hội và cũng là tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh không chỉ là lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gióa hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn trong năm qua mà thực chất còn là lễ cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an đầu năm mới. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà

Người Mông bản Cổng Trời xã Sa Lông huyện Mường Chà còn lưu giữ nét văn hóa độc đáo, quý giá, đó là kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông hoa, đây là nghề thủ công truyền thống đã gắn bó với đồng bào tự ngàn xưa.

1
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà. (ảnh KT)

 

Người Mông ở đây vẫn tự trồng lanh, xe sợi, dệt vải để gìn giữ nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm như: Váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp... thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác, tạo nên sự linh hoạt, khác biệt, không hề lẫn lộn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.

Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải cho thấy người Mông hoa phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Đồng bào dân tộc Mông hoa quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người nơi đây. Đó là nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà

Hai Di sản văn hoa phi vật thể của tỉnh Điện Biên được công nhận đợt này đã nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật quốc gia của tỉnh Điện Biên được công nhận là 6 Di sản, gồm: Xòe Thái; Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ) tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà.

6 Di sả được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên đồng thời khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hoá dân tộc. Qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, quảng bá, tuyên truyền nét đẹp văn hóa độc đáo của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước./

 

Hương Trà

 

.