Tết hoa - Nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cống

Thứ Hai, 21/11/2016, 14:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dân tộc Cống là một dân tộc thiểu số đặc biệt ít người cư trú trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong những năm gần đây, với sự quan tâm hỗ trợ của đảng, nhà nước đời sống của đồng bào có nhiều cải thiện, cùng với đó nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được khôi phục. Trong đó có tết hoa - nét văn hóa truyền thống quan trọng, độc đáo tiêu biểu của cộng đồng.

Đồng bào dân tộc Cống định cư tại bản Nậm Kè qua nhiều thế hệ. Cuộc sống của đồng bào dù trải qua nhiều thăng trầm, biến cố nhưng vẫn gắn bó với thiên nhiên núi rừng và dòng Nậm Kè bốn mùa ăm ắp nước. Cuộc sống dựa hoàn toàn vào thiên nhiên với những yếu tố chi phối như núi, sông, suối, mưa, gió nên đồng bào dân tộc Cống luôn phải đối mặt với những khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực không mệt mỏi để có thể sinh tồn, phát triển.

22.jpg
Ngày tổ chức tết hoa được đồng bào Cống coi như ngày cuối năm để khép lại năm cũ và đón chào năm mới.

 

Trong cuộc sống ấy họ cần những chỗ dựa tâm linh vững chắc, đó là sự phù hộ của tổ tiên, đó là sự bảo vệ của các thần linh như thần sông, thần suối, thần rừng, thần bản trước ma quỷ, những điều xấu xa, những điều không may mắn có thể xảy đến với cộng đồng. Và Tết hoa được đồng bào dân tộc Cống tổ chức sau khi mùa màng đã thu hoạch xong xuôi chính là dịp quan trọng để cầu xin sự phù hộ, bảo vệ ấy. Ngày tổ chức tết hoa được đồng bào Cống coi như ngày cuối năm để khép lại năm cũ và đón chào năm mới. Qua những nghi lễ trong Tết hoa có thể dễ dàng nhận thấy đời sống tâm linh hết sức phong phú cũng như nhân sinh quan của đồng bào Cống đối với thiên nhiên và cuộc sống.

Trước đây, dù đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng đồng bào Cống bản Nậm Kè vẫn đều đặn tổ chức Tết hoa. Bởi khi năm hết tết đến nhà nào cũng muốn báo cáo đến tổ tiên, các vị thần linh kết quả sản xuất, làm ăn trong năm qua và cầu xin năm tới mọi người trong gia đình khỏe mạnh, mùa màng bội thu, chăn nuôi không bị dịch bệnh. Đến nay, trải qua biết bao thế hệ, vật đổi sao rời nhưng đời sống của đồng bào Cống vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Bởi vậy, ý nghĩa của việc tổ chức tết hoa của đồng bào vẫn vẹn nguyên không thay đổi so với tổ tiên trước kia. Và Tết hoa đã trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo tiêu biểu không thể thiếu trong đời sống của đồng bào.

1
Tết hoa đã trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo tiêu biểu không thể thiếu trong đời sống của đồng bào.

 
Để tổ chức Tết hoa, công việc quan trọng nhất chính là chuẩn bị đồ lễ để thực hiện nghi thức cúng bái tại mỗi gia đình trước khi cả bản cùng ăn uống, vui chơi đón chào năm mới. Thường thì việc cúng được thực hiện đầu tiên tại nhà thấy mo sau đó mới đến các hộ gia đình khác. Việc cúng bái tại gia đình được chia làm 2 phần rõ rệt: Cúng sống và cúng chín. Mâm lễ cúng sống khá đơn giản chỉ gồm một con gà, 1 bát gạo, một quả trứng sống cùng những bông hoa mào gà. Người đàn ông chủ nhà đại diện cho cả gia đình sẽ thực hiện nghi lễ bằng việc cắt tiết con gà và đọc lời khấn.

Nếu như cúng sống được hiểu như lời mời linh hồn các bậc tổ tiên biết để về dự tết cùng con cháu thì cúng chín lại được thực hiện cẩn thận và cầu kỳ hơn. Các vật phẩm được chuẩn bị sẽ có gà, cá, gạo nếp, gừng sống, hoa quả và không thể thiếu được khoai sọ. Theo như lý giải của các nhà văn hóa dân tộc Cống là một trong những dân tộc sử dụng khoai sọ làm loại lương thực chủ đạo, căn bản đầu tiên trước cả lúa gạo.

Điều này giải thích tại sao khoai sọ luôn được chuẩn bị đầu tiên cho mâm cúng. Khoai sọ được luộc chín; xôi được đồ; cá được nấu canh, hoặc nướng trong ống tre cùng mọi vật phẩm khác mà gia chủ làm được, kiếm được trong cả một năm làm ăn, lao động...Tất cả được bày biện ở gian chính giữa nhà. Một chiếc cột gỗ nhỏ được dựng lên và trên đó buộc hoa mào gà. Theo tín ngưỡng của đồng bào Cống đây chính là con đường giúp linh hồn đi lại giữa cõi âm và cõi dương. 

1
Các vật phẩm được chuẩn bị sẽ có gà, cá, gạo nếp, gừng sống, hoa quả và không thể thiếu được khoai sọ

 

Sau khi các hộ gia đình cúng xong, công việc chuẩn bị cho lễ cúng, cũng như chuẩn bị thực phẩm để cả bản vui Tết hoa được tất cả mọi người cùng tham gia. Các bà, các mẹ, chị em phụ nữ chuẩn bị rau, củ, quả, đồ xôi. Đàn ông trai tráng đảm nhận việc giết bò, mổ lợn. Tùy điều kiện kinh tế mỗi năm bản sẽ chuẩn bị một con trâu, bò hoặc lợn để ăn tết.

Năm nay, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ đề án của Ban dân tộc tỉnh, bản Nậm Kè tổ chức Tết hoa to bằng việc mổ một con trâu. Mọi việc được chuẩn bị trong không khí háo hức, tưng bừng ngập tràn niềm vui, niềm phấn khởi của tất cả mọi người trong bản. Mâm cúng chung cho cả bản được chuẩn bị cũng đầy đủ mọi thứ như tại gia đình và không thể thiếu những bông hoa mào gà được thiếu nữ trong bản cất công đi hái trên nương từ trước đó. Khi mọi thứ được chuẩn bị xong xuôi, thầy mo của bản chọn giờ đẹp mới đến nơi cúng và thay mặt cho cả bản đọc những lời khấn gửi đến các vị thần linh.

Sau lễ cúng, tất cả mọi người trong bản được phép ăn uống, vui chơi, ca hát thoải mái. Trong tiếng trống, tiếng chiêng vang lừng là những điệu múa uyển chuyển của các thiếu nữ dân tộc Cống; là những lời hát giao duyên đầy tình tứ, ý nhị; là những lời hát ru con âu yếm mong con khỏe mạnh, mau lớn... Sáng hôm sau, cả bản lại tập chung để cùng tham gia các trò chơi, các môn thể thao như đánh quay, bắn nỏ vừa rèn luyện sức khỏe vừa tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó.

Có thể nói, Tết hoa không chỉ là dịp để đồng bào Cống tiễn biệt năm cũ đón chào năm mới cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp mà còn là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc riêng biệt đại diện cho cộng đồng. Việc khôi phục, phục dựng Tết hoa với đầy đủ mọi nghi lễ, nội dung cũng góp phần quan trọng giúp đồng bào Cống gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một dần theo thời gian. Chính bởi vậy, trong những năm tiếp theo, cộng đồng dân tộc Cống bản Nậm Kè vẫn cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của đảng, nhà nước để tiếp tục duy trì tổ chức lễ hội Tết hoa với đầy đủ nội dung và ý nghĩa nhân văn tốt đẹp nhất.

Là cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người cư trú tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa đời sống gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn so với các  dân tộc khác nên đồng bào Cống cảm nhận rõ sự từng sự thay đổi, biến chuyển của cộng đồng. Trước hết, những yếu tố thiết yếu như điện, đường, trường học, nước sinh hoạt từng bước được đầu tư xây dựng tạo động lực to lớn, quan trọng giúp cộng đồng phát triển, xích gần lại hơn với xã hội hiện đại. Sản xuất nông, lâm nghiệp cũng có bước tiến mới góp phần ổn định đời sống của đồng bào.

Và giờ đây, nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, gìn giữ phong tục, tập quán và những nét đặc trưng riêng của dân tộc về trang phục, tiếng nói, những bài hát, điệu múa truyền thống và quan trọng hơn hết là gìn giữ phát huy Tết hoa nét đẹp văn hóa truyền thống được truyền qua bao thế hệ.v.v. là điều được đồng bào Cống tập trung thực hiện.

 

Chu Linh - Anh Tuấn
 

.