Điện Biên: Hội thảo "Lễ hội Xên Mường thanh"

Thứ Tư, 09/11/2016, 14:32 [GMT+7]
Điện Biên TV - Sáng 9/11, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội thảo " Lễ hội Xên Mường thanh ". 
 
s
Quang cảnh hội thảo 
 
 
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe nhiều báo cáo tham luận về Một số ý kiến xung quanh về việc tổ chức lễ hội Xên Mường thanh; tham luận về thực tiễn phục dựng lễ hội Xên Mường thanh năm 2012 và các bước thực hiện nghi lễ Xên Mường; tham luận vài nét về hội Xên mường của người Thái Mường then xưa...
 
Theo một số tài liệu nghiên cứu, lễ hội Xên Mường- Mường Thanh có từ thế kỷ thứ XIII, khi thủ lĩnh Lạn Chượng đặt chân lên vùng đất này. Bắt đầu từ đó, lễ hội Xên Mường liên tục được những người đứng đầu vùng đất Mường Thanh mở rộng quy mô, cách thức tổ chức. Xên Mường là lễ hội dâng hương các vị thần linh đã có công khai sáng, xây dựng bản làng; cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bà con dân bản ai cũng đều khoẻ mạnh, cuộc sống được ấm no, hạnh phúc.
 
Từ giữa thế kỷ XX đến nay, cùng với cả nước tỉnh Điện Biên tập trung nhân lực và vật chất bảo vệ và xây dựng đổi mới đất nước nên chưa phục dựng được lễ hội. Những năm trở lại đây, tuy đã có nhiều chương trình, dự án phục dựng thành công nhiều lễ hội các dân tộc trong tỉnh như: Khơ Mú, Lào, Mông, Cống... Song các lễ hội ấy, quy mô tổ chức đều không lớn. Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu cho thấy lễ hội Xên Mường có lịch sử lâu đời, là di sản văn hóa truyền thống, là “bảo tàng sống” vô cùng quý giá của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên.
 
Người Thái quan niệm rằng tháng 9, tháng 10 theo lịch Thái (tương ứng với tháng 3, tháng 4 âm lịch của người Việt) là những tháng đẹp nhất trong năm. Thời gian ấy đất- trời đều linh thiêng, con người và vạn vật đều cảm nhận được sự giao thoa, gần gũi nên cần tổ chức lễ Xên Mường để gửi gắm khát vọng, niềm tin thiêng liêng và sự biết ơn của bà con dân mường với đất, trời; với các bậc tiền bối, với các thủ lĩnh đã có công đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khai sơn lập địa dựng bản, dựng mường. Qua đó, cầu mong cho mưa thuận gió hòa; bản mường thái bình, nhân dân an lành no ấm hạnh phúc. Xên Mường chứa đựng những triết lý nhân sinh về văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán , thể hiện khá rõ nét về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.
 
Lễ Xên Mường xưa có quy mô với 4 Chiềng, 7 Đông Xên: Chiềng Chăn là khu vực trung tâm có 4 Đông Xên đó là: Đông Xên Luông Vắng ven (nay là khu vực bản Ta Pố) là nơi thờ chung các thần linh trời - đất, các tướng lĩnh toàn mường. Đông Xên Pú Vắng (khu dưới bản Ta Pố) là nơi thờ đồng bào đã bị giặc giết tập thể, lưu giữ chiến công bắt sống tướng giặc là chẩu phạ Tin Tóong thế kỷ 15. Đông Xên Hua Pe (nay là khu bản Pe) là nơi thờ thủ lĩnh Khun Pe- con trai Lạn Chượng. Đông Xên Lạn Chượng (khu đồi A1) là nơi thờ Lạn Chượng– người đầu tiên lập nên Mường Thanh. Khu vực Chiềng Lé là nơi thờ Hoàng Công Chất, tướng Ngải, tướng Khanh và các tướng sỹ của Hoàng Công Chất. Chiềng On (nay là khu vực Noong Luống và Noong Hẹt) là nơi thờ các tướng lĩnh, thủ lĩnh trong vùng. Chiềng Xôm (khu Đông Xên Sam Mứn, có thành Tam Vạn) là nơi thờ thủ lĩnh Khun Mứn – cháu của Lạn Chượng. Lễ hội được tổ chức trong 5 ngày, mở đầu bằng đám rước từ nhà người đứng đầu mường với sự giúp sức của 2 phó mường ra Đông Xên (tức Rừng Thiêng) yết cáo xin tổ chức lễ hội, đóng cọc trụ mường, làm lễ hiến sinh, sau đó tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao truyền thống của dân tộc./. 
 
 
Tử Long
 
.