Điện Biên: Chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở

Thứ Tư, 20/07/2016, 15:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động luôn hướng về cơ sở, đặc biệt là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã đạt nhiều kết quả rõ nét. Hệ thống thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao, nhà Văn hóa hoạt cộng đồng... cùng với các tiêu Xây dựng nông thôn mới, đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần tích cực phục vụ nâng cao chất lượng văn hóa ở cơ sở.

 

Ngày hội văn hóa thể thao và ẩm thực các dân tộc huyện Mường Ảng (Điện Biên) năm 2016 Ảnh-Vũ Lợi
Ngày hội văn hóa thể thao và ẩm thực các dân tộc huyện Mường Ảng (Điện Biên) năm 2016 Ảnh-Vũ Lợi

 

Điện Biên là tỉnh miền núi, đường biên giới Kinh tế - văn hóa - xã hội chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục, tập quán canh tác sản xuất còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao (theo tiêu chí mới là 48,%). Vượt lên những khó khăn ấy, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tổ chức triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh, do đó đời sống văn hóa ở cơ sở đã có những chuyển biến rõ nét, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả hết sức phẩn khởi.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh đã có 80.586/118.616 hộ gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, có 1.332/1.813 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa“, đã có 1.235/1.288 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa, Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã được các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc nhiệt tình hưởng ứng, toàn tỉnh đã tổ chức được 217 giải thi đấu thể thao thu hút hơn 23.000 lượt người tham gia. Riêng ở cơ sở đã tổ chức được 160 giải thu hút trên 15.000 lượt người tham gia. Qua đó, có thể thấy các hoạt động văn hóa cơ sở đã thấm vào các tầng lớp xã hội, trở thành nhu cầu thiết thực, đi vào chiều sâu và thực chất, góp phần từng bước nâng cao đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.

 

Thi giã bánh Dày tại giao lưu văn hóa dân tộc Mông huyện Điện Biên lần thứ II-2015 Ảnh- Xuân Hòa
Thi giã bánh Dày tại giao lưu văn hóa dân tộc Mông huyện Điện Biên lần thứ II-2015 Ảnh- Xuân Hòa

 

Là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nên việc Cưới, việc tang và lễ hội đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm và thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 26/11/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên. Do vậy, các hoạt động này hầu hết đã được đưa vào quy ước của các tổ dân phố, bản, khu dân cư và đây được coi là một trong những tiêu chí bình xét, công nhận gia đình, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa. Vậy nên, trong việc cưới, đa số các cặp vợ chồng thực hiện đúng theo luật Hôn nhân và Gia đình như: đăng ký kết hôn trước khi cưới, hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, không cưỡng ép, nam nữ bình đẳng, tổ chức cưới đảm bảo lành mạnh, vui tươi, không phô trương, lãng phí.

Tuy nhiên ở một số ít đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hiện tượng tảo hôn, không đăng ký kết hôn trước khi cưới. Đối với việc tang, hầu hết các đám tang đảm bảo theo các quy định, lễ viếng trang trọng, đơn giản, tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên hiện tượng rắc vàng mã trên đường đi đưa tang, ăn uống trong tang lễ, người chết không cho ngay vào quan tài vẫn còn tồn tại. Các hoạt động lễ hội được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với điểu kiện kinh tế, phong tục tập quán và truyền thống của dân tộc. Hiện nay, một số các lễ hội dân gian của các dân tộc vẫn được duy trì tổ chức thường xuyên như: Xên Bản của dân tộc Thái, Cầu mưa của dân tộc Lào... Đặc biệt là lễ hội Hoa ban, lễ hội Đền Hoàng Công Chất hằng năm đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.

 

 

Nói đến xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, không chỉ bao gồm các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, mà còn bao gồm cả cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết chế văn hóa. Do vậy, bằng nhiều nguồn vốn, bằng nhiều hình thức tổ chức thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nên nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7/10 các huyện, thị, thành phố có nhà văn hóa cấp huyện, có 45/130 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, có 375/1.813 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; toàn tỉnh hiện có 58 sân Bóng đá, 01 sân Điền kinh, 12 sân Tennis, 70 nhà tập luyện và 11 Bể bơi, 30 sân Bóng rổ, 20 sân Bóng ném, 350 sân Bóng chuyền ngoài trời, trên 500 sân cầu lông và các khu thể thao, vui chơi giải trí khác. Đây là những thiết chế văn hóa quan trọng ở cơ sở để từng bước đổi mới, nâng cao về chất lượng hoạt động văn hóa, tiếp tục khẳng định tính toàn dân, toàn diện, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ở cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, đã huy động được sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa, nổi bật trong hoạt động này là Ủy ban MTTQ các cấp, từ đầu năm đến nay đã phân bổ 594,5 triệu đồng để hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết. Nhiều địa phương đã gắn kết giữa phong trào xây dựng văn hóa ở cơ sở với xây dựng nông thôn mới, nên đã tạo ra những chuyển biến rõ nét về các hoạt động văn hóa trên mỗi cộng đồng dân cư. Từ chỗ đời sống văn hóa, tinh thần được coi trọng, nên đã tác động tích cực đến các lĩnh vực như: kinh tế - xã hội phát triển, chính trị ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở được được giữ vững, làm cho nếp sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số văn minh hơn, nhất là việc giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Ngoài những kết quả nỗ lực đã đạt được, thì công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế, đó là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy Đảng và chính quyền nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa thường xuyên, liên tục. Những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa ở cơ sở, còn chưa có tính lâu dài, chất lượng chưa cao, thiếu sự bền vững, một số phong trào văn hóa còn mang tính hình thức và bệnh thành tích. Cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hóa tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu thốn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, chính sách đãi ngộ chưa  phù hợp.

Hy vọng những khó khăn đó chỉ là tạm thời, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh, việc thực hiện Nghị quyết số 33 -NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 13-NQ/TU của tỉnh ủy Điện Biên về"Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở; khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa, để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ở cơ sở./.

 



 Khánh Toàn

.