Tết nhảy lửa - Nét văn hóa độc đáo của người Dao đỏ

Thứ Sáu, 12/02/2016, 22:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Nậm Pồ có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một phong tục đón Tết cổ truyền rất riêng và đặc sắc. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, trên khắp bản làng của người Dao đỏ ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ lại rộn ràng với Tết nhảy lửa.

Người Dao đỏ đón xuân theo tập tục truyền thống tổ tiên được lưu truyền với những nét độc đáo rất riêng của dân tộc. Bắt đầu từ ngày 28 Tết, khắp bản trên, bản dưới, đồng bào dân tộc đã bắt tay dọn dẹp vệ sinh bản làng, mổ lợn, gà trống thiến và làm bánh nếp. Tết nhảy lửa được mỗi dòng họ 2 năm tổ chức một lần hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào điều kiện của từng họ, với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khỏe, ngày càng làm ăn phát đạt.

c
Tết nhảy lửa được tổ chức trong ngày mùng 1 Tết, tại nhà trưởng họ

 

Ông Chảo Xuân Trình, bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ cho biết: "Hàng năm vào mùng 1 Tết con cháu trong dòng họ về nhảy lửa nhằm tắm thân thể để xua đuổi những cái không tốt của năm cũ. Nếu dòng họ nào có điều kiện thì tổ chức mỗi năm một lần còn không có thì 2 - 3 năm tổ chức 1 lần."

Tết nhảy lửa được tổ chức trong ngày mùng 1 Tết, tại nhà trưởng họ, các thành viên trong họ đều tấp nập giúp trưởng họ chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các vật phẩm để làm lễ dâng cúng cho buổi lễ. Ngay từ sáng sớm, con cháu trong họ đi hái hoa rừng, nữ thì hái hoa màu trắng, nam thì hái hoa màu đỏ hoặc màu vàng. Chọn giờ lành, con cháu trong họ cúng lậy tổ tiên theo sự hướng dẫn của già làng. Buổi chiều, cả họ tập trung bày cỗ, lập đàn cúng chuẩn bị cho các nghi thức nhảy lửa. Tham gia nghi lễ là những nam thanh niên, thực hiện 14 điệu múa nghi lễ theo sự hướng dẫn của thầy cúng.

Khai lễ, được thực hiện bằng các điệu múa như múa: Đưa đường, dẫn đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Các điệu múa chỉ được thực hiện bằng một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao; phần chính được bắt đầu từ lễ khai đàn và kết thúc bằng lễ chiêu binh với các điệu múa, lời hát kết hợp với tiếng chiêng trống rộn ràng.

Các điệu múa vừa kỳ ảo, vừa tưng bừng, độc đáo và mang tính hình tượng cao. Đây là một trong những nghi lễ văn hóa đặc sắc không thể thiếu của đồng bào dân tộc người Dao đỏ trong những ngày đất trời vào xuân./.

 

Mắn On
 

.