Thiếu sân tập môn bóng đá

Thứ Hai, 20/07/2015, 10:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bóng đá được ví như môn thể thao vua, với rất nhiều người yêu thích, đặc biệt ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Tập luyện bóng đá cũng mang lại sức khỏe cho người chơi. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi, Điện Biên còn nhiều khó khăn để phát triển môn thể thao vua này, nhất là điều kiện về sân bãi.

Trung tuần tháng 6, chúng tôi có chuyến công tác về xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông. Dọc đường đi, hình ảnh những em bé chừng 8 – 10 tuổi chân đá vỏ chai nước lọc, vô tư cười đùa khiến chúng tôi muốn nán lại vừa để nghỉ, vừa hỏi thăm về cuộc sống của các em. Trong số 6 “cầu thủ”, Lường Văn Nam là lớn tuổi nhất (12 tuổi) ở bản Giói A. Trả lời với vẻ mặt e dè về “thú vui” mà mình đang chơi, Nam nói: Bố mẹ đi nương, ở nhà bọn em rủ nhau đá bóng. Không có tiền mua bóng nên thay vỏ chai bằng bóng. Khi được hỏi sao lại đá ở đường, Nam vô tư đáp: Không có sân ạ! Không chỉ các xã của Điện Biên Đông, không có sân bóng đá mà ngay trung tâm huyện cũng chỉ có 1 sân vận động; trong khi nhu cầu của người dân khá nhiều. Ngoài Điện Biên Đông, các huyện, thị khác cũng chỉ có đơn lẻ vài sân bóng “theo quy định” 11 người chơi, nơi còn không có sân nào, người dân phải tận dụng quỹ đất trống, hoặc ruộng nương bỏ hoang, chưa đến mùa canh tác làm sân bóng.

c
TP. Điện Biên Phủ có gần 20 sân bóng, trong đó 4 sân cỏ nhân tạo, số lượng sân khá khiêm tốn so với nhu cầu người yêu thích môn thể thao vua. Trong ảnh: Sân cỏ nhân tạo (cạnh Nhà thi đấu Đa năng tỉnh) thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Chi nhánh tỉnh Điện Biên luôn trong tình trạng “đắt khách”.

 

Nhiều năm qua, TP. Điện Biên Phủ là địa bàn có phong trào TDTT phát triển mạnh, nhưng đó là những môn thể thao ít phải đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho tập luyện, còn với môn thể thao như bóng đá, việc phát triển vẫn là vấn đề khó khăn. Trong số 51 sân bóng đá toàn tỉnh, TP. Điện Biên Phủ có gần 20 sân. Phần lớn các sân chưa đạt tiêu chuẩn và khó đáp ứng nhu cầu người tham gia tập luyện. Tại sân cỏ nhân tạo (cạnh Nhà thi đấu Đa năng tỉnh) thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Chi nhánh tỉnh Điện Biên, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Thắng, thành viên đội FC Thanh Hưng. Anh Thắng chia sẻ: Bóng đá là môn mình thích, chiều nào không bận công việc cũng đến đây chơi. Nhưng do ít sân mà người chơi đông nên chờ đến lượt thì khá lâu. Có hôm còn không tới lượt vì đến muộn, đội khác thuê rồi. Cũng như anh Nguyễn Văn Thắng, bạn Trần Đức Dương, phường Mường Thanh. TP.Điện Biên Phủ có niềm đam mê môn thể thao vua từ bé. Bởi thế, mỗi buổi chiều, Dương đều đến sân cỏ nhân tạo Trường Cao đẳng nghề chơi cùng bạn bè. Theo Trần Đức Dương, do ít sân, mà người chơi nhiều nên việc phải ngồi chờ đến lượt là rất bình thường, có hôm còn không được đá trận nào.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “So với các tỉnh khác, số sân bóng đá ở tỉnh là khá khiêm tốn. Chính vì vậy, khó có thể đáp ứng nhu cầu người chơi. Bởi để xây dựng sân bóng đạt tiêu chuẩn phải đầu tư vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Với chi phí lớn như vậy, trong khi Điện Biên còn khó khăn về mọi mặt nên việc đầu tư vốn để xây dựng sân bóng đá rất khó thực hiện. Để đáp ứng nhu cầu chơi ngày càng tăng của nhân dân, địa phương, cơ quan, đơn vị, cần tạo điều kiện về quỹ đất, vận động các doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng sân bóng. Từ đó, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên cũng như những người yêu thích môn bóng đá."

 

Văn Quyết

 

.