Visa cộng lệ phí quá cao đang cản chân khách du lịch đến Việt Nam

Thứ Tư, 10/06/2015, 14:52 [GMT+7]

Với chi phí xin visa vào Việt Nam, khách du lịch châu Ấu có thể ở lại hai đêm ở Bangkok, Thái Lan.

Trình bày Báo cáo của Nhóm Công tác Du lịch tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ ngày 9/6, ông Ken Atkinson cho biết, do phí cấp thị thực (visa) quá cao mà nhiều khách du lịch châu Âu do dự khi sang Việt Nam. Nhiều người trong số đó đã chọn Thái Lan – nơi chi phí cho visa vào Việt Nam có thể trả 2 đêm ở Bangkok.

Nhóm Công tác Du lịch ủng hộ việc miễn thị thực cho các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand vì số lượng khách du lịch tới từ những quốc gia này hiện đang chiếm tới 1,6 triệu lượt/năm. “Giảm phí vissa sẽ giúp Việt Nam thu về hàng trăm triệu USD do lượng khách du lịch tăng cao”, ông Atkinson nhấn mạnh.

1
Khách du lịch đến Hà Nội. (Ảnh: Trần Ngọc)

 

Theo thống kê, lượng khách đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và NewZealand năm 2014 vào khoảng 1,6 triệu lượt. Số ngày lưu trú trung bình hiện tại vào khoảng 11,3 ngày và mức chi tiêu trung bình một ngày vào khoảng 102 USD.

Với lượng tăng trung bình từ khách du lịch đến từ nhóm nước này khoảng 2% và phí trung bình thị thực là 70 USD như hiện nay, năm nay, Việt Nam dự kiến đón thêm 32.000 lượt khách, tổng doanh thu xấp xỉ 40 triệu USD (2,25 triệu USD phí thị thực và 36,88 triệu USD phí chi tiêu).

Nhóm công tác đề xuất giảm lệ phí thị thực mà hiện tại đang cao thứ hai ở Châu Á và xem xét mức phụ phí đối với thị thực trực tuyến và hồ sơ xin cấp thị thực trực tuyến.

Theo phân tích của Nhóm Công tác Du lịch, mặc dù có khả năng cạnh tranh hơn các nền kinh tế khác, một điểm đến tuy rất hấp dẫn nhưng lại có khó khăn trong việc cấp thị thực nhập cảnh có thể mất lưu lượng khách du lịch cho những nước có chính sách nhập cảnh thuận lợi hơn, như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, và Malaysia... Trong trường hợp này, dù các chiến dịch quảng bá du lịch mạnh mẽ và thú vị như thế nào đi nữa, du khách vẫn phải vấp phải khó khăn trong việc nhập cảnh vào Việt Nam bởi chính sách thị thực nghiêm ngặt.

Du khách đến từ các thị trường tiềm năng ở xa thường có xu hướng kết hợp nhiều điểm đến khác nhau trong chuyến đi của họ. Ví dụ, du khách đến từ châu Âu và Mỹ khi đến thăm Campuchia, Thái Lan và Malaysia thường cũng muốn đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, thủ tục thị thực bất tiện có thể làm cho họ từ bỏ ý muốn đến thăm Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có chính sách miễn thị thực cho công dân của các nước ASEAN và miễn thị thực cho công dân của Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và 4 nước Bắc Âu.

1
Bảng so sánh Việt Nam với các nước láng giềng ASEAN, các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch

 

Một báo cáo được công bố bởi Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO) cho biết, Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh số lượng khách du lịch đến tăng từ 8% đến 18% nếu tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc cấp thị thực.

Tổ chức này cũng gợi ý, Việt Nam cần nhìn vào các nước có các Hiệp định Thương mại Tự do hoặc đang đàm phán các hiệp định này để xem xét việc mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực hiện tại./.

 

Theo VOV
 

.