Điện Biên: Sau 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW về công tác gia đình

Thứ Bảy, 27/06/2015, 17:09 [GMT+7]
Điện Biên TV - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác gia đình đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị và các hộ gia đình nhân dân các dân tộc Điện Biên tích cực tham gia thực hiện. Điều kiện vật chất và tinh thần của các hộ dân đã được cải thiện đáng kể, các gia đình đều có những điều kiện cơ bản để thực hiện chức năng của mình, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi khu dân cư, mỗi gia đình trên địa bàn tỉnh. 
c
Đến nay, toàn tỉnh có 65.829/112.753 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 58,3%

Xác định rõ: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, hiện đại và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đã được cấp uỷ, tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể các cấp, các ngành hết sức quan tâm chỉ đạo. Cùng với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đã giúp cho nhiều gia đình vươn lên làm giàu, đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần tích cực xoá đói giảm nghèo, người dân có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn, nâng cao mức sống cho các hộ gia đình.

Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 49-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Điện Biên đã ra Chỉ thị 20/CT-TU ngày 20/6/2005, Chương trình hành động số 21/CTr-UBND ngày 09/1/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chú trọng quan tâm đến công tác truyền thông, đây là giải pháp thực hiện quan trọng giúp cho Điện Biên thực hiện tốt công tác gia đình trong những năm qua, do vậy việc tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, 100% cán bộ đảng viên, trên 95% CBCC; 75% quần chúng được học tập, quán triệt nội dung của Chỉ thị 49-CT/TW.
 
Bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú và hiệu quả như: Tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, họp dân bản, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng của tỉnh, huyện, cụm truyền thanh không dây của xã... Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được tiếp cận với Chỉ thị 49-CT/TW; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Gia đình với người cao tuổi; các tờ rơi thông điệp về gia đình... 10 năm qua đã phát sóng 520 chương trình phát thanh, truyền hình; trên 7.000 tin, bài liên quan đến phụ nữ và gia đình, chăm sóc trẻ em đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Điên Phủ, trong đó có trên 500 tin, bài phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, các thôn bản, tổ dân phố còn thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi về vấn đề gia đình, kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; gia đình truyền thống, gia đình hiện đại và những đặc thù về chức năng của gia đình Việt Nam đối với sự phát triển của xã hội.
 
Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng về đời sống gia đình, các ngành, địa phương, đơn vị đã tổ chức các buổi họp mặt, biểu dương, khen thưởng các gia đình điển hình tiên tiến trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, thực hiện nếp sống văn minh; thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình khó khăn; vận động từng cá nhân, gia đình và cụm dân cư tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào và mô hình xây dựng gia đình như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các mô hình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Gia đình, dòng họ hiếu học”…
 
Nội dung Chỉ thị 49-CT/TW được lồng ghép với các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho xã hội nói chung và các hộ gia đình nói riêng. Đến nay, toàn tỉnh có 5/10  huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tại 13 xã, phường với tổng số 65/1.776  thôn, bản, tổ dân phố. Có 8/10 huyện, thị, thành phố thành lập mô hình phòng chống bạo lực gia đình với 45/130 xã, phường có Ban vận động phòng chống bạo lực gia đình và 153/1.776 thôn, bản, tổ dân phố có “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”.
 
Phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, đã có 1.464/1.776 thôn, bản, tổ dân phố xây dựng quy ước, hương ước. Từ đó, đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát huy tinh thần đoàn kết, tính tích cực, của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, có 65.829/112.753 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 58,3%; hầu hết các xã, phường, thị trấn đều xây dựng mô hình gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hộ gia đình là hội viên phụ nữ đạt danh hiệu gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đạt 70,99%, số vụ bạo lực gia đình đã giảm dần qua các năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 31,49%. Năm 2014, tổ chức cai nghiện ma túy cho 821 lượt người, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2013. Đó là những kết quả rõ nét, những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 
 
Ông Trần Văn Hoa, Phó trưởng phòng phụ trách công tác xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết: “Có được những kết quả nói trên trước hết là có sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội trong công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Từ đó, chủ động rà soát, đánh giá tình hình tại các địa phương để có các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về công tác gia đình, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm thực hiện công tác gia đình ngày một tốt hơn”.
 
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế đó là: Việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn mang tính hình thức chưa đi vào thực chất, hiệu quả, hiện tượng tảo hôn vẫn còn ở một số đồng bào dân tộc thiểu số, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp, các tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang thâm nhập vào các gia đình, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ, trẻ em và trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng. Nội dung hương ước, quy ước ở một số thôn, bản, khu dân cư chưa có tính thuyết phục trong cộng đồng dân cư, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội chưa được đề cập trong hương ước, quy ước như: Phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… 
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác gia đình, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 49-CT/TW đã đề ra, tăng cường chính sách khuyến khích đầu tư cho công tác gia đình thông qua Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Phòng Văn hóa và Thông tin, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan, đoàn thể có liên quan; gắn công tác xây dựng gia đình với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa “Ngày truyền thống gia đình 28/6” hằng năm, nhằm đưa công tác gia đình đạt hiệu quả cao, có sức lan toả trong quần chúng nhân dân./.
 
 
Khánh Toàn 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên
 
.