Hoa sen quê Bác trên Leng Su Sìn

Thứ Hai, 18/05/2015, 07:49 [GMT+7]
Điện Biên TV - Vượt hơn 200 cây số từ TP. Điện Biên Phủ theo Quốc lộ 4H, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Leng Su Sìn khi trời đã về chiều. Ấy vậy mà nắng tháng năm và những cơn gió Lào Tây Bắc vẫn hầm hập nơi đây. Nhưng ao sen ở Đồn Leng Su Sìn vẫn ngào ngạt tỏa hương...
 
Từ trước đến nay người ta vẫn thường biết đến ao sen ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), nhưng ít ai ngờ ở nơi biên giới như Leng Su Sìn cũng có những đóa sen thắm hồng xuất xứ từ làng Sen quê Bác. Ao sen này có từ những năm 60 của thế kỷ trước, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chưa đầy 10 năm. Từ đó đến nay gắn liền với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (trước đây là Đồn 5 Công an vũ trang Leng Su Sìn). Tuy nhiên, làm sao để có được những đóa sen như ngày hôm nay thì không phải ai cũng biết. Chính vì, bấy lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng do Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ là người trồng, bởi ông chính là người đã hướng dẫn bà con làm nương, trồng lúa... Song có một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà không phải ai cũng biết, những đóa sen đó là do chính đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - người đồng đội của liệt sỹ Trần Văn Thọ đã đưa từ quê Bác lên.
x

 

Trung tá Lò Văn Thoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Leng Su Sìn kể rằng: “Thế hệ chúng tôi khi mới vào công tác tại Đồn thì ao sen đã có. Một điều thật là lạ, cứ vào trung tuần tháng 5 hàng năm, những bông hoa sen thắm hồng đua nở xen lẫn màu lá xanh mơn mởn tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, khiến ai đi qua cũng nán lại chụp ảnh kỷ niệm. Vào mùa sen nở, mỗi tối cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn và bà con người Hà Nhì thường đem ghế ra ngồi cạnh ao sen để thưởng thức không khí trong mát”. Để chúng tôi hiểu hơn về ao sen, Trung tá Thoan giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Lý Kim Khoa là người bạn, đồng đội của ông Nguyễn Hữu Thọ và Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Thọ.
 
Ông Khoa năm nay đã ngoài 80 tuổi, có nhiều chuyện ông không nhớ hết, nhưng riêng về chuyện hoa sen ở Leng Su Sìn thì ông ghi lòng. Ông Khoa cho biết, trước đây anh em chúng tôi cùng công tác tại Đồn 5 Công an vũ trang Leng Su Sìn, trong một lần anh Thọ đi công tác tại Nghệ An đã có dịp vào thăm quê Bác. Trước vẻ đẹp dân dã và đặc biệt của loài sen nơi đây, ông ấy (ông Nguyễn Hữu Thọ - PV) đã trình bày nguyện vọng với cán bộ quản lý xin bằng được hoa sen của quê Bác về trồng nơi đơn vị đóng quân. Thế nhưng làm thế nào để đem được hoa sen về là cả một câu chuyện dài, bởi đường sá lúc bấy giờ còn khó khăn, đi bộ nhiều hơn đi xe, thậm chí phải đi bộ cả tháng mới về đến nơi. Thời gian đi bộ dài ngày như vậy, tránh cho củ sen không bị khô, hư hỏng không phải đơn giản. Phải “cõng” thêm một bao bùn trên vai qua chặng đường gần 1.000km, đảm bảo sen luôn được tưới ẩm. Mỗi chặng dừng chân anh Thọ lại tranh thủ giâm vào đất cho đến khi về tới đồn.
 
Những đóa sen nơi miền biên viễn thì vẫn vậy, đến mùa lại sinh sôi nảy nở, tỏa hương thơm ngát, tựa như một bức tranh yên bình. Điều đặc biệt là vào mùa hoa sen nở rất đẹp nhưng không một ai tự ý hái sen nếu chưa được sự đồng ý của Đồn. Thời gian trôi qua, năm 1965 ông Khoa phục viên và ở lại Leng Su Sìn an cư lạc nghiệp. Tâm sự với chúng tôi, ông Khoa chia sẻ: “Mỗi lần đi qua Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, tôi thường dừng lại thắp nén hương tri ân đồng đội. Nhớ anh em, đồng chí, nhớ về những kỷ niệm một thời từng gắn bó bên nhau thật khó kìm nén cảm xúc”. Rồi đây tượng đài Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ đang được gấp rút hoàn thành, nhưng mùa sen thì cứ phải đến tháng 5 mới có, nên muốn được ngắm sen, nhớ đồng đội, ông Khoa phải chờ, phải đợi. Với ông việc mỗi năm chờ đợi đến mùa sen nở như một công việc phải làm không thể quên được. Ông Khoa nói, mỗi năm khi nào những ngó sen đâm chồi, lá sen rũ bóng ông thường bảo con cháu chăm sóc để ao sen thêm xanh tốt. Ước nguyện của ông là mong muốn ao sen mãi mãi được thế hệ cháu con duy trì, bảo vệ. 
 
Khi chưa trở về đến thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi được Trung tá Lò Văn Thoan điện thoại báo tin vui, Đồn quyết định tới đây tu sửa lại ao sen, nhằm lưu giữ kỷ niệm của thế hệ đi trước, đồng thời tưởng nhớ đến vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh kính yêu. Có phương án bảo vệ, tuyên truyền để mỗi người dân, du khách khi đi ngang qua đều có thể dừng chân ngắm. Đến thăm ao sen trên miền biên viễn hôm nay, không chỉ có riêng tôi mà còn muôn vàn người khác nữa chung một tấm lòng, dạt dào cảm xúc, yêu mến và nhớ thương vị Cha già dân tộc./.
 
Văn Tâm
 
 
.